- Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, đối thoại với Hoa Kỳ trên các vấn đề, lĩnh vực, trong đó có vấn đề về nhân quyền theo tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.

Chiều 5/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ David Shear nhân dịp Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại sứ Mỹ David Shear

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. 

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi, đối thoại với Hoa Kỳ trên các vấn đề, lĩnh vực, trong đó có vấn đề về nhân quyền theo tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế vì đây là lĩnh vực mà tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.

Về đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho rằng hiệp định này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời mong muốn Hoa Kỳ ủng hộ và dành sự linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam vì so với các bên tham gia đàm phán, Việt Nam còn ở trình độ phát triển thấp.

Về phần mình, Đại sứ David Shear đề xuất hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đàm phán TPP… đồng thời khẳng định, trên cương vị công tác mới, ông sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực.

Đề cập vấn đề Biển Đông, Đại sứ cho rằng một trong những nguyên nhân gốc rễ gây mất an ninh, an toàn ở Biển Đông cũng như nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh ở khu vực là đòi hỏi chủ quyền theo đường “chín đoạn” phi lý của TQ, đồng thời khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đại sứ David Shear cũng cho rằng, Việt Nam đã hết sức kiên trì cùng với các nước ASEAN yêu cầu TQ thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), cùng nhau đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). 

Hồng Nhì