- VietNamNet trân trọng giới thiệu phần tiếp theo của bài viết Fact, fiction and the South China sea (Sự thật, điều hư cấu và Biển Đông) trên tờ Asia Sentinel​ của nhà báo kỳ cựu Bill Hayton.

Bài viết của Hungdah Chiu và Choon Ho Park cũng dựa vào các nguồn tương tự. Ở những phần trọng yếu, bài viết trích dẫn bằng chứng dựa vào các bài báo được đăng tải năm 1933 trên Tạp chí Bình luận ngoại giao và Nguyệt san Ngoại giao, và Nguyệt san địa lý từ năm 1934 cũng như Tuần san quốc văn từ năm 1933 và Công báo của Bộ Ngoại giao TQ. Ngoài thông tin này, tác giả cũng bổ sung tài liệu thu thập từ ấn phẩm Sơ lược về địa lý các đảo ở biển Đông Nam Hải của Thượng Hải năm 1948 và các tuyên bố của chính phủ TQ từ năm 1956 đến 1974.

Chiu và Park có sử dụng một số tài liệu tham khảo của Việt Nam, đáng chú ý nhất là 8 thông cáo báo chí hoặc các tờ thông tin do Đại sứ quán của Việt Nam Cộng hòa ở Washington cung cấp. Họ cũng đề cập tới một số "tài liệu chưa công bố thuộc quyền sở hữu của các tác giả". Tuy nhiên, đại đa số các nguồn của họ là từ truyền thông TQ.

{keywords}

TQ cải tạo trái phép đá Huy Gơ ở Trường Sa của VN. Ảnh: Bình Minh

Trong chuyên khảo một năm sau đó, tác giả Dieter Heinzig đặc biệt dựa vào 2 ấn phẩm Hong Kong là Nguyệt san thập niên 70 và Nguyệt san Minh báo, các số lần lượt xuất bản tháng 3 và tháng 5/1974.

Điều đáng chú ý là, nguồn tham khảo cơ bản của tất cả các bài viết có tính đặt nền móng này lại là các bài báo của truyền thông TQ, được xuất bản trong bối cảnh các thảo luận về Biển Đông bị chính trị hóa cao độ. Năm 1933 là năm mà Pháp chính thức sáp nhập các thực thể ở quần đảo Trường Sa, dẫn tới sự phẫn nộ lan rộng ở TQ. Năm 1956 là thời điểm doanh nhân Philippines Tomas Cloma tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa, cho một quốc gia tự phong của riêng ông, có tên là "Freedomland", dẫn đến các tuyên bố phản bác của Đài Loan, TQ và Việt Nam Cộng hòa; và năm 1974 là thời điểm xảy ra hải chiến Hoàng Sa.

Các bài báo xuất bản trong 3 giai đoạn trên không thể được coi là các nguồn cung cấp bằng chứng thực tế trung lập và không thiên vị. Thay vào đó, chúng cần được xem như những nguồn tham khảo có tính thiên vị, ủng hộ các quan điểm vì lợi ích quốc gia cụ thể. Điều này không hàm chỉ là, các bài báo trên nghiễm nhiên sai, nhưng cần thận trọng xác minh các tuyên bố của họ với các tài liệu gốc. Đây đã không phải là điều các tác giả đã làm.

Mẫu hình nghiên cứu của Cheng, bộ đôi Chiu - Park và Heinzig đã được lặp lại trong cuốn sách Tranh chấp Biển Đông của Marwyn Samuels. Bản thân tác giả Samuels trong lời đề tựa cũng thừa nhận sự thiên vị TQ của các nguồn tài liệu mình sử dụng.

Ông nêu rõ, "vấn đề nghiên cứu chính ở đây không phải là lịch sử hàng hải, chính sách biển hay các lợi ích của Việt Nam hay Philippines. Thay vào đó, ngay cả khi các tuyên bố chủ quyền và các yêu sách đối kháng được xem xét một cách chi tiết, mối quan tâm cơ bản ở đây vẫn là đặc tính hay thay đổi của chính sách biển của TQ".

Samuels cũng thừa nhận, các nghiên cứu về châu Á của ông chủ yếu dựa vào tài liệu lưu trữ của Đài Loan. Tuy nhiên, các hồ sơ cốt yếu liên quan đến các hành động của Đài Loan ở Biển Đông hồi đầu thế kỷ 20 chỉ được giải mật vào năm 2008/2009, rất lâu sau khi cuốn sách của ông được xuất bản.

Còn có một sự bùng nổ các bài viết về lịch sử vào cuối những năm 1990. Chuyên gia tư vấn dầu mỏ Daniel Dzurek, người từng là nhà địa lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã viết một bài báo cho Khoa nghiên cứu các ranh giới quốc tế của Đại học Durham năm 1996 và một cuốn sách của chuyên gia phân tích Australia Greg Austin được xuất bản vào năm 1998.

