- Xem ra trồng cây cho Hà Nội xanh hơn vẫn còn nhiều việc ngổn ngang, nhưng nếu muốn có thay đổi căn bản thì phải có những phương pháp thực hiện mới mẻ. 

Hà Nội năm 1954 có diện tích 152,2km2 (nội thành là 12,2 km2, ngoại thành là 140 km2), gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành; dân số là 436.624 người. Tổng số cây xanh bóng mát (được trồng theo quy hoạch và chăm sóc quy chuẩn  là 16.000 cây.

Năm 1995, diện tích Hà Nội 921,8 km2, gồm 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. Trong đó 4 quận nội thành cũ 40km2, dân số 1.042.800 người.

Tổng số có hơn 200.000 cây xanh thuộc 46 giống loài. Khảo sát của công ty Công viên cây xanh lúc đó cho thấy có 44% cây có đường kính lớn hơn 0,5m, tuổi thọ khoảng 60 năm, có hơn 5.000 cây xà cừ cao to tán lá xum xuê nhưng dễ hư hại (bão năm 1979 có 500 cây bị đổ thì xà cừ có 286 cây).

Một số loại cây được công ty lựa chọn trồng trên đường phố là: chẹo, sưa, sữa, phượng, sao đen, lát hoa, bằng lăng tím, long não, sấu, tếch, nhội, me ... và vẫn là xà cừ.

So với tiêu chuẩn cây xanh đô thị, 2 tiêu chuẩn tán cây có khả năng quang hợp cao và thẩm mỹ thì các loại cây này chưa đạt.

So với 1954, sau hơn 40 năm, diện tích nội thành Hà Nội tăng gấp 3,5 lần, dân số tăng gần gấp 5 lần, số cây xanh tăng hơn 13 lần…ấy là vì có nhiều công viên mới xây sau 1955, tổng cộng 160 ha: Thống Nhất, Thủ Lệ, Thành Công, Tuổi Trẻ… (có khi tính gộp luôn cả Vân Trì, Yên Sở vào) cộng thêm cây mới trồng trên dải phân cách đường Kim Mã, Đội Cấn, Giảng Võ, Giải Phóng, Đại Cồ Việt..

{keywords}
Bản đồ Hà Nội năm 1955, khi ấy nội thành 12,2Km2 , nửa triệu người và có 16.000 cây. 
Năm2008 , nội thành rộng gấp 10 lần1955 , dân số gấp 4 lần 1955 , có 44.225 cây (gấp 2,6 lần)

Từ trước 1990, mỗi năm Hà Nội trồng được 3.000- 4.000 cây, nhưng từ sau 1991 tổng số cây xanh trồng tăng mỗi năm gấp 5-7 lần (18.000-24.000 cây/ năm?). Đó là kết quả của việc bung ra đô thị hóa mạnh mẽ . 

Cùng thời gian này nhà ở dân tự xây tăng thêm cả triệu m2, bằng tổng số diện tích nhà ở do nhà nước xây dựng trong suốt 10 năm trước đó. Tuy phát triển nhanh như vậy, diện tích cây xanh 2,3m2/ người – So với tiêu chuẩn đô thị cùng loại là 4-5m2 / người thì mới đạt một nửa.

Cứ tháng 8 là mùa mưa bão, Hà Nội rộn ràng chặt bỏ cây mục hay xén cành, riêng năm 1997, Cty cây xanh phải chặt bỏ 635 cây có tới 5.000 cây phải xén sửa.

Năm 1999, nội thành thêm 5 quận mới, nhà cửa đường xá tăng, người đông hơn nhưng bình quân cây xanh cứ giảm dần.

Đến năm 2006, cây xanh 9 quận nội thành có 0,9m2/người, riêng Đống Đa chưa tới 0,05m2/người. Chỉ bằng 1/10 hay 1/20, 1/30 những TP khác (Tokyo: 7,5m2, London 26,9m2i; Berlin 27,4m2; New York 29,3m2; Moskva 24m2….).

Cứ 3 người dân nội thành mới có một cây xanh (Hội thảo "Hà Nội: thành phố thân thiện …" ngày 2/7/2009). 

