Chiều 27/8, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Phạm Đức Hải đã chủ trì họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Cuộc họp báo trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và TP.HCM trải qua hơn 4 ngày thực hiện Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11 của UBND TP.

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, trước cuộc họp 24h, báo chí đã gửi các vấn đề quan tâm tới Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị thông tin và trả lời các nhóm vấn đề được quan tâm sau: Thứ nhất, về y tế với kết quả xét nghiệm diện rộng, số ca mắc tử vong.
Thứ hai, thông tin tình hình giáo dục, tình hình cung ứng sách giáo khoa. Thứ ba, đi chợ thay có đáp ứng nhu cầu người dân?.

Báo chí có ghi nhận, số người dân đặt hàng rồi không nhận và không trả tiền, nhưng cũng có tình trạng giao hàng chậm, hàng hết hạn sử dụng.

Về giao thông, đề nghị Công an TP và Sở GTVT thông tin mật độ ra đường. Cuối cùng, tổng đài 1022 hoạt động thế nào?

{keywords}
TP.HCM thực hiện công tác an sinh cho người dân

Thông tin về công tác phòng, chống dịch 5 ngày qua, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, đến nay việc chống dịch đạt được một số kết quả, như: ý thức chấp hành của người dân được nâng lên, giao thông giảm đáng kể; công tác xét nghiệm được đẩy nhanh; an sinh xã hội nhanh chóng triển khai, bước đầu đáp ứng nhu cầu người dân.

Tuy nhiên, còn hạn chế là việc giãn cách một số nơi thực hiện chưa nghiêm. Cụ thể, mấy ngày qua, một bộ phận vẫn ra đường không lý do, cơ quan chức năng đã lập biên bản 2.491 người, xử phạt hơn 3 tỷ đồng.

Hỗ trợ người dân một số nơi còn chậm, chưa kịp thời và chưa nhịp nhàng.

Về y tế, ông Hải cho biết, tổng số trường hợp mắc Covid -19 tính đến 6h ngày 27/8 là 194.596 trường hợp mắc, bao gồm 194.159 ca nhiễm trong cộng đồng, 437 ca nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 38.559 bệnh nhân, trong đó: có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 26/8 có 2.236 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 99.955), 287 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 8.097).

Về kết quả xét nghiệm, tính từ 18h ngày 25/8 đến 18h ngày 26/8 đã lấy 377.390 mẫu, trong đó có 8.578 mẫu đơn và 6.620 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 350.947 mẫu.

Về công tác tiêm chủng vắc xin, ông Hải thông tin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 26/8 là 5.741.654 (tăng 113.926 mũi vắc xin so với ngày 25/8); trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 598.02

Về an sinh, việc tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng, đối tượng nghiện ma túy đưa vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và Trung tâm Hỗ trợ xã hội trực thuộc Sở, ông Hải thông tin trong ngày đã tiếp nhận thêm 125 đối tượng (lũy kế từ ngày 11/7 đến 27/8 là 577 người).

Tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy: 32 đối tượng (vào cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2: 19 người, vào cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu: 13 người), lũy kế từ ngày 11/7 đến 27/8 là 172 người.

Về giao thông, theo ông Hải, lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 26/8 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính) giảm 88% so với trung bình ngày thường. 

Nói thêm về giao thông, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, từ 23/8 đến nay, mật độ giao thông giảm trung bình trên dưới 90% so với ngày thường. Lực lượng công an và các sở thường xuyên họp để giải quyết tình trạng giao thông, không ảnh hưởng lưu thông hàng hóa.

Qua theo dõi, các chốt ổn định, không xảy ra ùn ứ giao thông.

Liên quan cấp mã QR, Sở GTVT làm tốt việc này, không xảy ra vướng mắc, đặc biệt ưu tiên giải quyết tối đa cho phương tiện chở thiết bị y tế, oxy.

Liên hệ các đầu mối địa phương để kịp thời hỗ trợ an sinh

Ông Từ Lương cho biết, UBND TP.HCM trong sáng 26/8 đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở GTVT và các ngành khác tạo điều kiện tốt nhất để cho hệ thống phát hành cung cấp sách giáo khoa cho các cấp học, chuẩn bị vào năm học.

