- Nhật Bản hôm nay cho biết sẽ từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách dân chủ và kinh tế của Myanmar.

TIN BÀI KHÁc

Tokyo đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Tổng thống Myanmar Thein Sein, sau hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản.

Chế độ quân sự cầm quyền tại Myanmar đã chính thức chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Chính phủ mới đã gây bất ngờ cho cả thế giới khi tiến hành hàng loạt cải cách về chính trị và kinh tế, bao gồm việc thả một số tù chính trị nổi tiếng, và cho phép lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Tổng thống Myanmar U Thein Sein. Ảnh: AP

Bà Suu Kyi và các thành viên trong đảng của mình đã giành được 43 ghế ở quốc hội.

Tại một cuộc họp báo chung với ông Thein Sein, ông Noda nói rằng, các cải cách “đang tiến nhanh về phía trước” và Nhật Bản cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ “để người Myanmar có thể tận hưởng quả ngọt của cải cách”. Myanmar nợ Nhật Bản khoảng 500 tỉ yên (hơn 6 tỉ USD) từ các khoản vay trong quá khứ.

Về phần mình, ông Thein Sein nói: “Nhân danh chính phủ và người dân Myanmar, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới chính phủ và người dân Nhật Bản”.

Trước những cải cách bước ngoặt của Myanmar, nhiều quốc gia, đặc biệt là phương Tây đang thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ với nước này. Mới đây, một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, EU "đã đồng ý về nguyên tắc" việc tạm ngưng các biện pháp trừng phạt kinh tế Myanmar trong vòng một năm tuy vẫn duy trì cấm vận vũ khí.

Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm và tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Australia cũng sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cúng hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính.

Ngày 13/4, Thủ tướng Anh đã đến thăm Myanmar. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo hàng đầu phương Tây trong hơn 50 năm qua đến quốc gia Đông Nam Á.

Anh có truyền thống giữ quan điểm cứng rắn về cấm vận với Myanmar vì những lo ngại nhân quyền. Nhưng tại Myanmar, ông Cameron tuyên bố có sự thay đổi lớn trong quan điểm và thúc giục thế giới ủng hộ những cải cách mà quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành.

Thái An (theo Nytimes, AP, Reuters)