HTML clipboard

– Một người đàn ông 43 tuổi đã tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh vào ngày 28 Tết.

>> Tiết canh: Ăn mùng 1, đi viện mùng 5, chết mùng 10

>> Hình ảnh rợn người từ quán tiết canh đến bệnh viện

Ăn lợn nhà nuôi vẫn mắc bệnh

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết bệnh nhân này đến từ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Ngày 28 tết, gia đình bệnh nhân mổ một con lợn (do gia đình tự nuôi) để liên hoan tất niên, trong đó có làm món tiết canh.

Sau khi ăn tiết canh được 1 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài phân lỏng vài lần trong ngày, sốt, rét run. Đến tối 29 Tết, khi đã mệt lả, gia đình đưa bệnh nhân đến trạm y tế xã khám rồi được chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu vì huyết áp tụt.

{keywords}
Tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người nhưng lại là ổ chứa vi khuẩn gây bệnh


Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Thái Bình, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng huyết áp tụt không đo được, suy hô hấp, vật vã, lơ mơ, không tiếp xúc được.

Dù đã được điều trị tích cực song do bệnh nhân sốc quá lâu, không nâng được huyết áp, diễn biến ngày càng nặng nên mùng 1 Tết gia đình đã xin ngừng điều trị để đưa về nhà và bệnh nhân tử vong trong ngày.

Điều đáng chú ý là con lợn được mổ liên hoan là lợn khỏe, không ốm đau và cùng ăn tiết canh với bệnh nhân là 5 người khác nhưng không ai bị nhiễm liên cầu khuẩn cùng bệnh nhân này.

Bác sỹ Cấp lý giải: Với những con lợn ốm, liên cầu khuẩn có nhiều ở trong máu nên nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn với những người ăn. Nhưng với lợn khỏe, vi khuẩn liên cầu thường trú ngụ trong vùng hầu, họng, da, … khi chế biến tiết canh có thể có sự phân bố không đồng đều, bát có vi khuẩn nhiều, có bát có ít. Nếu ăn phải bát có nhiều vi khuẩn thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Ngoài ra, sức đề kháng và đặc điểm mẫn cảm của từng người cũng là những yếu tố quyết định đến việc nhiễm bệnh hay không.

Theo thống kê, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 6 trường hợp phải vào khám do trước đó có ăn tiết canh, giảm nhiều so với Tết Nguyên đán năm 2013 (do đã được các phương tiện truyền thông cảnh báo mạnh mẽ).

6 bệnh nhân tử vong do xơ gan

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, dịp Tết vừa qua, số bệnh nhân nhập viện vì bệnh xơ gan tương đối nhiều (trung bình 8-10 người/ngày), trong đó đã có 6 trường hợp tử vong.

{keywords}
Một bệnh nhân ở huyện Từ Liêm bị xơ gan đang được lọc máu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: C.Q)


Đây là những bệnh nhân bị xơ gan mãn tính, đã được bệnh viện cho xuất viện về ăn Tết nhưng do sử dụng rượu bia và không có chế độa ăn uống hợp lý nên bệnh tái phát, có trường hợp phải quay lại cấp cứu trong tình trạng rất nặng, có trường hợp bị suy gan cấp, hôn mê.

Tính chung cả dịp Tết bệnh viện đã tiếp nhận trên 100 trường hợp nhập viện trong tình trạng xơ gan, trong đó hiện còn 3 bệnh nhân đang trong tình trạng suy gan cấp cần sử dụng những kỹ thuật đặc biệt để cấp cứu.

Dấu hiệu của bệnh nhân xơ gan là mệt mỏi, chán ăn do chức năng gan suy giảm. Nếu có thêm biểu hiện sốt, nhiễm trùng thì tình trạng sẽ nguy hiểm hơn.

Cẩm Quyên