- Nếu hiến tạng khi còn sống, bạn sẽ được tặng thẻ BHYT miễn phí suốt đời, được ưu tiên ghép mô tạng khi có chỉ định, được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Các thắc mắc về quyền lợi khi hiến tặng mô tạng, hiến xác sẽ được các chuyên gia hàng đầu của BV Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trả lời cụ thể tại giao lưu trực tuyến hôm qua.

Thanh Huyen, Nữ - 35 tuổi: 1. Nếu một người mới 17 tuổi và 6 tháng, thể chất khỏe mạnh, không bị bệnh tật tình nguyện hiến một quả thận cho người khác thì có được phép hay không? Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện hành có quy định chi tiết điều này không? 2. Nếu người sống hiến tạng thì họ có quyền và lợi ích gì không? Theo tôi được biết, trên thế giới nếu một người đã hiến tạng, thì người đó được cả xã hội tôn trọng và vinh danh.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc: Theo quy định tại điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, quy định về Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, theo đó: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

Như vậy, pháp luật quy định rất rõ, chỉ những người từ đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Đối chiếu với quy định trên, nếu một người mới 17 tuổi và 6 tháng không đủ điều kiện để trực tiếp hiến thận cho người khác khi còn sống cho dù bạn có thể chất khỏe mạnh, không bị bệnh tật.

Tuy nhiên, luật pháp không giới hạn việc bạn đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não nếu có sự đồng ý của người giám hộ theo quy định của pháp luật.

2. Trên thế giới nói chung và VN nói riêng, bất kỳ người nào đã hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não đều được xã hội tôn trọng và Nhà nước vinh danh. Theo đó, không quan trọng trước khi người hiến tạng là ai, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội..., nếu đã hiến tạng đều được xã hội tôn trọng và vinh danh.

{keywords}
Sau khi đăng ký hiến mô, tạng, bạn sẽ được cấp thẻ. 

Theo quy định của pháp luật, nếu một người đã hiến tạng khi còn sống thì người đó được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời; được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế và được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Riêng đối với người hiến tạng sau khi chết, chết não thì được Bộ Y tế truy tặng kỷ niệm chương này.

Phúc Mai, Nam - 31 tuổi: Người hiến tạng có được quyền lợi gì hay không? Ví dụ chi phí hay như thế nào. Nếu người chết não có hai con nhỏ chưa đủ 18 tuổi, khi hiến tạng con họ có được quyền lợi gì hay không?

TS Dư Thị Ngọc Thu: Nói là hiến tặng thì chỉ với mục đích nhân đạo, sẽ chỉ nhận được sự chăm sóc của cộng đồng và xã hội mà thôi.

Trong trường hợp gia đình đơn chiếc, có trẻ em nhưng không còn người bảo bọc thì chúng tôi sẽ có kế hoạch bảo trợ từ Bộ LĐ-TB&XH, các mạnh thường quân... sẽ giúp các em có thể trưởng thành thành công dân tốt và có nghề tự mưu sinh. 

Hà Văn Hà, Nam - 47 tuổi: Tôi đã nghe đài và các báo đưa tin về thành công của ca ghép tạng xuyên Việt vừa qua. Mọi người đã chúc mừng bác sĩ và ê kíp rồi, cũng chúc mừng bệnh nhân rồi. Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân tới người đã hiến tạng và gia đình của họ. Liệu có cách nào đó để ghi nhớ nghĩa cử cao đẹp này của họ không, để xã hội, con cháu của họ sau này nhìn đó mà noi gương?

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu: Bạn mong muốn bày tỏ lòng tri ân với người hiến tạng và gia đình của họ sẽ có nhiều cách: 1. Bằng hành động của mình là trở thành những tình nguyện viên hỗ trợ lan truyền những thông tin về hiến tạng cứu người cho bạn bè và đồng nghiệp của mình qua facebook của bạn chẳng hạn...

2. Bạn muốn gởi thư cám ơn gia đình người hiến tạng xin thông qua trung tâm điều phối sẽ giúp bạn chuyển thư này đến gia đình.

