Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về chủ quyền hàng hải, Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau kêu gọi tự do hàng hải và bác bỏ sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Các hãng thông tấn quốc tế đưa tin, sau cuộc hội đàm tại Washington, hai bên đã khẳng định “duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”. Hai bên nhấn mạnh: "Toàn bộ tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao hợp tác, không ép buộc hay sử dụng vũ lực”.

Tại Washington, cuộc Đối thoại về chính trị-an ninh-quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ tư đã khai mạc tối qua, 17/6 (giờ Việt Nam). Đoàn Việt Nam gồm một số quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn. Đoàn Mỹ gồm quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành khác do ông Andrew J. Shapiro, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các Vấn đề Chính trị và Quân sự, dẫn đầu.

Đối thoại về Chính trị-an ninh-quốc phòng Mỹ - Việt Nam lần thứ tư tại Washington. Ảnh: TTXVN

Tuyên bố sau cuộc hội đàm này có đoạn: "Phía Mỹ lần nữa khẳng định rằng, những sự việc gây phiền hà trong vài tháng gần đây không thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”.

Gần đây, đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới hành động của các tàu Trung Quốc ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như Philippines. Ngày 26/5 và 9/6, các tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Manila cũng cáo buộc trong năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại một diễn đàn khu vực hồi tháng 7 năm ngoái đã khẳng định rằng, Mỹ có một lợi ích quốc gia quan trọng trong tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thời gian này, Trung Quốc đã ngày càng gia tăng các hành động gây hấn trong tranh cãi chủ quyền Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và là nơi cả Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines tuyên bố chủ quyền với một phần hay toàn thể. Giữa lúc căng thẳng, Trung Quốc hôm thứ Ba nói rằng sẽ không sử dụng vũ lực tại Biển Đông và thúc giục các nước khác “làm nhiều hơn nữa vì hòa bình và ổn định khu vực”.

Tuy nhiên, hôm qua, báo chí Trung Quốc đã đưa tin về việc nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày ở Biển Đông. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, 14 tàu hải quân nước này gần đây đã tiến hành tập trận ở vùng biển gần đảo Hải Nam bao gồm cả hoạt động diễn tập chống tàu ngầm và đổ bộ vào bờ biển. Báo này cho hay, các cuộc tập trận ở Biển Đông nhằm mục tiêu “phòng thủ các đảo và bảo vệ những tuyến đường biển”. Còn Nhân dân nhật báo nói rằng, ngoài các tàu tuần tra, còn có tàu đổ bộ và tàu săn ngầm, cùng máy bay quân sự.

Trước đó một ngày, báo Ta Kung Pao của Hong Kong đưa tin, Trung Quốc đã điều động tàu Hải Tuần 31, nặng 3.000 tấn với bãi đáp trực thăng, với sứ mệnh kiểm tra các tàu nước ngoài và những cơ sở dầu khí tới khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Trong tuyên bố sau Đối thoại về chính trị-an ninh-quốc phòng, Việt Nam và Mỹ cùng thể hiện sự ủng hộ các cuộc hội đàm theo khuôn khổ một thỏa thuận năm 2002 giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN (Tuyên bố DOC). Ở thỏa thuận này, hai bên cam kết cùng làm việc cho bộ quy tắc hành xử về Biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN trong 9 năm qua đã không có nhiều tiến triển để đạt được bộ quy tắc trên. Theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc thích đàm phán song phương với từng nước kiểu như “chia để trị”.

Cũng trong tuần này, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Ông khẳng định, Mỹ cần lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này. Ông Webb và Thượng nghị sĩ James Inhofe đã đệ trình lên Thượng viện Mỹ nghị quyết lên án các hành động của Trung Quốc. Nghị quyết ủng hộ việc tiếp tục các hoạt động của lực lượng Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và thúc giục Mỹ tạo điều kiện cho một tiến trình đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Trước đó, ngày 10/6, trang web của văn phòng Thượng nghị sỹ Webb đã đăng tải thông cáo báo chí nêu rõ: “Các quan chức ở bộ ngoại giao và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho biết, vào ngày 9/6, ba tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc đã lao vào và làm hỏng cáp của một tàu thăm dò Việt Nam, tàu Viking 2, trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hành động này diễn ra tiếp theo các vụ việc tương tự ngày 26/3 ở gần Việt Nam và trong tháng 3 ở gần Philippines, cũng như các vụ việc trên biển vào năm ngoái tại quần đảo Senkaku dưới sự quản lý của Nhật Bản”.

Thông cáo nhấn mạnh: “Kiểu đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho việc tiếp cận đa phương, hòa bình hướng tới giải quyết các tranh chấp và đảm bảo sự tiếp cận cởi mở cho thương mại cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Nười phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng tuyên bố. "Chúng tôi lo lắng bởi những báo cáo gần đây về tình hình Biển Đông và tin tưởng rằng, nó chỉ làm gia tăng căng thẳng, không góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao…và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế”.

  • Thái An