Về đi chợ báo chí phản ánh vẫn còn khó khăn, các đầu mối quá tải, đặt hàng không được giao…, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thường cho biết, Sở cũng nhận nhiều thông tin khó khăn về cung ứng hàng hóa.

Khi xác minh để can thiệp thì người phản ánh nói chỉ nghe thông tin, không biết chính xác. Do đó, ông Phương mong báo chí phản ánh thông tin chính xác, cụ thể để Sở Công thương can thiệp.

Đồng thời, theo ông Phương, chương trình hỗ trợ, đi chợ thay vừa qua lần đầu tiên triển khai nên chưa có kinh nghiệm, nên có thể có những trục trặc.

Để kịp thời hỗ trợ cho người dân, Sở Công thương đã phân công các đầu mối ở các địa bàn quận, huyện. Do đó, ai gặp khó khăn thì liên hệ với các đầu mối này.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH, cho biết thêm, TP giao Sở thực hiện triển khai chi hỗ trợ theo hai đợt cho các nhóm đối tượng và đã chi trả như thông tin mà Ban chỉ đạo cung cấp.

Cũng theo đại diện này, do tình hình phức tạp, dẫn đến việc phát sinh thêm nhiều người dân khó khăn, do đó TP đã chỉ đạo cập nhật và bổ sung thêm đối tượng được chi hỗ trợ do gặp hoàn cảnh khó khăn về dịch. Các cơ sở địa phương sẽ rà soát, lập danh sách đề xuất để hỗ trợ.

Tăng cường xét nghiệm, F0 tăng

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trao đổi về tình trạng F0 tăng thời gian gần đây mà báo chí thắc mắc.

Theo ông Hưng, việc tăng cường phát hiện các F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm ở các vùng và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Từ đó có biện pháp phù hợp, tăng cường phát hiện F0 để phân loại nằm ở tầng nào để đạt mục tiêu cao nhất là hạn chế thấp nhất tử vong, chăm sóc phù hợp.

{keywords}
TP.HCM đang tiến hành xét nghiệm toàn TP. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Test nhanh ở vùng đỏ đến nay là 1.117.000 test nhanh, dương tính 42.400, tỷ lệ 3,5%, là tín hiệu có thể yên tâm. Thời gian tới có thể thay đổi, nhưng ở mức độ chấp nhận được.

Theo ông Hưng, khi tăng cường xét nghiệm thì F0 tăng nhưng ở mức độ chấp nhận được, chứ không phải quá sức.

"Chúng tôi chủ động triển khai hơn 400 trạm y tế lưu động ở phường, xã để hỗ trợ F0 tại nhà. Triển khai trạm y tế lưu động không chỉ tăng cường chăm sóc F0 đang điều trị tại nhà mà còn giải quyết khám chữa bệnh ban đầu cho những trường hợp khác, không phải là bệnh nhân Covid-19", lời ông Hưng.

Về cơ bản, nhân sự phục vụ trạm y tế lưu động, các trạm họp và giải quyết kịp thời.

Về túi thuốc cho F0 tương đối mới so với trước đây. F0 khi được xác định đủ điều kiện quản lý tại nhà thì phát túi thuốc, trong đó 3 nhóm. Nhóm a là thông thường như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể; nhóm B gồm đặc trị hơn dùng theo chỉ định; nhóm 3 thì việc quản lý nghiêm ngặt là thuốc kháng virus.

Hôm qua, ngành y tế TP đã nhận 16.000 viên và căn cứ lượng F0 ở quận, huyện để đưa về cơ sở y tế cho bệnh nhân sử dụng.

Đây là loại thuốc sử dụng có điều kiện và kiểm soát đặc biệt, người đồng ý sử dụng phải cam kết và tuân thủ theo mẫu hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ cho con bú sau khi sử dụng viên này 100 ngày.

Ngành y tế cũng hướng dẫn rõ để đảm bảo an toàn.

Hoạt động của Cổng thông tin 1022

Cung cấp thêm về hoạt động của tổng đài 1022 đang bị quá tải, nhiều người dân phản ánh khi gọi đến không có người nghe máy, nhắn tin vào cổng 1022 cũng không được phản hồi.

Về việc này, đại diện Sở TT&TT cho biết, cổng thông tin 1022 TP do Sở TT&TT triển khai, với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thành phố.

