- ĐBQH Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nói, nhiều cử tri cho rằng để hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ thì cơ sở vật chất quan trọng hàng đầu là sự công bằng trong phân chia, phân phối lợi ích từ tài nguyên đất.

Hôm nay, QH thảo luận cả ngày về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH tiếp tục cho ý kiến là thu hồi đất đai.

ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên), ủy viên thường trực UB Quốc phòng - An ninh, cho rằng, việc hiến định chỉ có Nhà nước mới có quyền trưng dụng và thu hồi đất như quyền cao nhất của đại diện chủ sở hữu về đất, đảm bảo Nhà nước chủ động điều tiết, tạo lập lượng đất đai cần thiết cho nhiệm vụ từng thời kỳ, phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước trong Hiến pháp như dự thảo dễ bị hiểu lầm.

{keywords}
ĐB Phan Văn Tường: Thu hồi đất - thu hồi tư liệu sản xuất - phải rõ trách nhiệm

Mô tả những quy định trong dự thảo dễ bị hiểu theo kiểu "đi nhiều lắm tai nạn giao thông, muốn giảm tai nạn giao thông thì ít đi, làm nhiều nhiều sai sót, lắm khuyết điểm,  muốn ít khuyết điểm thì đừng làm", ông đề nghị cân nhắc theo hướng thay hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước bằng trách nhiệm của Nhà nước với việc thu hồi. 

Theo ĐB, thực tiễn doanh nghiệp tự thỏa thuận dẫn đến người được hưởng lợi giá trị cao hơn gấp nhiều lần người được bồi thường, người bị o ép bằng nhiều hình thức... Tình trạng đó cùng với quản lý lỏng lẻo chỉ gia tăng sự không công bằng, cản trở sự phát triển của xã hội.

Ông Tường cho hay trên thực tế hiệu quả lý thuyết, hiệu quả khi dự án trình duyệt và hiệu quả thực tiễn rất xa nhau, các chỉ tiêu về xã hội, môi trường hầu như không hoàn thành gây nên sự hoài nghi trong nhân dân. Do đó nói đến dự án thu hồi đất là ám ảnh tiêu cực xâm nhập nhân dân nhanh hơn, sớm hơn.

"Qua quan sát một số nghiên cứu, báo cáo, thời gian qua rất ít người chịu trách nhiệm về không hiệu quả, hay nói cách khác ký mà không chịu trách nhiệm, đổ được trách nhiệm, ký chỉ có lợi cho cá nhân thì dẫn đến ký không cẩn thận... Thu hồi đất không quy định trách nhiệm của từng cung đoạn của Nhà nước, trách nhiệm của người được nhân dân ủy quyền thì các nguyên tắc và giải pháp khác chỉ là hình thứ, vì đất là lợi ích, tấc đất, tấc vàng".

Nhấn mạnh thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất, ĐB cho rằng, nếu không rõ trách nhiệm thì dù hạn chế thu hồi, bức xúc không giảm mà chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác.

"Cử tri cho rằng xác định trách nhiệm và biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế thu hồi và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất. Trách nhiệm rất mơ màng, lợi ích cá nhân rõ ràng, kết hợp sự liên kết, cả nể, cầu an là nguyên nhân gốc tạo ra việc buồn về thu hồi đất chứ không phải do mục đích và phạm vi thu hồi. Nhiều cử tri cho rằng để hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì cơ sở vật chất quan trọng hàng đầu là sự công bằng trong phân chia, phân phối lợi ích từ tài nguyên đất".

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trong phát biểu của mình nêu bật thông điệp về sửa đổi Hiến pháp và cơ hội đổi mới đất nước:

"Trong kỳ họp vừa qua, chúng ta đã bàn nhiều về giải pháp cho tình hình chung của đất nước, không ít ý kiến cho rằng, nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân là công cuộc đổi mới, thể chế luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước.

Đổi mới chính trị đã không đồng bộ, không theo kịp đổi mới kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng 11 nêu, nhân dân đặc biệt quan tâm góp ý và chờ đợi những thay đổi, trong đó có 3 nội dung lớn cần được đổi mới: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước, đổi mới pháp luật đất đai.

Không ít ý kiến cử tri cho rằng, Hiến pháp sửa đổi là giải pháp của mọi giải pháp. Trên tinh thần đó vừa qua các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức dân chủ, tầm trí tuệ, văn hóa để đóng góp xây dựng sửa đổi Hiến pháp sửa đổi. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt yêu cầu đó, chúng ta sẽ không tiếp thu được những tinh hoa, trí tuệ mà nhân dân đóng góp, mà còn bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước vượt thoát nguy cơ tụt hậu, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Du sinh thời đã cảm thán rằng "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?", băn khoăn hậu thế 300 năm sau có còn nhớ đến mình. Tôi nhận thức việc sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại, mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa 13 đã làm gì để thúc đẩy chứ không phải cản trở sự phát triển của dân tộc, mà lịch sử dân tộc ta có trí nhớ rất dai".

Linh Thư - Minh Thăng - Duy Tiến - Nguồn clip: VTV