- Ấn định vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ nhưng nếu không trao cho cơ chế, quy chế thực hiện chẳng khác nào cho anh ghế ở hội nghị nhưng bảo ghế ở trong phòng, cửa phòng đó lại khóa trái - ý kiến tại hội nghị sáng nay.

Sáng 7/12 tại Hà Nội diễn ra hội nghị "phát huy vai trò các hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội".

GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật MTTQ kể lại câu chuyện phản biện chính sách, pháp luật cách đây 5 năm.

Khi đó, dự thảo luật Quốc tịch sửa đổi băn khoăn xung quanh phương án quy định cứng hay mềm đối với việc sở hữu một hay đa quốc tịch của công dân Việt Nam sống ở nước ngoài. Dự thảo ban đầu dự tính quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch, nhưng trong trường hợp muốn có quốc tịch khác thì trong vòng 3 năm phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng tư vấn của MTTQ phát hiện ngay điểm bất hợp lý của yêu cầu này..

Theo GS Lưu Văn Đạt, nếu áp dụng quy định trên, thì sau 3 năm, Việt Nam sẽ không còn kiều bào nữa, mà chỉ còn người gốc Việt. Ý kiến phản biện quy định này được gửi tới Bộ Chính trị, Quốc hội, đích thân Chủ tịch MTTQ khi đó đã đi gặp gỡ các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về sự bất hợp lý của dự thảo quy định. Cuối cùng, quy định đã được thay đổi.

GS Lưu Văn Đạt: Giám sát, phản biện phải đi đến cùng. Ảnh: Minh Thăng

Vai trò của các Hội đồng tư vấn thuộc MTTQ là tối quan trọng khi tư vấn cho Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo MTTQ những vấn đề giám sát. Trong gần 30 năm qua, theo GS Lưu Văn Đạt, các hội đồng tư vấn đã làm được nhiều việc, song cũng còn nhiều việc chưa làm được.

Mà việc "chưa làm được" nằm ở chỗ tư vấn giúp phát hiện, nhưng nhiều khi giám sát, phản biện chưa quyết tâm đi đến cùng. Vụ bà Ba Sương thành công chính là nhờ đảng đoàn Mặt trận đã quyết liệt trong vụ việc này khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa hội đồng tư vấn với ban thường trực Mặt trận.

Xin được phản biện

Ông Lê Truyền, nguyên phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ cho rằng, giám sát, phản biện xã hội là rất cần nhưng là việc khó của Mặt trận, "trầy trật bao nhiêu năm". Bởi lẽ không phải do Mặt trận không làm được mà là "không được làm". Ông kỳ vọng nhiều vào quy chế phản biện của MTTQ sắp được ban hành.

Ông Lê Truyền cũng bổ sung, thực tế gần 30 năm qua, vấn đề đại đoàn kết dân tộc đã có những bước tiến và thay đổi. Chất lượng đại đoàn kết, theo ông, phải thể hiện dân chủ gắn liền với sự đồng thuận của xã hội. Ở giai đoạn hiện nay, cần phải nhấn mạnh dân chủ và sự đồng thuận xã hội, nếu không vai trò của MTTQ lu mờ, quay lại tính tượng trưng, hình thức.

Ông kiến nghị trong bối cảnh đó nên có một hội đồng tư vấn về chính trị trong MTTQ đề cập vấn đề xây dựng Đảng, chính quyền.

Ông Lê Truyền: Giám sát, phản biện trầy trật bao nhiêu năm. Ảnh: Xuân Linh

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội đồng tình về cơ chế phản biện của MTTQ vẫn hạn chế. Trong khi việc coi vai trò phản biện, giám sát của MTTQ là sự tất yếu trong quá trình đi lên, thì hiện nay, việc này vẫn chỉ như là "đi xin để làm".

"Ở thế bị động như vậy không nâng cao được chất lượng việc làm của chúng ta" - ông Túc nói. Ông cũng cho rằng, phản biện phải tìm được sự đồng thuận, chứ không phải phản biện để trước mỗi vấn đề, Nhà nước lại đưa ra những tình thế để đối phó với nhân dân. Rồi nhân dân lại phản ứng đối phó lại.  "Đối phó với nhau chỉ làm yếu nhau đi" - ông nói.

GS Lưu Văn Đạt cũng nói mọi ý kiến phản biện không phải có ý nghĩa phản đối mà là tạo sự thay đổi để tốt hơn, tất cả dựa trên lợi ích của người dân.

Lãnh đạo phải dám đương đầu

Để phản biện của MTTQ hiệu quả, theo GS Lưu Văn Đạt, các hội đồng tư vấn làm vai trò phát hiện, tham mưu cho đoàn chủ tịch, lãnh đạo MTTQ. Nhưng nếu mọi phát hiện chỉ dừng ở phát hiện, không đi đến cùng thì chức năng giám sát, phản biện của MTTQ không thành công. Để đẩy những phát hiện đi đến cùng, theo ông, vai trò của lãnh đạo của MTTQ, đoàn chủ tịch vô cùng quan trọng. 

Ông Nguyễn Túc cũng đồng tình trong bối cảnh hiện nay khi tình hình đất nước có những khó khăn, thì lãnh đạo chủ chốt của MTTQ phải dám đương đầu với mặt trái thị trường, sự thoái hóa biến chất trong bộ phận đảng viên, dám nói, dám lên tiếng, dám nói được tiếng nói của dân như các vị tiền nhiệm đã làm, như vậy thì những vấn đề bức xúc của dân mới có thể giải quyết được.

Phó Chủ tịch MTTQ Hà Nội Lê Xuân Điệp cho rằng Đảng, Nhà nước cần có cơ chế để Mặt trận thực hiện được vai trò giám sát, phản biện, vì có chủ trương mà không có cơ chế, quy chế, cũng chẳng khác nào cho anh cái ghế để ngồi ở hội nghị nhưng bảo ghế để ở trong phòng, vào đó mà lấy, cửa phòng đó lại khóa trái lại.

Linh Thư