Cổng thông tin 1022 là kênh giao tiếp duy nhất giữa chính quyền thành phố với người dân để tiếp nhận thông tin phản ánh trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hạ tầng kỹ thuật đô thị (điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, viễn thông,…), tài nguyên môi trường, trật tự đô thị, tiếng ồn đô thị,…, ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân gửi đến lãnh đạo thành phố để xây dựng và phát triển.

{keywords}
Cổng thông tin 1022 tiếp nhận thông tin từ người dân để có sự hỗ trợ kịp thời

Đồng thời, trong thời gian TP triển khai các giải pháp công tác phòng, chống dịch Covid-19, cổng thông tin 1022 là kênh tiếp nhận và xử lý chính thức các thông tin phản ánh từ người dân đến chính quyền nhằm kịp thời xử lý nhanh nhất những thông tin phản ánh về các vi phạm, các yêu cầu hỗ trợ người dân trong công cuộc phòng, chống dịch.

Cổng thông tin 1022 đang tiếp nhận các loại thông tin sau: Phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 (gọi 1022 - nhấn phím 0); Gửi ý kiến góp ý, hiến kế của người dân gửi đến Thường trực HĐND TP để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch (gọi 1022 - nhấn phím 1); Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 (gọi 1022 - nhấn phím 2); Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (gọi 1022 - nhấn phím 3); Kết nối với Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP.HCM (gọi 1022 - nhấn phím 4).

Theo vị đại diện, hiện nay, Cổng thông tin 1022 có nhiều phương thức tiếp nhận thông tin, đảm bảo tiếp nhận thông tin 24/7 và không gián đoạn. Hiện nay, Cổng thông tin 1022 đã có 5 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Riêng kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 (1022 - nhấn phím 2), nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, kịp thời kiểm tra, giải quyết những phản ánh, đề xuất, kiến nghị của người dân, Sở TT&TT đã kịp thời phối hợp triển khai các giải pháp được hỗ trợ miễn phí từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) như tăng cường lực lượng tổng đài viên, triển khai hệ thống tương tác tự động Callbot, miễn cước gọi cho người dân, nâng cấp công cụ quản lý và điều phối thông tin, chatbot trên website/Zalo…

Sau khi đưa vào hoạt động hệ thống tương tác tự động Callbot và tăng số lượng tổng đài viên lên đến 50 người/ca, đã cơ bản giải quyết tình trạng nghẽn, quá tải tổng đài 1022 - nhánh 2.

Để hỗ trợ cho công tác tiếp nhận, từ ngày 30/7, Sở TT&TT đã phối hợp VNPT đưa vào hệ thống tương tác tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (callbot).

Một số số liệu thống kê cụ thể như sau:

Nhánh 0 - từ 28/5 đến 25/8, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đến UBND và cơ quan chức năng các cấp. Hơn 80% số tin đều được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.

Nhánh 1 - từ 16/7 đến 25/8, đường dây nóng của HĐND TP qua tổng đài 1022 đã tiếp nhận và chuyển xử lý 335 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri TP.

Nhánh 2 - từ 22/7 đến 25/8, đã tiếp nhận và chuyển xử lý hơn 179.000 yêu cầu hỗ trợ từ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đến Sở LĐ-TB&XH, UBND và cơ quan chức năng các cấp để kịp thời hỗ trợ người dân. Tỉ lệ xử lý hoàn tất hơn 70% tổng số tin, còn lại là các trường hợp chưa đủ điều kiện.

Nhánh 3 - từ 23/7 đến 25/8, các bác sĩ, chuyên gia đã thực hiện 26.245 cuộc gọi tư vấn sức khỏe cho người dân.

Nhánh 4 - từ 06/8 đến 25/8, các tình nguyện viên đã tiếp nhận 65.225 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ.

5 loại tin giả, sai sự thật

Về thông tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, ông Từ Lương cho biết, những loại tin này diễn biến rất nhanh, khó kiểm soát tức thời.

Theo ông Từ Lương, khi xảy ra các loại tin giả, tin sai trên mạng xã hội, quan điểm của Ban Tuyên giáo Trung ương , Bộ TT&TT và UBND TP.HCM là yêu cầu phản bác ngay và kịp thời.

