Ngày 17/6, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đã lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 UNCLOS diễn ra từ ngày 13-17/6, tại New York, Hoa Kỳ, Thứ trưởng Lê Lương Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.

Trong bài phát biểu, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng trên các vùng biển được xác định theo Công ước.
Tàu Viking 2 bị Trung Quốc cắt cáp.

Đại sứ Lê Lương Minh cũng tố cáo Trung Quốc cho phép các tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc cắt và gây rối dây cáp của hai tàu thăm dò địa chấn thuộc Công ty PetroVietnam đang hoạt động trong khu vực chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông.
Đây là "những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước", vị Thứ trưởng Ngoại giao này khẳng định.

Đồng thời Đại sứ lên án và bác bỏ cái gọi là bản đồ "đường lưỡi bò" 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông khẳng định đường yêu sách này "hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển".

Đại sứ Lê Lương Minh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và thực hiên nghiêm chỉnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển UNCLOS 1982 cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.

Việt  Nam kiên trì giải quyết bất đồng Biển Đông bằng giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại giữa các bên liên quan trên cơ sở UNCLOS 1982, DOC và các công ước quốc tế khác liên quan.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhiều nước ASEAN đã phát biểu nhấn mạnh cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.

Hội nghị năm nay tập trung đánh giá hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban ranh giới thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa kéo dài, tiến hành bầu 07 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển và kiểm điểm việc triển khai Công ước.

ASEAN kêu gọi giải pháp hòa bình cho Biển Đông

Cũng tại Hội nghị này, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore đã thống nhất kêu gọi cần phải duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Tổng thư ký Ủy ban thư ký các vấn đề về biển và hàng hải Henry Bensurto kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên trên biển Đông phải tuân theo các điều khoản của tuyên bố này, đặc biệt là việc cần “kiềm chế, hạn chế các hành động có thể làm phức tạp hoặc khiến căng thẳng leo thang, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Theo TTXVN, phản ứng trước tình trạng căng thẳng gia tăng hiện nay giữa các bên liên quan đến biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene cũng đã kêu gọi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cần bình tĩnh để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

“Đây là thời điểm để bắt đầu thảo luận kỹ về COC, bước tiếp theo của Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đã được các bên liên quan ký kết cách đây 10 năm, nhằm duy trì hòa bình ở biển Đông, giải quyết tranh chấp trên cơ sở Công ước LHQ về luật biển năm 1982”, báo chí Indonesia dẫn lời ông Tene.

Theo ông Tene, những căng thẳng ở biển Đông liên quan đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á, và việc duy trì hòa bình, ổn định tại đây là lợi ích của ASEAN để đảm bảo các tuyến đường vận tải biển quan trọng hoạt động bình thường.

Theo TTXVN/ Vietnam+