Năm 2008, Cây xanh đường phố Hà Nội có 44.225 cây, trong đó: Xà cừ: 5.306 cây, Muồng: 5.548 cây, Bằng lăng: 5.438 cây, Phượng: 3.797 cây, Sữa 3.757 cây, Bàng: 2.826 cây, Chẹo: 2.058 cây, sấu: 2.209 cây.

Trong đó, các cây có đường kính thân từ 20-40cm, chiều cao khoảng từ 8-10m, tán đẹp tạo cảnh quan và môi trường tốt.  

Có nhiều loại cây tự phát không theo quy hoạch như keo, dâu da, vông, dướng, trứng cá, bạch đàn, sung... các loài cây gỗ nhỏ, rễ nông, dễ gãy đổ khi gặp mưa gió, cây có quả gây mất vệ sinh môi trường, có nhiều sâu róm, cong xấu, chiều cao thấp che khuất tầm nhìn gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông nên cần thay thế.

Năm 2013, Hà Nội lập Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2015, riêng cắt tỉa gần 11.000 cây xanh là 35 tỷ, ưu tiên 30 tỷ cho cắt ngọn tỉa cành hơn 5.000 cây xà cừ . 

Dự kiến 2014-2016, trồng thay thế là 2.208 cây và trồng mới 4.500 cây cho 477 tuyến phố tại 9 quận hết gần 18 tỷ (đề án 2015 đang thực hiện cao hơn gấp 4 lần).

Xét về khối lượng cây trồng chỉ bằng thập kỷ 1990, nhưng cho ra kết quả lại nâng m2 cây xanh bình quân tăng gấp đôi? Có lẽ tăng là do thay công thức tính toán mới?

{keywords}
 
Bản thiết kế Quy hoạch cùng một khu vưc quanh Văn Miếu năm 1943 và năm 2005

Muốn lập quy hoạch cây xanh thì cần có hồ sơ hiện trạng, TP đầu tư vài tỷ đồng để đánh mã số 44.225 cây làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh đô thị, tăng cường quản lý, bảo vệ và chăm sóc cây xanh …như vậy là đến nay (3/2015) vẫn chưa có hồ sơ số hóa cây xanh Hà Nội . 

Xem ra trồng cây cho Hà Nội xanh hơn vẫn còn nhiều việc ngổn ngang, nhưng nếu muốn có thay đổi căn bản thì phải có những phương pháp thực hiện mới mẻ.

Điều đáng nói là những bài học mới lại có thể học ngay từ những kinh nghiệm cũ đã từng thực hiện ở Hà Nội cách hơn 60 năm: ví dụ về bản vẽ quy hoạch cùng một địa điểm, cùng một tỷ lệ.

Bản vẽ năm 2005 không nhìn thấy cây mà chỉ nhìn thấy nhòe nhoẹt các loại đất, còn bản vẽ năm 1943 thì từng gốc cây, mặt nước bé xíu được xác định vị trí rõ ràng trong bản đồ quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên cảnh quan thành phố.

'Vô cùng hoang đường'!

Cây đường phố ở Hà Nội có mấy giai đoạn:

1-Giai đoạn trước 1954: thời Pháp trồng cây to bóng mát, lâu năm như sao, nhội, sấu, xà cừ. Yêu cầu của các loài này là phố xá thẳng rộng, vỉa hè lớn, nhà cửa còn lùi vào, để có diện tích trống cho cây phát triển. 

2- Giai đoạn sau 1954: Sang thời đầu XHCN, ý tưởng trăm hoa đua nở, trồng toàn cây hoa, chủ yếu là tầm trung, như bằng lăng, phượng, muồng, móng bò v.v. một phần vì cho rằng hoa làm tăng độ rực rỡ của đô thị, phần nữa cũng vì những cây này tầm trung, phù hợp hơn với những đường nhỏ hơn, vỉa hè hẹp hơn. 

3- Giai đoan thập kỷ 1990: thời mở cửa dự án đô thị mọc ra khắp nơi, chỉ cốt trồng làm sao phủ xanh càng nhanh càng tốt, phổ biến là các loài ít giá trị, cắm cành cũng sống, lớn nhanh như vông, bông gòn, trứng cá, dâu da xoan. Những cây này chỉ trong vòng 3-4 năm là tốt um, nhưng sau đó thì sẽ có vấn đề. 

