Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 240 ca nhiễm Covid-19, không có người tử vong. Từ ngày 4/4, số ca mắc mới bắt đầu giảm dần, đến sáng 5/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới.

Trước đó, ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định chính thức công bố dịch trên phạm vi toàn quốc. Kể từ 0h ngày 1/4, biện pháp cách ly toàn xã hội chính thức có hiệu lực trong vòng 15 ngày.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Quốc phòng. 

Trên thế giới, chỉ tính riêng từ ngày 17/3 - 3/4, tỷ lệ tử vong toàn cầu do Covid-19 đã tăng từ 4,05% lên 5,22%. Hai tuần đầu tháng 4 được xác định là đỉnh dịch tại nhiều quốc gia.

Theo thông tin từ Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, tỷ lệ người nhiễm bệnh không có triệu chứng ở nước này chiếm tới 65%. Hà Nội cũng phát hiện nhiều trường hợp dương tính với virus nhưng không có biểu hiện lâm sàng. Dân số Thủ đô khoảng 8 triệu người, tương đương Vũ Hán và New York, nhưng chỉ có 300 máy thở, ứng tỷ lệ 1 máy thở cho 26.667 người. Sẽ là đại họa nếu xảy ra bùng dịch, theo lời Chủ tịch Hà Nội.

Theo một nghiên cứu của Bỉ, chỉ cần 10% dân số khu vực gia tăng tần suất ra ngoài trong thời gian cách ly, tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng lên tới 60% dân. Việc ở nhà trong vòng ít nhất 2 tuần, đối với cả người mang virus không có triệu chứng và những người có nguy cơ nhiễm bệnh, là giải pháp tối quan trọng.  

Chấp nhận thiệt hại kinh tế

Covid-19 và cả những nỗ lực ngăn chặn lây lan đã, đang và sẽ tiếp tục là những rủi ro lớn phủ lên bức tranh kinh tế xã hội năm 2020.

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất không một bóng người. 

Tại Việt Nam, việc dừng khai thác đường bay của các thị trường lớn, chính sách siết chặt xuất nhập khiến cho hoạt động của toàn bộ ngành hàng không gần như đóng băng. Du lịch và dịch vụ cũng trong tình trạng u ám. Chậm trễ nguyên liệu do gián đoạn nguồn cung cùng việc kiểm soát xuất nhập khẩu khiến cho ngành dệt may, da giày và linh kiện điện tử gặp khó.

Khảo sát mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, 74% DN có thể phá sản trong kịch bản dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng. Trong ngắn hạn, nền kinh tế và các ngành nghề sẽ gặp biến động, gây ảnh hưởng tới doanh thu, sản xuất và người lao động.

Để đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ cũng đã trình bày dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tổng số các khoản hỗ trợ từ ngân sách TƯ và ngân hàng chính sách xã hội là khoảng 2.6 tỷ USD, trong đó hơn 50% đến từ hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Nội dung gồm 6 phần:

Hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng trong 3 tháng cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội.

Hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Hỗ trợ 1,8 triệu/tháng trong 3 tháng cho lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giảm thu nhập.

Người sử dụng lao động được vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị nghỉ việc trong 3 tháng.

Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 đối với các hộ cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng.

Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng kể từ tháng 4 - 6 cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết, hợp đồng lao động mất việc làm. Các trường hợp đủ điều kiện hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.

Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á & Thái Bình Dương tháng 4 của Ngân hàng Thế dự báo GDP năm 2020 của Việt Nam có thể giảm còn 4,9% trong kịch bản cơ sở, so với 6,5% dự báo trước đó.

Đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế

Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới, theo thông tin từ cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research (trụ sở tại Berlin, Đức) tiến hành, với sự tham gia của 32.600 người ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Truyền thông quốc tế cũng đánh giá cao sự chủ động và hiệu quả của công tác phòng chống dịch của Việt Nam trong suốt hơn 2 tháng qua. Theo trang Deutsche Welle (Đức) và tuần báo l'Obs (Pháp), thành công của Việt Nam đạt được thông qua 4 biện pháp chính: cách ly tập trung, giám sát ở mọi cấp độ, khẩu hiệu thời chiến và hưởng ứng quy định.

Với chiến lược cách ly “nghiêm ngặt”, “tấn công” và “chi phí thấp” - mô tả của tờ Finance Times (Anh), Việt Nam đã mở rộng tìm kiếm với những người tiếp xúc với bệnh nhân qua nhiều vòng để cách ly. Người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày. Các cơ sở giáo dục đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán. Việc tập trung đông người bị cấm. Chính quyền các cấp đi đến từng nhà để vận động và giám sát nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi quân đội triển khai nhân lực và thiết bị phòng chống dịch...

{keywords}
Cộng đồng mạng ủng hộ biện pháp cách ly xã hội. Nguồn: Facebook

Những khẩu hiệu thời chiến và công tác phối hợp truyền thông đã góp phần gia tăng tinh thần dân tộc. Bộ Y tế gửi đi thông tin về dịch bệnh và các cách phòng ngừa thông qua tin nhắn. Truyền thông trong nước, với sự kết hợp của giới nghệ sĩ, đã mang tới hiệu ứng lan tỏa tinh thần lạc quan và các thông tin phòng dịch hiệu quả. Biện pháp cách ly trên diện rộng nhận được sự đồng tình và tin tưởng của người dân. Phong trào truyền thông trên mạng xã hội, như chụp ảnh gieo vần theo tên, cũng là cách để cộng đồng mạng hưởng ứng quy định của chính quyền.

Việt Nam đang trong một cuộc chiến dịch tễ. Thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến này đòi hỏi các quyết định linh hoạt cần thiết đến từ những người lãnh đạo quyết đoán, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và chính quyền các cấp, cùng với sự đồng lòng chung sức của toàn dân. 

Khánh Cường - Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Phan Thị Thân ghi
Ảnh: Nguyễn Đắc Vịnh

Cách ly xã hội: Bãi bỏ ngay việc ngăn cấm người, xe qua lại địa phương

Cách ly xã hội: Bãi bỏ ngay việc ngăn cấm người, xe qua lại địa phương

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành, địa phương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19.