- Từ việc vận động giảm nghèo để đủ chỉ tiêu, cho đến việc đạt được tiêu chí thu nhập từ 20 – 24 triệu đồng/người/năm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã ở Thanh Hóa đã dùng ‘tuyệt chiêu’ nào?

Lấy tiền ngân sách mua BHYT cho dân để... đạt chuẩn

 Để hoàn thành tiêu chí đúng thời hạn cho đoàn lên kiểm tra, không ít xã ở Thanh Hóa khi triển khai xây dựng NTM đã phải dùng đến ngân sách xã “kích cầu” hỗ trợ mua bảo hiểm cho dân

Vận động thoát nghèo!

Theo báo cáo của UBND xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân), sau khi đạt chuẩn xã NTM thì tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,9% (năm 2015), trong đó trước khi xây dựng NTM là 9%. Vậy làm thế nào để Xuân Giang thoát nghèo nhanh như vậy?.

Để hiểu rõ hơn về việc thoát nghèo “thần tốc” ở địa phương, chúng tôi đã tìm hiểu tại thôn 13, xã Xuân Giang. Gặp chúng tôi, trưởng thôn Nguyễn Hữu Cư đã kể ngay về thành tích thoát nghèo ở thôn do mình quản lý.

{keywords}
Gia đình ông Đản được vận động ra khỏi hộ nghèo, trong khi gia đình ông rất nghèo

Ông bảo, trước khi xây dựng NTM, thôn 13 có 6 hộ nghèo. Nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM thì đã có hai hộ thoát được nghèo, như vậy cả thôn còn 4 hộ là đủ tiêu chí của xã đề ra.

Chúng tôi tiếp tục đến một hộ khác là gia đình ông Lê Văn Đản (79 tuổi). Vợ chồng ông Đản mới được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn năm nay.

{keywords}
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đản

Nói về nghèo, cả thôn 13 chắc chẳng ai bằng hai ông bà. Nhưng vì sao ông bà lại được đưa ra khỏi hộ thoát nghèo?

Ông kể, ông bà đã nhiều năm nay được hưởng chế độ hộ nghèo của nhà nước. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” rồi mà ông bà vẫn phải gắng gượng làm hai sào ruộng kiếm sống.

Làm thì thế, còn ở thì trong ngôi nhà xập xệ bằng vách đất. Không có lương, không có nguồn thu nhập thêm, hàng ngày bữa ăn chỉ có mớ rau, vài củ lạc qua bữa. Chưa nói đến chuyện ông bà thường xuyên ốm đau. Chứng kiến hoàn cảnh này, không ai nghĩ rằng gia đình ông lại được thoát ra khỏi hộ nghèo.

Cũng chỉ vì xã xây dựng NTM mà tiêu chí hộ nghèo phải giảm xuống dưới 4%. Để thôn, xã đạt được tiêu chí đó, họ đến vận động nhà ông.

Ông Đản chia sẻ: "Thời điểm thôn đến vận động gia đình thoát nghèo để đạt chỉ tiêu xây dựng NTM cũng là lúc tôi đang làm Hội trưởng hội người cao tuổi của thôn. Tôi nghĩ mình phải gương mẫu trong phong trào! Hơn nữa việc tôi quyết định thoát nghèo vì bà nhà tôi (vợ ông) đã đủ 80 tuổi nên hai vợ chồng được hưởng trợ cấp của nhà nước".

Bài toán nâng cao thu nhập

Trong 19 tiêu chí đạt chuẩn NTM có tiêu chí thu nhập bình quân đầu người. Theo báo cáo của các xã đã đạt chuẩn NTM như: Quảng Tân (huyện Quảng Xương), Quý Lộc (Yên Định), Xuân Giang (Thọ Xuân), Nga An (Nga Sơn)… thì hầu hết tiêu chí về thu nhập đều rất tốt, đạt từ 20 – 24 triệu đồng/người/năm, so với trước khi xây dựng NTM vượt hơn một nửa.

Là xã thuần nông, Xuân Giang (huyện Thọ Xuân) có 1.155 hộ, 4.489 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9% (năm 2015), diện tích đất lúa 281ha, đất màu 17ha, thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng/người/năm, trong đó trước khi xây dựng NTM chỉ có 9 triệu đồng/người/năm.

{keywords}
Ông Cư cho biết, thu nhập thôn ông chẳng có gì thay đổi ngoài đồng ruộng và những người đi làm ăn xa

Theo tìm hiểu của phóng viên tại thôn 13, ông Nguyễn Hữu Cư (trưởng thôn) cho biết, thôn ông có 115 hộ, 455 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp là 30,5ha. Đây được coi là thôn có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất xã. Thu nhập bình quân đầu người của thôn là 18 triệu đồng/người/năm, trong đó trước khi xây dựng NTM, thôn 13 chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm.

Ông Cư lý giải, diện tích, năng xuất, cây trồng không thay đổi. Tuy nhiên để có được thu nhập bình quân đầu người cao như vậy là do con em đi làm ăn xa gửi tiền về?. Số đi làm ăn xa trong độ tuổi lao động ở thôn chiếm tới 45% dân số.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, sau khi xã đạt chuẩn NTM đã bố trí lại việc sản xuất nông nghiệp. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, ngô giống và ớt xuất khẩu. Theo đó, diện tích trồng ngô giống là 20ha, lúa 30ha và 2ha ớt xuất khẩu.

Theo ông Hùng, sở dĩ thu nhập bình quân đầu người của xã cao hơn so với trước khi xây dựng NTM là vì xã đã áp dụng lại việc sản xuất nông nghiệp thu lại lợi nhuận cao.

Đơn cử: 1 sào ngô thương phẩm trung bình được 2,2 tạ nhân với giá 600.000đ/tạ, vị chi một năm thu nhập được khoảng 1.500.000đ. Trong khi trồng ngô giống, cũng diện tích như vậy cho năng suất khoảng 2,7 tạ nhân giá 950.000đ, vị chi một năm sẽ thu về 3.000.000đ.

Tương tự, một sào lúa thương phẩm được 3 tạ nhân với giá 550.000đ vị chi được khoảng 1.800.000đ/vụ. Trong khi trồng lúa giống cũng một nấy sản lượng nhân với giá 900.000đ/sào, vị chi một vụ đạt 2.700.000đ. Ngoài ra, ớt xuất khẩu 1 sào trung bình đạt 15 triệu đồng. Chưa kể đến việc xã có 2 trang trại lớn và 6 gia trại nhỏ.

Chỉ dựa vào thay đổi cơ cấu cây trồng như vậy, có là cá biệt trong thu nhập của xã?. Ông Hùng cho biết, đó mới chỉ là bước đầu thực hiện. Định hướng của xã sẽ mở rộng diện tích hơn nữa.

Để chứng minh cho tiêu chí thu nhập của địa phương đạt con số 21 triệu đồng/người/năm, ông Hùng lý giải ngoài việc áp dụng sản xuất nông nghiệp, xã Xuân Giang còn có 40 người đi lao động nước ngoài; 7 đến 8 trăm người đi làm xây dựng là lao động thường xuyên.

Khi phóng viên hỏi, đây là lao động đã làm từ trước khi xây dựng NTM tới nay, vậy con số này và thu nhập chẳng có gì thay đổi sau khi hoàn thành xã NTM?. Ông Hùng chỉ im lặng.

Lê Dương