Lý do nào mà dù không có dầu tại đó, TQ vẫn quyết định hạ đặt giàn khoan khổng lồ cần chi phí tới 320.000 USD/ngày để duy trì hoạt động? 

{keywords}
Tàu phòng vệ bờ biển TQ ở gần khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép Hải dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của VN. Ảnh: telegraphindia  

Trong khi ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông, TQ đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Đầu tháng 5, TQ đã hạ đặt giàn khoan nước sâu với giá cả tỉ USD ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Không có dầu ở khu vực mà TQ quyết định đặt giàn khoan khổng lồ cần chi phí tới 320.000 USD/ngày để duy trì hoạt động. 

Về bề nổi, công ty dầu khí TQ CNOOC - sở hữu giàn khoan nói trên đưa ra quyết định triển khai giàn khoan có thể là với mục tiêu tìm dầu và khí. Tuy nhiên, đưa giàn khoan ra khu vực thuộc vùng biển của VN thì động cơ không chỉ đơn thuần như vậy. Quyết định ấy ẩn chứa từ nhiều lý do địa chính trị hơn là nguồn năng lượng.

Đóng dấu tuyên bố chủ quyền

TQ có mục tiêu rõ ràng là "đóng dấu" chủ quyền cũng như tăng cường cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của họ bằng cách thiết lập một thực thể ở vùng tranh chấp mà TQ quen gọi là "lãnh thổ xanh". 

Họ đã điều động hàng trăm tàu thuyền cùng máy bay để bảo vệ giàn khoan. VN đã đưa ra những hình ảnh video cho thấy tàu TQ đâm va, làm hư hại tàu VN, dùng vòi rồng áp lực cao tấn công tàu VN, thậm chí còn đâm chìm một tàu cá VN. 

Giàn khoan dầu vẫn ở nguyên vị trí, các kỹ thuật viên TQ bắt đầu công việc khoan dầu. Nhưng mùa mưa sắp bắt đầu và có thể vào tháng 8 hay tháng 9, TQ sẽ rút giàn khoan.

TQ tiếp tục tiến thêm bước này và lần này là với giàn khoan Nam Hải số 9 đi qua Biển Đông và hướng tới Reed Bank - khu vực có thể có trữ lượng dầu khí phong phú, nằm ở vùng nước tương đối nông giữa Philippines và chục đảo đá, bãi ngầm tạo thành quần đảo Trường Sa. 

Manila đã cho phép một công ty Philippines là Philex Petroleum, bắt đầu khoan thăm dò ở Reed Bank vào năm 2015.

10 nước thành viên ASEAN đã bày tỏ sự quan ngại về các hành động đơn phương của TQ tại Biển Đông kể từ năm 1992. Sau đó, TQ và ASEAN đã nhất trí về DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông) năm 2002. 

Hai bên cũng cam kết nỗ lực hành động hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên không có nhiều tiến triển kể từ đó tới nay.

Trước việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của VN, VN đã kiên trì đường lối đàm phán hướng tới giải pháp hòa bình.

VN đang cân nhắc hành động pháp lý kiện TQ ra tòa án quốc tế. Điều này sẽ chắc chắn đi ngược lại với ý đồ của TQ khi Bắc Kinh khăng khăng đàm phán song phương với cá nhân từng nước để giải quyết tranh chấp. Giới phân tích gọi là chiến thuật "cắt lát" cổ điển.

Những hành xử gần đây của TQ đã khiến Mỹ phải lên tiếng gọi đó là "hành động khiêu khích". Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuyển tải sự phản đối này tới ông Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ. Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan ngại và nhấn mạnh đến sự cần thiết của duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tại sao TQ lại quyết định hành xử khiêu khích tại Biển Đông trong lúc này? Nó dường như là một nước cờ tính toán để "đóng dấu" tuyên bố chủ quyền với cả vùng biển và cũng là phép thử phản ứng của VN, Phillippines, ASEAN cũng như cả cộng đồng quốc tế.

Chính hành xử của TQ đang làm thay đổi nhận thức quốc tế từ tuyên bố "trỗi dậy hòa bình của TQ". Phần lớn các nước trong khu vực ngày càng nhận thấy rõ TQ đang trở nên quả quyết hơn, gây hấn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. 

Điều này tạo ra sự bất an ở châu Á - Thái Bình Dương, khiến các quốc gia tạo lập một lực lượng để đối mặt với cách hành xử nguy hiểm của TQ.

Nguy cơ hiểu nhầm có thể bùng nổ thành xung đột lớn. Cuộc tìm kiếm một cấu trúc an ninh ổn định tại châu Á thực sự là con đường dài chông gai phía trước.

Thái An (Theo telegraphindia)