3. Nếu bạn là doanh nhân thành đạt, bạn có thể ủng hộ bằng tiền hoặc các hiện vật cần đầu tư và phát triển các mạng lưới quản lý xin gởi đến Đơn vị Y xã hội của BVCR. Chúng tôi sẽ hứa thực hiện đúng mục đích yêu cầu của bạn.

 Thưa GS Sơn, với vị trí Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, với tình trạng khan hiếm nguồn tạng như hiện tại, ông có nghĩ chúng ta cần có hình thức khuyến khích, chính sách ưu tiên gì với người hiến hay không?

{keywords}

GS.TS Trịnh Hồng Sơn(trái) trong buổi giao lưu trực tuyến

Trịnh Thị Xuân Thu, Nữ - 27 tuổi:

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cũng đang tìm kiếm mô hình cho phù hợp nhất để khuyến khích  ưu tiên những người hiến tạng ngoài các điều khoản quy định của pháp luật như người hiến được cấp thẻ BHYT, tặng kỷ niệm chương. Nếu bạn có những ý tưởng hoặc những phương sách nào thì hãy mách chúng tôi.

Hiến tạng sẽ được ưu tiên ghép tạng

Nguyễn Ngọc Bảo An, Nữ - 28 Tuổi: Nếu tôi đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, thì khi còn sống, nếu chẳng may tôi bị bệnh và cần phải ghép tạng, tôi có được ưu tiên gì trong việc chữa bệnh này không? Xin cảm ơn.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc: Việc bạn đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời là một nghĩa cử cao đẹp, được cả cộng đồng, xã hội trân trọng, góp phần mang lại cơ hội cứu chữa tận cùng cho người bệnh đang suy mô, tạng cần phải ghép. Hơn nữa, hành động đó cũng góp phần mang lại hình ảnh sinh động, nhân văn giúp cho cộng đồng, xã hội cùng gần nhau hơn trong cơ hội chung tay làm việc tốt đẹp, việc thiện trong cuộc đời.

Tuy nhiên, xuất phát là hiến tặng vô vụ lợi, từ tâm nguyện của mỗi người, do đó vấn đề về quyền lợi của người hiến tạng chỉ phát sinh sau khi người đó đã hiến tạng và theo quy định của pháp luật, một trong những quyền lợi của người đã hiến tạng là được ưu tiên ghép trong trường hợp bị suy tạng và có chỉ định ghép của bác sỹ.

Nguyễn Ngọc Thắng , Nam - 54  Tuổi: Tôi có đọc một số bài về hiến, ghép mô, tạng. Tôi muốn hỏi danh sách chờ ghép quốc gia do ai quản lý và bệnh nhân nào sẽ được ưu tiên ghép trước? Xin cảm ơn.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Tôi đánh giá cao câu hỏi này của bạn vì nó sẽ giúp giải đáp thắc mắc của rất nhiều người bệnh và nhân viên y tế về lĩnh vực ghép tạng.

Do ghép tạng ở VN chỉ mới phát triển mạnh trong vòng hơn 5 năm gần đây, nên hoạt động ghép tạng vẫn còn nặng tính đơn lẻ ở từng đơn vị y tế. Nghĩa là, mỗi đơn vị ghép tạng ở các bệnh viện sẽ có danh sách chờ ghép riêng của mình. Sau khi trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia ra đời, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tổng hợp danh sách chờ ghép tạng từ tất cả các đơn vị y tế để điều phối việc hiến và ghép tạng một cách phù hợp nhất.

Ca ghép tạng thành công ngày 5/9 vừa rồi là minh chứng rõ nét cho hoạt động của trung tâm. Do vậy, trong giai đoạn trước mắt, các bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng cũng như thầy thuốc có bệnh nhân ghép tạng nên tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng và khoa học về hoạt động ghép tạng của các bệnh viện ở VN. Từ đó, chủ động liên hệ trực tiếp với các bệnh viện liên quan để được đưa vào danh sách chờ ghép tạng của các bệnh viện. Đơn vị ghép tạng tại các bệnh viện này sẽ có trách nhiệm chuyển danh sách chờ ghép của mình lên trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để điều hành chung.

