- Không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn, kể cả vắc xin dịch vụ mà người dân đang rất tin tưởng. Tuy nhiên đối mặt với nguy cơ trẻ tử vong, không cha mẹ nào tránh khỏi sợ hãi.

Vắc xin có tuyệt đối an toàn không?

Vắc xin cũng giống các loại thuốc khác, khi tiêm vào cơ thể sẽ có những phản ứng phụ, một số ít trẻ xuất hiện tai biến nặng, thậm chí là tử vong.

{keywords}

Không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối

Ví dụ ở Đức, Ý, Singapore đang tiêm phổ biến vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa. Theo kết quả điều tra của chính nhà sản xuất (GSK - Anh), trong 12 năm nước Ý tiêm 15 triệu mũi, đã có 63 trẻ tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày (trung bình 4,2 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm).

Một nghiên cứu khác cũng ở Ý thống kê 3 triệu trẻ tiêm Infanrix Hexa, Hexavac (vắc xin 6 trong 1 của Aventis Pasteur MSD - Pháp) cùng các vắc xin mũi rời khác, cho thấy: 68 trẻ tử vong trong 20 ngày sau tiêm (trung bình 22,7 trẻ tử vong/1 triệu trẻ tiêm).

Việt Nam tiêm vắc xin Quinvaxem từ tháng 6/2010. Đến nay có khoảng 24 triệu mũi tiêm, số trẻ tử vong là 63 (trung bình 2,6 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm).

Một loại vắc xin 5 trong 1 khác đang được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam là Pentaxim của Sanofi Pasteur (Pháp). Vắc xin này không có báo cáo về số lượng tử vong trên dân số vài triệu mũi tiêm như Quinvaxem hay Infanrix Hexa.

Tuy nhiên, tạm so sánh tác dụng phụ của Quinvaxem và Pentaxim trong các thử nghiệm quy mô nhỏ (tính tỷ lệ phản ứng trên số mũi tiêm, gồm 4 phản ứng chính: sốt, khó chịu, khóc nhiều, nôn mửa), kết quả như sau:

{keywords}

Nhìn con số bằng trực giác thì tỉ lệ tác dụng phụ cũng như tỉ lệ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem không cao hơn các vắc xin khác. Nhưng ở góc độ khoa học thì chừng đó chưa đủ để khẳng định Quinvaxem an toàn hơn Infanrix Hexa, Hexavac hay Pentaxim.

Bởi vì trong nghiên cứu vắc xin, phương pháp luận khoa học dù có công phu đến mấy vẫn luôn nghèo nàn do quy mô nghiên cứu vẫn quá nhỏ, thời gian nghiên cứu quá ngắn, phạm vi nghiên cứu quá hạn chế trong các quần thể đại diện.

Như vậy, không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Một loại vắc xin chỉ thực sự an toàn khi chính vắc xin đó … không bao giờ được sử dụng!

Quinvaxem - Thành quả và nỗi đau

Việt Nam là quốc gia nghèo nên chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bao nhiêu năm vẫn chỉ tiêm các mũi riêng lẻ. Đến tận năm 2010 chúng ta mới triển khai tiêm miễn phí Quinvaxem nhờ sự trợ giúp của WHO (vẫn giữ tiêm song song các vắc xin riêng lẻ vì tính hiệu quả và an toàn).

Trong gần 3 thập kỉ qua, chương trình TCMR của Việt Nam đã làm cho cả thế giới nể phục. Một số dịch bệnh đã bị tiêu diệt, trẻ em được khỏe mạnh do tăng sức đề kháng, nhiều căn bệnh nghiêm trọng cũng nhẹ đi.

{keywords}
Bộ Y tế đã không có giải pháp giải quyết thấu đáo nỗi sợ Quinvaxem của người dân

Thành công ấy hoàn toàn không phải do những biện pháp áp đặt hà khắc trái với ý chí của người dân. Đó là chiến công của những cán bộ y tế dự phòng, những chi hội phụ nữ, những tình nguyện viên… Họ đã chuyển tải những kiến thức đúng đắn nhất về tiêm chủng đến từng ông bố bà mẹ.

