- TQ đã theo đuổi trồng mắc ca hơn 30 năm. Và TQ cũng đã trả giá rất nhiều với mắc ca nhưng chính họ đang gây bất ngờ với toàn thế giới về trồng mắc ca kiểu TQ.

Những bất ngờ

Bất ngờ đầu tiên là diện tích mắc ca TQ. Theo GS Lục Siêu Trung (chuyên gia hàng đầu về mắc ca thuộc Viện Khoa học nông nghiệp TQ) đến 2014, TQ có 100 vạn mẫu (gần 67.000 ha) mắc ca. Con số này gấp đôi diện tích mắc ca của Úc, nơi vẫn được xem là trồng nhiều nhất thế giới. Với thực tế này, TQ đang đứng số 1 thế giới về diện tích mắc ca. Từ con số này, nhiều người đặt vấn đề về độ chính xác của 80 ngàn ha mắc ca trên toàn thế giới.

Vì thế, ông Trung có lý do để tuyên bố: Muốn xem mắc ca thế giới hãy đến TQ.

Mắc ca ở TQ được trồng tại 5 vùng: Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông. Từ năm 2013 và 2014, diện tích tăng đột biến, năm 2011 mới chỉ khoảng 21.000 ha, 2012 gần 33.000 ha. Còn Việt Nam, con số mấy ngàn ha hiện nay vẫn chưa được thống kê chính xác và đây chính là một rắc rối quanh cuộc tranh cãi trồng hay không trồng, 200 ngàn ha trong 10 năm tới có quá sớm và quá nhiều?

Điều bất ngờ tiếp theo, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây có Sở Khoa học nông nghiệp Nam Á chuyên nghiên cứu các loại cây á nhiệt đới cho vùng phía Nam TQ. Tại đây, có hẳn một bộ môn nghiên cứu về mắc ca. Vườn khảo nghiệm mắc ca rộng hơn 30 ha, tập trung khảo nghiệm hầu hết các giống trên thế giới du nhập và lai tạo phù hợp với TQ. Những cây lâu năm trong vườn đã có tuổi trên 20 năm, những cây gần nhất cũng được trồng từ năm 2006…

Từ đây, hàng chục loại giống đã được khảo nghiệm, chọn ra những giống tốt và phù hợp nhất cho những vùng khí hậu và địa hình ở TQ.

{keywords}

TQ đang gây bất ngờ với toàn thế giới về trồng mắc ca kiểu TQ

Ông Trung cho biết, 30 năm qua, các nhà khoa học TQ đã liên tục khảo nghiệm, lai tạo, lựa chọn để có những loại giống tốt nhất. Đến nay, TQ đã tập hợp hầu như toàn bộ giống mắc ca trên thế giới, chọn lọc được những bộ giống chuẩn, chất lượng cao. Quá trình này vẫn còn tiếp tục để có thêm những loại giống tốt hơn.

Diện tích phát triển, nhu cầu tiêu dùng tăng lên đã thúc đẩy chế biến. Ngay tại Long Châu, có 3 nhà máy chế biến đi vào hoạt động và có 5 – 6 nhà máy khác đang xây dựng. Các nhà máy do các nhà đầu tư TQ nhưng cũng không ít là các nhà đầu tư đến từ nước ngoài để chế biến và xuất khẩu.

Tại thời điểm này, các nhà máy đều thiếu hạt mắc ca để chế biến. Nhà máy gần như không lúc nào có hàng sẵn. Muốn lấy, khách hàng phải đặt trước và chính các nhà máy cũng đều phải đặt trước các trang trại, lâm trường mới có thể mua được hạt mắc ca. Phần lớn còn lại đều phải nhập khẩu qua đường Việt Nam. Giá thu mua và bán thành phẩm mắc ca tăng đều trong những năm qua.

Điều bất ngờ tiếp theo đến từ huyện miền núi ‘vùng sâu, vùng xa” là Cầm Khê - Quảng Tây. Ở đây có Hiệp hội Mắc ca để liên kết những người sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này. Và có thể nhìn thấy một liên kết dạng chuỗi giá trị của một ngành sản xuất từ các vườn ươn hàng triệu cây giống, các trang trại – lâm trường trồng mắc ca lên đến cả ngàn ha, những cơ sở chế biến đơn giản đầu tiên đã xuất hiện và nhất là đã có những nhà đầu tư lớn vào mắc ca để trồng và chế biến theo quy mô lớn.

Sau những sai lầm và trả giá

30 năm phát triển cây mắc ca, TQ đã nhiều lần trả giá với loại cây này. Điểm lại những thất bại, ông Trung không quên giai đoạn đầu tiên người dân tự phát trồng cây dưới dạng thực sinh (cây gieo từ hạt) và gần như không có quả. Từ sau năm 2007 đến nay, tình trạng này mới chấm dứt khi nhà nước đã có các quy chuẩn về giống, lựa chọn các loại giống đưa đến người dân.