Nguyễn Thanh Hoa, Nữ - 25 Tuổi: Xin chào các giáo sư ạ! Cháu có bạn bên Mỹ, khi đọc được thông tin nguồn tạng tại VN đang khan hiếm, bạn ấy muốn đợt tới khi về VN sẽ đăng ký hiến tạng tại Hà Nội, nhưng không biết thủ tục với người nước ngoài thì có gì khác và phức tạp không ạ?

GS. TS Trịnh Hồng Sơn: Rất cám ơn bạn. Bạn có thể đến trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia tại 40 Tràng Thi - Hà Nội để tìm hiểu trao đổi và làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Trịnh Thị Xuân Thu, Nữ - 27 Tuổi: Thưa GS Sơn, với vị trí Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, với tình trạng khan hiếm nguồn tạng như hiện tại, ông có nghĩ chúng ta cần có hình thức khuyến khích, chính sách ưu tiên gì với người hiến hay không?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cũng đang tìm kiếm mô hình cho phù hợp nhất để khuyến khích  ưu tiên những người hiến tạng ngoài các điều khoản quy định của pháp luật như người hiến được cấp thẻ BHYT, tặng kỷ niệm chương. Nếu bạn có những ý tưởng hoặc những phương sách nào thì hãy mách chúng tôi.

Nguyễn Minh Quân, Nam - 33 Tuổi: Cho tôi hỏi hiện nay cũng có nhiều người hỏi về việc hiến tạng nhưng thông tin rất ít. Thực tình chỉ gần đây khi báo chí đưa tin nhiều về vụ ghép tạng cho 2 bệnh nhân ở Việt Đức tôi mới biết đến hiến tạng. Tôi quan tâm để hiến được thì thủ tục có gì rắc rối, phức tạp không? Tôi có cần chứng minh tình trạng sức khỏe hay không? Sau khi tôi hiến tạng tôi có được ưu tiên gì không (giống như hiến máu chăng?)

TS Dư Thị Ngọc Thu: Xin cám ơn tấm lòng thiện nguyện của bạn. Xin bạn thông cảm, vì việc này cũng chỉ mới bắt đầu tại VN trong vòng 2-3 năm nay, nên thông tin cũng chưa nhiều. Chúng tôi đang tìm cách làm sao cho tất cả mọi người đều có thể nhận được thông tin. 

Về thủ tục ghép tạng thì không có gì rắc rối cả, chỉ cần sự quyết tâm của mình. Bạn có thể tham khảo trên trang web của trung tâm điều phối quốc gia hay của BVCR sẽ có đơn và sự hướng dẫn cho bạn.

Chỉ cần bạn biết tình trạng sức khỏe của mình bây giờ không mắc bệnh là được. Đối với hiến tạng thì cái vinh dự lớn nhất là bạn sẽ nhận được sự biết ơn và chăm sóc của cộng đồng, xã hội.

Có thể hiến tạng ngay từ khi còn sống

Nguyễn Mai Liên, Nam - 26 Tuổi: Ngoài chết não, tôi biết có thể hiến sống. Vậy khi hiến sống, chúng ta có thể hiến được những bộ phận nào. Hiến một phần các bộ phận này thì sk tôi có bị sụt giảm nhiều không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Trên nguyên tắc, hiến tạng từ người cho sống được hiểu là sau khi hiến, phần tạng còn lại của người hiến vẫn đảm bảo chức năng sống bình thường cho người hiến tạng, và phần tạng hiến đi đủ đảm bảo chức năng của một tạng trong cơ thể người nhận tạng. Ví dụ như, người hiến có hai quả thận có thể cho đi một quả. Con người có thể sống bằng một nửa lá gan, nửa còn lại có thể hiến đi.

Về mặt lý thuyết thì không gì bằng một cơ thể hoàn chỉnh như tạo hóa sinh ra. Tuy nhiên, có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, con người có thể sống bình thường sau khi hiến một phần tạng của mình như một quả thận hay một phần lá gan.

Nguyễn Ngọc Ly, Nữ - 20 Tuổi: Cháu muốn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, cháu có thể đăng ký ở những đâu? và cháu có được chỉ định người nhận tạng của cháu không? (ví dụ như là người nghèo, người neo đơn, ....)

