- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước phản ánh ở nhiều tỉnh, các tòa nhà trụ sở rộng mênh mông, lộng lẫy như cung điện.

>> Lãng phí mới giải quyết phần ngọn
>> Quan chức bay hạng thương gia làm sao tiết kiệm?

Thảo luận việc thực hiện pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí tại UB Thường vụ QH hôm nay (19/9), ông Ksor Phước cho biết đã đi đủ 63 tỉnh thành nên có thể phản ánh đúng.

“Có tỉnh xây dựng trụ sở nghiêm túc, đúng công năng, cán bộ ngồi gần kín chỗ, nhưng nhiều tỉnh trụ sở to như cung điện, rộng mênh mông như công viên, trông như nơi du lịch thắng cảnh, đẹp và lộng lẫy nhưng rất phản cảm khi mà tỉnh còn nghèo, đất nước còn nghèo”, Chủ tịch HĐDT nói.

Theo ông việc này, cùng với những việc như đi lại tốn kém, mua xe vượt chỉ tiêu…, các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ Tài chính, không thể không biết nhưng chưa thấy “tuýt còi”.

{keywords}
Công khai những cơ quan, tổ chức lãng phí. Ảnh: quochoi.vn

“Nếu không dám nói, không dám hành sự thì phải chịu trách nhiệm trước QH, không làm được thì để người khác làm”, ông Ksor Phước thẳng thắn.

Ông kiến nghị có quy chuẩn chung về trụ sở các cơ quan nhà nước, công khai để nhân dân giám sát.

Bị phê như vậy, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng phải quy trách nhiệm được cho người đứng đầu. Để được vậy thì phải trao quyền cho người đứng đầu trong việc quyết định các phương án tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị.

Một trong những biện pháp Bộ Tài chính đưa ra là “công bố công khai những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có hình thức kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm”.

Các thành viên UB Thường vụ QH cũng chỉ ra những hình thức lãng phí khác vẫn biểu hiện từ nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục hiệu quả như lãng phí đất đai do công tác quy hoạch, cấp giấy phép đầu tư; lãng phí vốn nhà nước sau khi dừng, đình hoãn hàng loạt công trình theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; lãng phí con người khi có một bộ phận công chức làm việc không hiệu quả; lãng phí thời gian do thủ tục hành chính…

UB Thường vụ QH cho rằng Chính phủ cần nhìn thẳng vào các điểm yếu và thể hiện quyết tâm khắc phục, vì nguyên nhân chủ yếu là ở công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương.

Để dân kiện khi bị ô nhiễm

>> Xem xét xử lý hình sự vụ chôn hóa chất
>> Vụ chôn hóa chất: Chỉ xử phạt hành chính 400 triệu

Trong hôm nay, UB Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Chỉ còn một vấn đề chưa thống nhất là thời hiệu khởi kiện về môi trường.

{keywords}
Người dân chỉ biết khi ung thư, cá chết. Ảnh: Lê Nhung

Pháp luật hiện hành quy định người dân chỉ được khởi kiện trong vòng 02 năm kể từ khi quyền và lợi ích của mình bị xâm hại do ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến liên hệ với sự việc chôn chất thải ở Thanh Hóa để thấy quy định này chưa phù hợp.

“Thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể được phát hiện trong một thời gian ngắn kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể phát hiện sau nhiều năm”, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng, đại diện cơ quan thẩm tra nói. “Trong thực tế, nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện thì đã hết thời hiệu khởi kiện”.

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện chỉ ra: “Có khi rất lâu sau người dân mới biết lợi ích của mình bị xâm phạm, khi người thì bị ung thư, cá thì chết hàng loạt".

Ông Hiện kiến nghị quy định thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ thời điểm cá nhân, tổ chức phát hiện quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm do ô nhiễm môi trường.

Cả luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi và luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ được QH thảo luật và thông qua vào kỳ họp tới.

Chung Hoàng