{keywords}

30 năm phát triển cây mắc ca, TQ đã nhiều lần trả giá với loại cây này

Thảm họa lớn nhất là việc gãy đổ mắc ca khi người ra cố dồn vùng trồng mắc ca xuống sát vùng biển phía Nam. Hàng ngàn ha mắc ca trồng vùng ven biển Quảng Đông bị gió làm gãy đổ. Có nhiều cây trồng lớn được trồng lại nhưng cũng đều chết. Vùng mắc ca sát biển coi như thất bại hoàn toàn.

Mắc ca được lùi sâu vào nội địa nhưng lại vấp phải những thảm họa thời tiết về mưa phùn, lạnh và băng tuyết ở độ cao. Những nông trường trồng mắc ca lớn ở Kim Quang, Cầm Khê… đến nay vẫn chưa quên những năm trời mưa phùn kéo dài đúng mùa ra hoa, đậu quả cần khí hậu khô mát khiến cho mắc ca mất mùa nặng.

Còn ở Vân Nam lại phải trả giá cho những đợt rét đậm, sương muối khiến cây không thể sống khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ. Thậm chí, đã không ít trường hợp đưa cây lên trồng ở độ cao hơn hơn 1.000 m so với mặt nước biển cũng khiến cây không thể phát triển.

Cho đến thời điểm này, nỗi lo về giống thiểu chuẩn vẫn là một mối đe dọa lớn đối với mắc ca TQ. Dù TQ đã có các quy chuẩn về giống, các viện nghiên cứu đã có nhiều thành công về khảo nghiệm và nhân rộng giống nhưng do nhu cầu lớn và giá khá cao nên rất nhiều cơ sở giống mở ra kinh doanh nhưng chất lượng chưa được kiểm soát.

Mặc dù vậy, cho đến nay, phát triển mắc ca TQ dường như là không thể dừng lại và điều lạ là việc đó không hẳn là một lo ngại quá lớn. Nói như ông Trung, mọi quy hoạch sẽ không có ý nghĩa bằng sự quyết định của thị trường. Người nông dân sẽ quyết định đầu tư cây gì có lợi nhất theo tín hiệu thị trường. Nhà khoa học và chính quyền chỉ cần làm tốt các vấn đề khoa học – kỹ thuật; chính sách phát triển để định hướng và hỗ trợ người nông dân.

Và có lẽ vì thế mà ở Long Châu, nơi được mệnh danh là thủ phủ chiến lược của cây mía TQ và các loại cây có múi nhiệt đới thì mắc ca vẫn được đầu tư phát triển. Diện tích đến nay khoảng 700 ha có kế hoạch trong 3 năm tới phát triển lên tới 5.000 ha với phương châm kể cả chỗ xấu nhất thì trồng mắc ca vẫn có lợi hơn các loại cây rừng khác.

Tại lâm trường Kim Quang - Phú Tủy (Quảng Tây) rộng hơn 200 ha. Sau khi chuyển đổi quản lý từ đơn vị nhà nước yếu kém sang tay tư nhân thì ông chủ nơi đây cũng chọn mắc ca làm hướng lâu dài. Những loại mắc ca kém chất lượng được thay thế bằng giống mới và những khu đất mới cũng được đầu tư mắc ca chuyên canh.

Ở Cầm Khê, một vùng đất đồi không thể gọi là tốt vốn trước đây chủ yếu trồng cây rừng như bạch đàn, hay keo thì nay đang rầm rộ chuyển qua trồng mắc ca. Vì sau nhiều thử nghiệm thực tế thì trên vùng đất đồi khô hạn này không có cây gì hơn mắc ca.

Nơi đây đang rầm rộ phát triển những vườn ươm quy chuẩn hàng triệu cây mắc ca mỗi năm. Hiện diện tích mắc ca toàn huyện 3.700 ha và con số này có thể sẽ sớm tăng gấp đôi trong 1 -2 năm tới. Đứng đầu hiệp hội mắc ca nơi đây lại là những người đã kinh doanh thành công trên nhiều lĩnh vực thương mại, BĐS và nay đang bỏ tiền đầu tư những vườn ươm lớn nhất và các lâm trường trồng mắc ca nhiều nhất.

Một điều đáng chú ý là, dù diện tích trồng lên đến 67.000 ha nhưng diện tích thu hoạch được của năm 2014 mới chỉ khoảng 10.000 ha, sản lượng 12.000 tấn hạt. Đây là một mức không cao so với trung bình của thế giới và ở mức thấp so với Việt Nam. Các chuyên gia TQ đã thừa nhận rằng, mắc ca TQ sẽ khó có được các lợi thế thổ nhưỡng như quê hương của loại cây này và cũng không thể so sánh với Tây Nguyên - Việt Nam. Tuy nhiên, với vùng cận nhiệt phía Nam TQ thì đây vẫn là cây trồng hiệu quả hơn nhiều loại cây khác.

Hải Sơn