- Trong những ngày đi tìm tư liệu để viết về Truông Bồn, chúng tôi đã gặp những nữ TNXP may mắn thoát chết sau trận bom sáng ngày 31/10/1968. Có người may mắn, được làm mẹ, làm bà. Cũng có người, sống cô độc trong những ngôi nhà xập xệ. Nghe họ kể về chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay mà cổ họng chát đắng.


Ký ức ngày 31/10/1968

Trong ngôi nhà cấp 4 ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, chị Phan Thị Thao và Nguyễn Thị Minh đang lúi húi bón cháo cho cháu. Trước, họ là TNXP, vào sinh ra tử ở những trận địa khốc liệt. Hòa bình lập lại, họ về quê, duyên định thế nào, cả 2 lại trở thành thông gia.

Chị Thao và chị Minh là 2 trong 3 người đầu tiên phát hiện ra Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - người duy nhất sống sót trong trận bom vào rạng sáng ngày 31/10/1968.

Chị Phan Thị Thao

Chị Thao kể rằng, hôm đó, 5 giờ sáng, khi đang ngủ thì nghe kẻng báo thức. Tất cả vội vàng tỉnh dậy, chuẩn bị cuốc xẻng để ra trận địa. Vừa đi, mọi người vừa tranh thủ gặm cục mỳ cứng đơ, cứng ngắt mà tổ hậu cần phát cho mỗi người đêm qua.

Tất cả mọi người hướng ra phía dốc Kỳ Lợn. Đây là đoạn dốc nguy hiểm, một bên là núi, một bên là khe. Máy bay địch bao giờ cũng nhằm vào chỗ này để đánh bom. Nếu dốc Kỳ Lợi mà hỏng, Truông Bồn tắc, xe cộ sẽ không vận hành qua được.

Chưa kịp đến trận địa, bỗng nghe tiếng gầm rú của máy bay. Những chiếc máy bay xé toang bầu trời, bổ nhào ngay sát trận địa. Như phản xạ tự nhiên, tất cả chạy về phía hầm ẩn nấp.

Những chiếc phản lực vừa sà đến, cũng là lúc những tiếng nổ chát chua vang lên. Lửa, khói và đất bốc lên thành một quầng đen, tụ lại rồi cuộn lên cao. Địch thả bom như vãi trấu. Cả khu vực Truông Bồn bỗng dưng bị nhấn chìm trong biển lửa.

Loạt bom đầu tiên vừa dứt, những hố bom còn chưa kịp nguội, những mảnh bom còn đỏ rực hơi lửa thì toàn bộ TNXP được yêu cầu khẩn trương rút khỏi trận địa.

Lúc này, Nguyễn Thị Minh bị thương nặng ở mặt. Chưa kịp băng bó vết thương thì thấy tiếng ai gọi với: “Minh ơi, Thao ơi, có ai còn sống không?”.

Chị Phan Thị Thao và Nguyễn Thị Minh, những nữ TNXP may mắn sống sót ở Truông Bồn

Lúc này, chị Minh bị thương ở mắt, Thao cố rướn lên thì thấy Lê Thị Hường đang hớt hả chạy đến. Không kịp băng bó cho Minh thì nghe tiếng rên ở gần đó, Hường vội nắm lấy tay Thao: “Minh chịu khó ở đó, tau sang bên ni xem có ai còn sống không?”. Vừa nói, Hường vừa chạy đến chỗ phát ra âm thanh.

Trận địa bị biến dạng sau loạt bom đầu tiên. Những hố bom sâu hoắm còn bốc lửa. Hầm trú ẩn bị đánh lật ngược. Mắt cố căng ra trong làn khói, Hường thấy tiếng rên ở ngay gần mình. Tiến thêm một đoạn, thấy nòng súng còn nhô lên, Hường bảo với Thao: “Dưới ni còn có người sống. Mau gọi người đến cứu”.

Thao nhìn xung quanh, chẳng có một ai. Toàn bộ lực lượng đã được lệnh về hầm để ẩn nấp. Không có cuốc, xẻng, Hường và Thao dùng tay để cào.

Một phút sau, Nguyễn Thị Minh cũng chạy đến, mặc cho vết thương vùng mặt đang ứa máu. Sáu bàn tay thoăn thoắt cố gắng đào sâu. Những ngón tay bật máu. Mặt đất nóng hổi.

Trời, con Thông, nó còn sống” - chị Hường hét toáng lên. Vừa cào hết lớp đất, đủ để thấy rõ khuôn mặt của chị Trần Thị Thông thì lại một tốp máy bay nữa gầm rú kéo đến. Cả 3 lăn xuống một cái hầm ngay cạnh bên.

Lại những tiếng nổ chát chúa. Lại những quầng lửa cuộn lên che kín cả trận địa. Lần này, may mắn hơn là máy bay Mỹ thả bom không trúng trận địa.

