- Tuyên Bình là một trong những xã biên giới thuộc tỉnh Long An. Người Việt sống tại Campuchia không còn sống được trên đất khách đã xuôi theo dòng sông trôi dạt về đây cắm sào kiếm cách mưu sinh. Họ không có nhà, không mảnh đất cắm dùi nhưng có cả một gia đình với vợ chồng con cái. Cuộc sống họ ra sao khi về đến đất mẹ…

Ngổn ngang trăm lối

Ghé vào một con thuyền. Ông Hồ Văn Út (67 tuổi) vui vẻ tiếp chúng tôi. Ông nói, cái khó nhất bây giờ đối với bà con Việt kiều tại đây là giấy tờ. Khi về đến Việt Nam, chỉ còn có tiếng nói là có thể chứng minh mình là người Việt.

{keywords}

May mắn hơn những người khác, ông Hồ Văn Út còn được chiếc ghe làm nhà. Nơi đây, vợ chồng con cháu cùng nhau tá túc.

Ngoài ra, không một mảnh giấy lận lưng dù là giấy của Việt Nam hay của nước bạn. Ngay cả quê hương của mình cũng không ai biết vì những người này là con cháu nhiều đời của các thệ hệ người Việt ở Campuchia.

Không còn gốc gác để xác minh nên, mang tiếng là người Việt, sống trên đất nước mình nhưng số phận không khác gì những người sống “ngụ cư”…

Cuộc sống của những Việt kiều tại Tuyên Bình hiện rất khó khăn. Nhà không có. Người nào may mắn giữ được con thuyền thì còn nơi trú ngụ. Bằng không làm tạm một túp lều lợp lá thấp lè tè diện tích chưa đầy 10m2 mà ở; trong đó cả một gia đình chui rúc, sinh sống.

Mỗi buổi sáng, đàn ông thì vào công ty Quốc doanh 8 (công ty chế biến lương thực Vĩnh Hưng, Long An – P.V) để làm bốc vác. Nữ thì đi mua những mảng lục bình được người địa phương khoanh vùng rồi cắt bỏ lên ghe đem về phơi khô cân cho thương lái.

Trẻ em còn bi thảm hơn. Những đứa lớn bất luận trai gái đi khắp hang cùng ngõ hẹp để bán từng tờ vé số. Có khi chúng về đến tận Tân An (cách Tuyên Bình khoảng 70km) để bán.

{keywords}

Ông Út và bầy cháu

Những đứa nhỏ chưa lao động được thì bỏ lại nhà. Chúng tụ tập thành từng bầy chơi đùa. Ăn thì bữa đói, bữa no nên đứa nào cũng suy dinh dưỡng.

Chúng không được học hành cho đến gần đây, đồn biên phòng tổ chức lớp học tình thương vào ban đêm để các cháu có được con chữ lận lưng.

Có đứa thì chăm ngoan, có đứa thì lười nhác. Cũng khó mà bắt chúng vào khuôn khổ…bởi ngay từ lúc sinh ra đến giờ cha mẹ chúng vì công việc mưu sinh hàng ngày, bỏ chúng như một bầy ngựa hoang.

Điều bất cập là ngay những người còn sức lao động, không ai có nghề nào để tự nuôi sống. Bao nhiêu năm sống trong trên Biển Hồ, họ chỉ một nghề duy nhất là đánh cá.

Về đây, không học hành chữ nghĩa, không nghề nghiệp làm ăn họ chỉ còn biết bán sức lao động để đổi lấy bát cơm.

Làm sao để cải thiện cuộc sống ? Câu hỏi này thật gay go cho bất cứ ai còn nặng lòng quan tâm đến. Ông Út cho biết, đã có nhiều hộ kham không nổi tiếp tục thả thuyền trôi theo dòng sông Vàm Cỏ Tây về đến Tây Ninh. Có người bỏ thuyền lên Trị An, Đak Nông tìm rẫy canh tác.

“Thú thật với anh, tôi già rồi không còn đủ sức để lao động mưu sinh nên phải nhờ vào các con. Nhưng các con tôi thì cũng như bao Việt kiều khác tương lai đang mịt mờ phía trước…” – ông Út chia sẻ

Rất cần một cụm dân cư

Rời chiếc ghe cũ kỹ của ông Út, chúng tôi đảo một vòng quanh xóm Việt kiều. “Nhà” nào cũng thế, cũng xác xơ, nghèo khó. Những tiện nghi tối thiểu của một gia đình hầu như là những món xa xỉ đối với bà con.

{keywords}

Ghe vừa cập bến, anh Dương Văn Rớt phụ vợ vớt lục bình lên sân phơi.

Vào giờ này xóm vắng chỉ còn người già và trẻ con. Một bà lão đang phơi lục bình cùng đứa con gái. Cả hai mẹ con cười nói bên nhau. Dường như cái khổ đã bão hòa trong mỗi người dân nơi đây ?

Theo trung tá Hà Văn Hoàng, trưởng công an xã Tuyên Bình, sau nhiều lần cố gắng sàng lọc, chỉ có được 6 gia đình xác minh được nguồn gốc đã được cấp tạm trú. 13 hộ còn lại hiện không có cơ sở nào để giải quyết tình trạng lưu cư của họ. Số nhân khẩu của 19 hộ này lên đến 108 người.

Ông Tô Văn Chảnh, chủ tịch UBND xã thừa nhận, chính quyền gặp nhiều khó khăn khi giải quyết chính sách cho số Việt kiều không quốc tịch này. Hiện nay, những người này đang rất cần sự trợ giúp từ nhiều phía.

Ông nói, đã nhiều lần đề nghị về UBND huyện có chính sách nhằm giúp đỡ bà con, các cháu được học hành. Có cuộc sống ổn định bà con sẽ dừng chân không còn phải tha hương khắp nơi.

Ông Chảnh cho biết, UBND huyện Vĩnh Hưng đã có tờ trình đề nghị tỉnh thành lập một cụm dân cư ở xã Vĩnh Bình để tập họp tất cả những Việt kiều này thành một quần cư. Thế nhưng đến nay sau nhiều lần thăm dò, khảo sát, tỉnh vẫn chưa có một quyết định chính thức nào.

{keywords}

Hàng ngày những đứa trẻ xóm Việt kiều lang thang khắp nơi kiếm sống bằng nghề bán vé số.

Lời kết

Buổi trưa, chúng tôi vào thị trấn Vĩnh Hưng tìm quán cơm. Vừa ngồi xuống ghế, một đứa bé trạc chừng hơn 10 tuổi đen đủi, ốm yếu đến sát bên : “Mấy chú mua dùm con tờ vé số”.

Hỏi thăm, nó nói nó là con Việt kiều ở Tuyên Bình. Mua giúp nó vài tờ, thằng bé liêu xiêu bước ra khỏi cửa. Xấp vé số trên tay nó còn nhiều quá. Nó sẽ còn đi bao lâu nữa để đem về nhà chút tiền, góp tay với cha mẹ trong cuộc mưu sinh ?

Trần Chánh Nghĩa