Bên cạnh đó, những ám ảnh về bệnh bại liệt, những em bé bị biến dạng do mẹ nhiễm Rubella trong thai kì đã dấy lên nỗi sợ bệnh tật. Nỗi sợ này cùng với những hiểu biết đúng về vắc xin chính là lí do để người dân tự giác tiêm phòng phổ quát.

Vậy tại sao bây giờ dân ta lại khổ vì vắc xin?

Khi 3 cháu bé ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, xã hội rất sốc. Người ta bắt đầu tẩy chay tiêm chủng (dù kết quả điều tra sau này xác định nguyên nhân do cán bộ y tế tiêm nhầm thuốc). Hệ quả là dịch sởi năm 2014 bùng phát, hàng trăm trẻ chết. Sởi chỉ thực sự dập tắt khi các bà mẹ đồng loạt đưa con đi tiêm phòng.

Sau bài học sởi, là đến bài học Quinvaxem. Liên tiếp những thông tin không đầy đủ về 43 ca tử vong sau tiêm vắc xin này đã gây nhiễu loạn, bất chấp cảnh báo của Bộ Y tế và cả WHO. Từ đó người dân tẩy chay tiêm Quinvaxem.

Rõ ràng thành tích đưa Quinvaxem vào chương trình TCMR chưa đủ để nâng cao hiệu quả miễn dịch cho cộng đồng nhưng việc làm suy yếu nhận thức của những ông bố bà mẹ có mặt trong buổi xô đẩy nhau giành suất tiêm hôm vừa rồi thì đang là sự thật hiện hữu.

Không cha mẹ nào tránh khỏi sợ hãi

Người ta đổ lỗi cho các ông bố bà mẹ chen nhau xếp hàng là vô ý thức, theo tôi là không đúng. Ai cũng biết tác dụng của vắc xin nhưng khi con trẻ phải đối mặt với nguy cơ tử vong, với tác dụng phụ nghiêm trọng hay những biến chứng lâu dài do tiêm vắc xin, thì không ai có thể tránh khỏi sợ hãi.

Bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị, Rubella, viêm gan B hay bất kì bệnh nguy hiểm nào khác không đủ át đi nỗi sợ nhìn đứa con của mình bị tai biến.

Chính sách vắc xin: Đừng vì lợi ích kinh tế

Ở thời điểm hiện tại, nếu chỉ sử dụng Quinvaxem để tiêm chủng miễn phí mà không đa dạng hóa các loại vắc xin dịch vụ để người dân có quyền lựa chọn thì đó có phải là thiếu sót căn bản của chính sách công liên quan đến vắc xin?

{keywords}
Người mẹ ngất xỉu ở điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) vì chen lấn chờ đợi vắc xin

Muốn được chấp nhận cả về đạo đức cũng như pháp lí thì chính sách vắc xin phải được xây dựng dựa trên hiệu quả về sức khỏe cộng đồng với những căn cứ khoa học xác đáng chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Bởi vắc xin cực kì nhạy cảm. Nó dễ bị chi phối bởi những xung đột kinh tế, với nguy cơ hàng tỉ USD doanh thu chảy từ túi người nghèo sang người giàu.

Khắc phục cuộc khủng hoảng vắc xin Quinvaxem, ngoài việc ngành y tế cố gắng đàm phán với đối tác để sớm có nguồn vắc xin dịch vụ đa dạng, thì cần phải công khai minh bạch mọi thông tin về Quinvaxem và cung cấp đầy đủ những kiến thức đúng đắn về vắc xin và tiêm chủng cho người dân.

Với cộng đồng, thay vì chờ đợi vắc xin dịch vụ, tại sao không tìm hiểu kĩ các vắc xin riêng lẻ vẫn được tiêm an toàn từ trước đến nay? Tại sao không tìm hiểu sâu về Quinvaxem để có quyết định đúng trước khi tiêm?

Bác sỹ Trần Văn Phúc