Trong các phần viết về lịch sử, Austin đã tham khảo cuốn sách của Samuels, nghiên cứu của Chiu và Park, một tài liệu do Bộ Ngoại giao TQ công bố hồi tháng 1/1980 với nhan đề "Chủ quyền không thể tranh cãi của TQ đối với quần đảo Tây Sa (tên tiếng Trung của Hoàng Sa và Nam Sa (tên tiếng Trung của Trường Sa)" và một bài viết của Lin Jinzhi trên Nhân dân Nhật báo. Dzurek cũng làm tương tự.

Một nhân vật khác có đóng góp quan trọng trong dòng tường thuật lịch sử này là giáo sư luật người Mỹ gốc Hoa Jianming Shen thuộc Trường Luật, Đại học St. John ở New York.

Năm 1997, ông đã cho xuất bản một bài báo có tính then chốt trên tạp chí The Hastings International and Comparative Law Review. Cũng giống như tờ The Texas International Law Journal, tạp chí The Hastings International and Comparative Law Review là một ấn phẩm do các sinh viên biên tập.

Sẽ không cần thiết phải nhấn mạnh rằng, một ban biên tập gồm các sinh viên luật có thể không phải là cơ quan tốt nhất thẩm định các công trình về lịch sử hàng hải của châu Á. Tiếp sau bài báo này, Chen đã cho xuất bản bài báo thứ hai ở một chuyên san danh tiếng hơn, tờ Chinese Journal of International Law, mặc dù nhiều phần của nó đơn giản được tham khảo từ bài viết đầu tiên.

Hai bài báo của Shen đặc biệt có ảnh hưởng, chẳng hạn như trong năm 2014, báo cáo của CNA đã đề cập tới chúng ít nhất 170 lần. Tuy nhiên, điều tra các nguồn tài liệu tham khảo mà hai bài báo này sử dụng cho thấy chúng cũng đáng ngờ vực như các nghiên cứu trước đó.

Các phần viết về lịch sử mà cung cấp bằng chứng cho bài báo năm 1997 của Chen dựa chủ yếu vào 2 nguồn. Một là cuốn sách do Duanmu Zheng biên tập, có nhan đề Luật quốc tế được NXB Đại học Bắc Kinh xuất bản năm 1989 (được tham khảo ít nhất 18 lần). Năm tiếp theo, Duanmu trở thành quan chức có vị trí cao thứ 2 trong ngành luật của TQ - Phó Chủ tịch Tòa án nhân dân tối cao TQ - và sau đó là một trong những người soạn thảo Luật cơ bản của Hong Kong. Nói một cách khác, ông là một quan chức cấp cao của chính phủ TQ.

Một nguồn lịch sử chính khác mà Shen dựa vào là một bộ sưu tập các bài báo từ hội thảo chuyên đề về Các quần đảo ở Biển Đông, do Viện Chiến lược phát triển biển thuộc Cơ quan quản lý biển quốc gia TQ tổ chức năm 1992 (được tham khảo ít nhất 11 lần). Hài hước hơn, các tài liệu do Cơ quan quản lý biển quốc gia và cơ quan lập pháp TQ xuất bản sau đó đã được sử dụng qua các bài viết của giáo sư Chen và tiếp đó là báo cáo của Trung tâm phân tích Hải quân (Mỹ), để rồi giờ trở thành một phần kiến thức về lịch sử Biển Đông của Lầu Năm Góc.

Không một cây bút nào được đề cập đến ở trên là các chuyên gia về lịch sử Biển Đông. Thay vào đó, họ là các nhà khoa học chính trị (Cheng và Samuels), các luật sư (Chiu, Park và Shen) hoặc các chuyên gia quan hệ quốc tế (Heinzig và Austin). Theo thông lệ, các tác phẩm của họ không điều tra tính toàn vẹn của văn bản họ trích dẫn và họ cũng không thảo luận về các bối cảnh mà những văn bản này được tạo ra. Đặc biệt, Cheng và Chiu - Park đã gắn các phạm trù lỗi thời - chẳng hạn như "đất nước" để mô tả các mối quan hệ tiền hiện đại giữa những thực thể chính trị quanh Biển Đông, cho những khoảng thời gian khi các mối quan hệ chính trị hoàn toàn khác với những gì tồn tại ngày nay.

Có một điều cũng đáng chú ý là Cheng, Chiu và Shen là người TQ. Cheng và Shen tốt nghiệp cử nhân Luật từ Đại học Bắc Kinh. Chiu tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia Đài Loan. Trong khi điều này, tất nhiên, không tự động khiến họ thiên vị, nhưng sẽ là hợp lý để cho rằng họ đã quen thuộc hơn với các tài liệu và quan điểm của TQ. Còn Samuels và Heinzig đều là những học giả về TQ.

Mời bạn đọc bài viết gốc tựa đề “Fact, Fiction and South China Sea” được đăng trên The Asia Sentinel ngày 25/5/2015.

Bill Hayton (Dịch: Thanh Bình  - Dự án Đại sự ký Biển Đông)

Tiếp: Phanh phui chuyến ra Hoàng Sa không tồn tại của TQ