4- Giai đoạn gần đây nhất: một phần do tốc độ đô thị hóa hơi chững lại, phần thì nhìn thấy hậu quả của việc trồng cây ăn sổi, mới lại càng cần học kinh nghiệm của người Pháp, nên quay về trồng các loài gỗ lớn như sao, dầu, lát, vàng tâm. Việc chặt cây trồng lại ở Hà Nội nằm trong logic này. 

Cây xanh đường phố hiện nay:

Chúng tôi đã đi khảo sát hiện trạng cây đường phố ở hà nội, quả là mười cây có tới 8 cây gật gù, dặt dẹo, trong đó 4-5 cây vô giá trị của thời kỳ thứ 3. Những cây thời Pháp chết đổ dần dần. Còn từ thời XHCN thì rất ít cây nào có giá trị, và ít cây khỏe mạnh đủ tiêu chuẩn. 

Việc chặt vài nghìn cây cũng không phải mất mát quá lớn, không hẳn là hàng nghìn cây cổ thụ như báo nói. Tuy nhiên, cần phải nói rằng mặc dù mấy nghìn cây này không nhiều giá trị, nhưng khả năng những cây mới trồng tốt hơn thì gần như bằng không, vì thế, câu chuyện này vẫn là 'tiền mất tật mang'.

Nguyên là đường phố thời Pháp có mật độ xây dựng và nén đất rất thấp, diện tích vỉa hè lớn, phần đất dành cho rễ cây lớn, khoảng không cho cây mọc cũng lớn, vì vậy có thể trồng cây to, lâu năm, và trồng hoàn toàn bình thường như cây rừng, cây vườn. Nên nhớ, mỗi cây lớn cần hàng trăm mét khối đất tự nhiên để phát triển khỏe mạnh.

Sang thời nay, đường phố chật hẹp, đất bị nén chặt, đầy các loại ống ở hạ tầng, các loài cây không còn đủ không gian cho bộ rễ và cho cành lá. Ở tất cả các đô thị phát triển trên thế giới, người ta đã phải làm riêng những hệ thống đường ống cho rễ cây phát triển để không hại tới hạ tầng. 

Giá thể trồng cây đô thị cũng đặc biệt, có khả năng chịu nén, và công suất cung cấp dưỡng khí, dưỡng chất gấp hàng trăm lần đất thường. Vì thế chỉ cần vài mét khối là đủ cho một cây, nhưng cũng chỉ dám trồng cây tầm trung.

Việc trồng cây xanh được coi như một phần của kỹ thuật hạ tầng, và giá thành rất cao.

Ở Việt Nam ăn sổi ở thì, chỉ khoét cái lỗ xuống vỉa hè, đổ ít đất mùn mà đòi trồng cây đường phố thì 'vô cùng hoang đường'! Không những cây khó sống được, mà khi đổ còn gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn tới hạ tầng. Đã thế còn đua đòi trồng cây lớn, những mong có được những hàng cây sao, cây dầu trăm năm như người Pháp trồng.

Cây trồng đường phố có nhiều logic. Có loại trồng alley như người Pháp, cả phố một loài, sẽ tạo ra cảnh quan hoành tráng của các đại lộ cây xanh. Nhưng yêu cầu cần có đường lớn, hoành tráng, thẳng thớm, vỉa hè rộng. Còn đối với các loại đường không ra đường, dặt dẹo ngoằn ngoèo, vỉa hè chỗ to chỗ nhỏ, thì cây cũng nên đa dạng tùy chỗ mà trồng cây to nhỏ. 

Như bài thơ của Tiêu Diêu nói, ngoài sự hoành tráng, những cây cối, nhất là khi khác nhau, và do dân tự trồng, lại gắn liền với trải nghiệm, hồi ức cá nhân, tạo ra tình cảm đô thị, hơn hẳn cây thuần loài đại lộ. Việc bỏ cái phù hợp này, chạy theo cái phù phiếm kia, là quyết định sai của các nhà quản lý .

Hy vọng có sự tham gia ý kiến chân tình, có kiến thức chuyên môn của các chuyên gia sẽ giúp TP có phương án phát triển cây xanh đô thị phù hợp hơn .

TS-KTS Phó Đức Tùng (Bộ môn Đô thị, Đại học Lâm Nghiệp)

Trần Huy Ánh (Sưu tầm và biên tập)