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Được. Hiến tạng sau khi qua đời ở trường hợp bạn hỏi có nghĩa là hiến xác. Bạn có thể đến đăng ký ở tại các trường đại học y khoa. Hiện nay bạn có thể đến đăng ký và làm các thủ tục tại trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.

Nếu cháu muốn hiến quả thận hoặc 1 nửa lá gan cháu có thể chỉ định được người nhận nếu hàng loạt người nhận có đủ điều kiện ghép trong cùng 1 thời điểm và theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Phương Lan, Nữ - 35 Tuổi: Xin cho biết, bố mẹ có quyền hiến tặng nội tạng của con đã chết do tai nạn giao thông không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Mọi trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong mà không có liên quan đến các vấn đề pháp luật thì đều có thể hiến tặng tạng, mô tổ chức. Hiện tại ở VN, theo truyền thống như nhiều nước châu Á khác, việc quyết định hiến tạng, mô tổ chức ở người chết não hoặc mới tử vong hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và sự đồng thuận của các thân nhân trong đó gần nhất là bố mẹ, vợ chồng, hoặc con cái.

Nguyen Thi Kim Lien, Nữ - 35 Tuổi: Thưa các giáo sư, cho em xin được hỏi thủ tục và điều kiện để được hiến xác khi chết như thế nào ạ? Quyền lợi và nghĩa vụ khi hiến xác? Nếu lúc mình đăng ký địa chỉ ở HN nhưng lúc chết lại ở Sài Gòn thì phải như thế nào? Mong các giáo sư giải thích cho em được rõ ạ.

TS Dư Thị Ngọc Thu: Hiến xác xin bạn liên hệ đến Các trường Đại học Y khoa, tại đây mới có chức năng bảo quản xác. Trung tâm Điều phối chỉ có chức năng tiếp nhận mô và cơ quan hiến mà thôi. Khi đã nói đến từ hiến tặng thì sẽ không có bất kỳ quyền lợi gì cả bạn à. Chỉ có sự lo lắng cho người sau khi hiến từ tấm lòng của xã hội mà thôi thưa bạn.

Thủ tục hiến xin bạn liên hệ với cơ quan chịu trách nhiệm sẽ có hướng dẫn thực hiện. Nếu ở miền Bắc thì trung tâm điều phối quốc gia. Nếu ở miền nam thì BVCR.

Để có thể thực hiện được hiến tạng thì chính người thân của gia đình bạn sẽ thông tin cho bác sĩ điều trị về ý nguyện và gọi trực tiếp đến trung tâm để báo tin. Khi đó sẽ có nhân viên theo dõi và thực hiện.

Nguyễn Bích Vân, Nữ - 23 Tuổi: Em cũng đã nghĩ đến chuyện sau này nếu chết đi sẽ hiến xác cho y học. Tuy nhiên chưa thực rõ nếu hiến xác thì có thể hiến ở những đâu ngoài ĐH Y HN. Trường hợp nếu hiến, thì cái xác đó sẽ được giữ tại trường trong bao lâu, vĩnh viễn chăng? Có nội dung nào trong luật quy định về những điều này không ạ?

Ths.Nguyễn Hoàng Phúc: Quy định về hiến tặng mô, tạng và hiến xác được quy định rất rõ và chi tiết tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn trong đó.

Ngoài ra, có một văn bản hết sức quan trọng khác để Bạn tham khảo là: - Thông tư số 23/2001/TT-BYT ngày 22/11/2001 hướng dẫn tạm thời việc tự nguyện hiến thi thể sau khi chết và việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thi thể trong các Trường đại học Y.

Nếu bạn muốn đăng ký hiến xác sau khi chết, có thể đến một trong các địa chỉ sau: Đại học Y Hà Nội; Đại học Y Thái Nguyên; Đại học Y Thái Bình; Đại học Y Hải Phòng; Học viện Quân Y: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y Huế: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y Tây Nguyên; Đại học Y Cần Thơ: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y dược TP HCM: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Bộ môn giải phẫu.

Ban Thời sự

Còn tiếp...