- "Có những lúc tôi nhận được hơn 500 tin nhắn, trong đó đồng cảm, chia lửa, lo lắng cho mình không ít, nhưng tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo không kém phần...".


Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến trao đổi với VietNamNet về tố cáo tiêu cực, tham nhũng nổi lên gần đây. 
{keywords}

Ông Lê Như Tiến: Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi". Ảnh: Minh Thăng


‘Ông đừng dây vào địa hạt của tôi’

Những vụ tố cáo tiêu cực, tham nhũng gần đây như nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Tây), trạm y tế Hà Lam (Quảng Nam) được xã hội cảm kích, nhưng không phải là phổ biến. Mọi người nhìn tố cáo tiêu cực như việc đặc biệt, khác thường, thậm chí bất thường. Nếu tố cáo không thành công, người tố cáo còn bị xem có vấn đề, bất mãn… Ông nghĩ sao? 

Trong xã hội phổ biến tâm lý "makeno" (mặc kệ nó), vô cảm, hoặc "ngậm miệng ăn tiền", tức không động đến mình thì mình cũng không động đến. Cho nên phát hiện, tố cáo tham nhũng có khi người chịu thua thiệt nhất lại là chính người tố cáo. 

Lâu nay, dư luận luôn hiểu những người tham nhũng thường là những người có vị trí, có chức có quyền, lắm tiền, lắm tài sản. Người muốn tố cáo tham nhũng thường yếu thế, không thể chống lại một thế lực, nhóm thế lực, lợi ích có những quyền lực phong tỏa mọi tố cáo. Nên tâm lý không muốn tố cáo tham nhũng phổ biến trong xã hội. 

Chỉ khi ‘cực chẳng đã’, dường như ở cuối đường cùng sự chịu đựng, người ta mới dũng cảm đứng lên tố cáo tham nhũng, như vụ nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức, và gần đây là trạm y tế ở Quảng Nam...

Không chỉ ngành y tế, có những ngành khác có tiêu cực, tham nhũng, nhưng số người dũng cảm âm thầm tìm kiếm bằng chứng để tố cáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi họ phải lo giữ nồi cơm, manh áo của chính họ và gia đình.

Họ chả dại làm vì gương tày liếp của những người dũng cảm tố tham nhũng nhưng kết quả nhận được là sự trù dập, chuyển công tác, bị trả thù, bị uy hiếp tính mạng không chỉ bản thân mà cả gia đình, người thân bị liên lụy. Tôi được biết có những trường hợp còn bị ném chai xăng phóng hỏa vào nhà, bị xã hội đen dằn mặt, thậm chí bắt cóc con cái, người thân để trả thù….

Tôi đại diện cho cử tri, hay phát biểu ở nghị trường về chuyện chống tham nhũng, tiêu cực cũng đón nhận kết quả không dễ chịu đâu. Đã có lúc tôi nhận được khoảng hơn 500 tin nhắn, trong đó tin nhắn đồng cảm, chia lửa, thậm chí lo lắng cho mình không ít, nhưng tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo cũng không kém phần. Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi".

Bảo vệ người tố cáo

Phải chăng xã hội đã dường như mặc định cái xấu như một sự tồn tại hiển nhiên? Trong khi, lẽ thường, ngay từ khi nhỏ, mỗi người phải luôn được dạy dỗ từ gia đình, nhà trường về việc không thỏa hiệp với cái xấu. 

Đó là cốt lõi vấn đề. Đơn giản nhất, khi từ nhỏ, mỗi đứa bé phải được dạy dỗ, cái này, cái kia không phải của mình, mình tuyệt nhiên không được phép lấy. Từ mỗi cấp độ tuổi tác, bậc học, trẻ em sẽ được giáo dục sâu hơn về những giá trị giữa cái xấu và cái tốt, giữa tiêu cực và tích cực. 

Quá trình giáo dục thẩm thấu cho đến khi con người trưởng thành tự điều chỉnh được mọi hành vi, đều cấu thành trên cái nền đó. Chống tiêu cực, tham nhũng theo đó sẽ là bình thường, ai nhìn thấy điều xấu đều thấy trách nhiệm phải đấu tranh loại bỏ, chứ không phải bất thường như bây giờ. Nhưng để đạt được điều đó, cần sự phối hợp của cả 3 môi trường, trong đó quan trọng nhất là gia đình, rồi đến nhà trường, xã hội. Khi 3 môi trường vênh nhau sẽ không có hiệu quả tương tác.

Hậu tố cáo tiêu cực, tham nhũng phần lớn thường có kết quả nghiệt ngã như ông đề cập. Báo chí chưa từng tìm thấy những nhân tố chống tiêu cực có hiệu quả được cất nhắc, lên chức, khen thưởng đình đám, mà đáng buồn nhất là không ít người trở nên cực đoan, bất mãn dù vốn dĩ họ không như thế. Vấn đề xử lý hậu tố cáo tiêu cực, tham nhũng đang có vấn đề ở khâu nào, thưa ông? 

Luật, văn bản quy phạm pháp luật cho phòng, chống tham nhũng không thiếu. Điều dở nhất là tính nghiêm minh khi thực thi các quy định của pháp luật, trong đó có việc bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng. 

Không ít người tố cáo tiêu cực, tham nhũng ban đầu rất hăng hái, rất quả cảm nhưng dần dà họ nhìn quanh nhìn quẩn chỉ thấy có mình, càng ngày càng cảm thấy đơn thương độc mã. 

Trong khi đó, những người đứng trong bóng tối thôn tính lợi ích một khi thấy nguy cơ bị ảnh hưởng đến thanh danh, quyền lợi, hay nhìn thấy trước nguy cơ đối mặt với cơ quan pháp luật, phải chịu trách nhiệm hình sự, người ta sẽ không thiếu gì cách đẩy lùi nguy cơ, thậm chí thực hiện những âm mưu rất đê hèn, nhỏ mọn.

Đối với người tố cáo, ngoài sự công bằng, thưởng phạt không phải thứ họ đeo đuổi. Bằng mọi giá, phải bảo vệ lấy họ, nếu những tố cáo, tiêu cực của họ chính nghĩa, đúng đắn. Song song, phải đảm bảo sự nghiêm trị của luật pháp để ý chí của những người tố cáo tiêu cực không bị bào mòn.

Linh Thư  - Hồng Nhì

Bài sau: Tham nhũng mới chỉ diệt kiểu ‘dập tắt đám cháy’, ‘dội nước vội vàng’