Hình ảnh vệ tinh cho thấy, TQ dường như đang xây dựng một đường băng thứ ba dài 3.000 mét trên Đá Vành Khăn.

Các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dẫn các hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc xây dựng trên Đá Vành Khăn – nơi TQ đã trái phép biến đổi thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của VN.

{keywords}

Hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng và đào đắp diễn ra ở Đá Vành khăn thuộc Biển Đông. Ảnh Getty Images

Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS cho biết, nơi này giờ gồm một khu vực hình chữ nhật với bức tường chắn dài 3km – tương tự như khu vực TQ đã xây dựng ở hai nơi khác là Đá Subi và Chữ Thập,

“Những gì chúng ta thấy là một đường băng dài 3.000m và thậm chí cả một số cầu cảng phục vụ tàu bè”, ông nói.

Theo các chuyên gia an ninh, đường băng có độ dài như trên đủ phục vụ cho hầu hết máy bay quân sự TQ, giúp Bắc Kinh mở rộng tầm với tới trung tâm hàng hải Đông Nam Á – nơi nước này có tranh chấp lãnh thổ với một số láng giềng.

Hôm qua khi được hỏi về động thái ở Đá Vành khăn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi nói TQ có “chủ quyền không tranh cãi” ở quần đảo Trường Sa và có quyền thiết lập các cơ sở quân sự ở đó.

Tin tức về đường băng thứ ba đưa ra ngay trước lúc Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Washington tuần tới. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban từ chối bình luận về thông tin mà ông Poling đưa ra nhưng nhắc lại kêu gọi của Mỹ về việc ngừng mọi hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông nhằm “tháo gỡ căng thẳng và tạo không gian cho các giải pháp ngoại giao”.

“Việc TQ tiếp tục xây dựng sẽ không có lợi cho việc dẫn tới một giải pháp ngoại giao ý nghĩa”, ông nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Poling, khi hoàn tất, đường băng mới ở Đá Vành Khăn sẽ giúp TQ tiến hành “tuần tra thường xuyên” với Bãi Cỏ rong – nơi Philippines từ lâu tiến hành công việc thăm dò khai thác dầu khí.

Với ba đường băng đi vào hoạt động, TQ sẽ áp đặt quy định riêng với hàng không, hàng hải ở các khu vực mà họ đã xây dựng trái phép tại Biển Đông và càng làm gia tăng mối lo về khả năng Bắc Kinh lập vùng nhận diện phòng không ở đây.

Các hình ảnh vệ tinh đưa ra cuối tháng 6 cho thấy, TQ hầu như đã hoàn tất một đường băng dài 3.000m ở Đá Chữ thập.

Hình ảnh vệ tinh đầu năm 2015 cho thấy công việc xây dựng trên Đá Subi cũng có thể phục vụ cho một đường băng khác. Theo ông Poling, các hình ảnh mới nhất thể hiện rõ ràng một đường băng đã được hình thành trên Subi.

Thái An (Theo Guardian)