Liệt kê 5 loại nhóm tin giả, sai sự thật: Thứ nhất, tin sai sự thật, chia rẽ đại đoàn kết; Thứ hai, công bố hiệu quả vắc xin không đúng, gây hoang mang; Thứ ba, xuyên tạc chính sách phân bổ vắc xin của Trung ương; Thứ tư, đưa diễn biến tình hình dịch bệnh không đúng sự thật; Thứ năm, xuyên tạc việc phân bổ vắc xin cho các DN…

Ông Từ Lương cũng cho biết, thời gian gần đây, nhiều nhóm đối tượng lại tạo dựng các câu chuyện thương tâm, đau lòng, gây trắc ẩn… để kêu gọi từ thiện.

“Chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, điều tra, làm rõ và sẽ xử lý đúng quy định của pháp luật”- ông Từ Lương nói.

Tiêm vắc xin mũi 2

Báo chí cũng đặt câu hỏi, nhiều nhóm đối tượng đến thời điểm tiêm mũi hai nhưng chưa được tiêm là do đâu?

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCDC cho biết, về vắc xin thì TP luôn ưu tiên đẩy nhanh, tìm mọi cách để có vắc xin càng nhiều, càng tốt để tiêm cho người dân.

Ông cho biết, tính đến nay, mũi một đạt gần 5,5 triệu (làm tròn), đủ hai mũi là 300.000 (làm tròn).

Thời gian gần đây và sắp tới, TP cũng như Trung ương tích cực tìm nguồn vắc xin về.

“Cơ bản TP.HCM lo đủ cho người tiêm mũi hai, người dân nên yên tâm, không lo lắng”, ông Tâm khẳng định.

{keywords}
Lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ người dân, cấp phát gói an sinh xã hội và đi chợ giúp dân.

Trước đó, ngày 26/8, Thủ tướng và đoàn công tác đã có chuyến thị sát kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số địa bàn của TP.HCM và cuối giờ chiều đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.

Thủ tướng đánh giá công tác phòng, chống dịch của TP.HCM đạt được nhiều hiệu quả, yêu cầu TP phải quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn để thực hiện tốt Nghị quyết 30 của Quốc hội và Nghị quyết 86 của Chính phủ. 

Chi tiết hơn, Thủ tướng yêu cầu phải hỗ trợ người dân tiếp cận sớm y tế, tập trung chăm lo an sinh cho người dân khi thực hiện giãn cách nghiêm, triệt để. 

Thủ tướng lưu ý các địa bàn cần đặc biệt quan tâm tới người lang thang, cơ nhỡ, cần đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc và xét nghiệm.

Cũng trong ngày 26/8, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi có văn bản nêu rõ các ngành, các cấp phải rà soát, nắm rõ các hộ dân thuộc địa bàn quản lý có hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ; bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chủ động vận động các nguồn lực để chăm lo cho người dân.

Về chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19:
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 67.243/68.696 lao động (đạt tỷ lệ 97,88%), kinh phí hỗ trợ 140.664.400.000 đồng;
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 193/193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 396.400.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm:
Chốt việc chi hỗ trợ Đợt 1 (ngày 08/8/2021): 365.794/365.794 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 548.691.000.000 đồng.
Đợt 2: 478.471/1.003.362 lượt lao động (đạt tỷ lệ 47,69%), kinh phí hỗ trợ 717.706.500.000 đồng.
Tổng cộng 2 đợt: 1.266.397.500.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861/5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11.722.000.000 đồng
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 20.810/21.147 (đạt tỷ lệ 98,41%) kinh phí 32.326.830.000 đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060.492.875.247 đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 144 đơn vị với 30.069 người lao động, kinh phí hỗ trợ 231.432.918.425 đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139/139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 515.690.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 248/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 920.080.000 đồng.
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả…: 273.112/1.223.973 hộ (đạt tỷ lệ 22%), kinh phí 393.424.800.000 đồng (từ NSNN: 283.089.200.000 đồng, từ nguồn của UBMTTQ: 110.335.600.000 đồng).
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.746/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,7%), kinh phí 58.369.700.000 đồng (từ ngân sách là 38.999.000.000 đồng, từ nguồn của UBMTTQ: 19.640.700.000 đồng).

Hồ Văn

 

Giãn cách nghiêm, tiếp cận y tế sớm và chăm lo an sinh đầy đủ

Giãn cách nghiêm, tiếp cận y tế sớm và chăm lo an sinh đầy đủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh những nội dung trên khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM.