Ngày 23/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Có thể nói NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh VGP

“Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 – 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Mặt khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại, trong đó có việc vốn của địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn; trong khi đó, riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 1.687 tỷ đồng, Bình Dương 1.190 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 100 tỷ đồng.

Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương; tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

{keywords}
Tuyên truyền tốt để khuyến khích người dân cần cù giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động "Vì người nghèo" để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành nghiên cứu cho phép kéo dài thời gian hộ được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo để phù hợp với đối tượng đầu tư của người vay vốn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác điều ra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm để làm căn cứ thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân; tạo động lực và khuyến khích người dân lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Bài: Lê Văn Dương - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thị Thảo - Nhóm PV