Những chiếc phản lực sau khi điên cuồng nhả bom, vội vã kéo nhau đi. Chị Hường, chị Minh, chị Thao lại tiếp tục lao lên chỗ Trần Thị Thông. Lúc này, chị Thông đã ngất xỉu. Mọi người vội vàng đưa chị về cấp cứu.

Nấm mồ chung ở Truông Bồn

Chị Trần Thị Thông được đưa đến nhà mẹ Thởm để cấp cứu. Lúc đó, có đơn vị bộ đội đi qua, họ liền cử 2 quân y ở lại để cứu chữa những người bị thương. Vừa mới tỉnh dậy, chị Thông đã gọi với những người xung quanh: “Dưới hầm còn có Cao Ngọc Hòa và Đinh Thị Vinh. Mau ra đào đất, cứu họ”.

Mọi người định chạy ra chỗ Hòa và Vinh đang bị vùi lấp thì máy bay lại kéo tới. Bom lại vãi như trấu. Những cột lửa cuốn lên trời mang theo cả đất đá. Toàn đơn vị được lệnh tạm ngừng tìm kiếm.

Truông Bồn hôm nay.

Cao Ngọc Hòa và Đinh Thị Vinh đã được tìm thấy ngay trong chiều 31/10/1968. Tất cả đã hy sinh. Vinh mới 18 tuổi. Còn Hòa và Tâm, ngày mai sẽ tổ chức đám cưới. Thi thể của Hòa và Vinh được đưa về nhà kho ngay gần đấy.

Chị Minh kể rằng, phải đến ngày hôm sau, tức là khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, người ta phải dùng máy gạt mới tìm thấy thêm 4 người nữa, đó là Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc và Đàm Thị Bốn.

Khu vực tìm thấy là một mô đất cao, cả 4 người đang trong tư thế ôm chặt lấy khẩu súng.

Nhìn thấy Phúc, chị Minh vội rướn đến rồi ôm chầm lấy. Vẻ mặt Phúc vẫn bình thản, người vẫn còn hơi ấm, vệt máu nơi khóe miệng đã khô lại, lẫn với đất. Minh khóc: “Trời, Phúc ơi, mi còn hứa với tau là sẽ về cho tau xem bức thư người yêu mi mới gửi mà. Thế mà, giờ đây, mi lại bỏ mà đi”.

Chị Minh bảo, thời đó, chị cùng với Phúc và Nguyễn Thị Văn ở cùng nhà với nhau. Phúc và Minh bằng tuổi, còn Văn nhỏ tuổi nhất. Thời còn sống, Phúc vẫn thường kể cho chị Minh nghe về chuyện gia đình, về chuyện tình yêu của mình.

Hắn bảo với tui, hắn đã có người yêu. Nhưng giờ đang chiến tranh, lại còn phải lo chuyện học hành nên chưa báo cáo với gia đình. Chờ cho chiến tranh kết thúc, học hành xong sẽ đưa người yêu về ra mắt gia đình” - chị Minh đau xót.

Cả ngày 1/11/1968, dù đã huy động tất cả các phương tiện máy móc, người ta cũng chỉ tìm thấy nửa vành nón có thêu chữ “tặng Dung” và một cánh tay. Trên cánh tay đó còn nguyên cái khăn mùi soa buộc ở cổ tay. Mở ra thì thấy có mấy cân tem gạo, một tấm phiếu thực phẩm và giấy gọi nhập học mang tên Vũ Thị Hiên.

Suốt những ngày sau đó, hàng trăm người được huy động để tìm kiếm những TNXP còn lại nhưng vô vọng. 7 người còn lại, thịt xương họ dường như đã biến thành khói, thành mây; máu của họ đã kịp hòa chung vào mạch nước, trời đất Truông Bồn.

4 ngày sau đó, một lễ truy điệu diễn ra. Hôm đó, chẳng hiểu sao, trời đổ mưa phùn. Hàng trăm người nghẹn lòng đứng trước linh hồn 13 TNXP đã anh dũng hy sinh mà nguyện cầu cho linh hồn họ được siêu thoát. Những ai có mặt, đều không cầm nổi nước mắt. Nước mắt hòa lẫn với nước mưa. Mặn chát!

13 TNXP nằm cạnh bên nhau. Vĩnh hằng. Giấc mơ về những đứa con, về ngày hạnh phúc bên chồng của Nguyễn Thị Tâm chỉ còn trong hoài niệm, chỉ còn trong những câu chuyện kể của những TNXP mà chúng tôi từng gặp. Và những người mẹ, sẽ chẳng bao giờ biết được mặt con dâu, con rể của mình. Ngôi nhà của Trần Văn Hạp, chẳng biết có ai lợp dùm mái tranh, ai rào hộ mảnh vườn?

Hoàng Sang - Vũ Điệp