- Trong năm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 22 lần tiếp xúc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội liên quan hành động của nước này tại Biển Đông.

Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN có báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng trong năm 2015. Báo cáo đưa ra tại hội nghị đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN khóa 8 sáng 29/12.

Một trong những vấn đề nổi lên đó là nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái pháp luật quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền VN trên Biển Đông.

{keywords}

Trao 9 công hàm phản đối 

Bộ Ngoại giao trả lời bằng văn bản cho biết, từ tháng 9/2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa.

Những hoạt động này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, vi phạm chủ quyền VN và đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - Trung Quốc năm 2011.

{keywords}
Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị đoàn Chủ tịch sáng nay

Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã và đang tiến hành các biện pháp đấu tranh kiên quyết ở nhiều cấp, kể cả cấp cao, thông qua nhiều hình thức.

Như giao thiệp trực tiếp, phát biểu của lãnh đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng như nêu vấn đề tại nhiều diễn đàn (trong hội đàm, đàm phán với Trung Quốc và tại các diễn đàn đa phương).

Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.

{keywords}
MTTQ ghi nhận những ý kiến của người dân bất bình trước hành động của Trung Quốc cải tạo, bồi đắp các đảo, đá trái pháp luật tại Biển Đông

Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam trực tiếp đề cập đến những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, phê phán cụ thể hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc, đồng thời giải thích làm rõ các hoạt động duy trì, sữa chữa và cải tạo các công trình cũ của VN tại Trường Sa là việc làm bình thường, hợp pháp, không vi phạm luật pháp và cam kết quốc tế.

Trang bị cho quân đội bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Bộ Quốc phòng trong báo cáo riêng cho hay, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng về mọi mặt, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách và trang bị cho quân đội nói chung, cho quân chủng Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư nói riêng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

{keywords}

Nhất là bảo vệ vững chắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, bảo vệ hoạt động dầu khí, hoạt động nghề cá, thực hiện nhiệ vụ cứu hộ cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển và tham gia các hoạt động kinh tế biển.

Trên hướng biển, cơ sở hạ tầng các vùng biển, đảo nhất là quần đảo Trường Sa, các đảo xa bờ và các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam từng bước được đầu tư xây dựng tương đối cơ bản. Khả năng quan sát phát hiện, quản lý, bảo vệ vùng biển vùng trời được tăng cường.

Riêng với các đảo thuộc huyện Trường Sa, Bộ Quốc phòng chỉ đạo cho Quân chủng Hải quân phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều dự án đầu tư để nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo, đặc biệt là các dự án kè đảo chống sóng, trồng cây phủ xanh đảo, năng lượng sạch và nước ngọt.

Khi hạ tầng các đảo được nâng lên, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa quy hoạch tăng thêm số lượng dân sinh sống trên các đảo.

Anh Thư - Ảnh: Hoàng Long