Có lẽ khó để tim ra một người thứ hai trên thế giới, vị lão tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đang là biểu tượng cho bản lĩnh, khí phách, trí tuệ Việt Nam, niềm tin của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là"... gặp nhau trong vị lão tướng huyền thoại ấy. Trong "cõi người" mông lung, khi mà "thất thập" đã là "cổ lai hy", mấy ai được hưởng tuổi trời trọn vẹn. Thế mà vị lão tướng huyền thoại của ta đang  ung dung vào tuổi một trăm trọn vẹn để chúng ta hôm nay sung sướng được chúc mừng ngày sinh của ông vào 25.8.2011 này. Con người ấy đã là một chứng nhân hiếm hoi từ buổi bình minh của thế kỷ XX kéo dài sang những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai với thế kỷ XXI đầy những biến động dữ dộị trong lịch sử loài người. Là chứng nhân của lịch sử, nhà giáo dạy lịch sử ấy cũng chính là người đã góp phần viết nên lịch sử của Việt Nam và của thế giới.

Góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc ta thì rõ rồi. Nhưng góp vào những trang sử của thế giới? Sao không!

Năm ngoái, mừng ngày sinh Đại tướng tại nhà riêng, Hội sử học đã mang đến tặng một cuốn sách vừa xuất bản ở Luân Đôn, tôn vinh 59 vị tướng lừng danh qua mọi thời đại tự cổ chí kim mà người viết này đã có dịp nói đến, Võ Nguyên Giáp là vị danh tướng duy nhất còn có dịp nhận để tự đọc được tên tuổi và sự nghiệp hiển hách của mình trong cuốn sách tuyệt vời đó. Có lẽ khó để tim ra một người thứ hai trên thế giới, như anh Văn kính yêu của chúng ta, vị lão tướng huyền thoại đang là biểu tượng cho bản lĩnh, khí phách, trí tuệ Việt Nam, niềm tin của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

"Trong cõi người ta" có lẽ cũng chẳng có nơi đâu trên thế giới này từ tướng lĩnh đến chiến sĩ, các cựu chiến binh cũng như những người quen biết vị tướng huyền thoại ấy lại thích được gọi cái tên thân mật của vị Tổng Tư lệnh là anh Văn.

 
 Tháng 9/2007, ông Raymond Aubrac, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam cùng con gái Elizabeth, con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Việt Nam. Ông Aubrac cùng con gái đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 2/9/2007. Ảnh triển lãm


Liệu có ngẫu nhiên không, khi nhận sứ mệnh thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp lại lấy bí danh là Văn. Có thể là ngẫu nhiên khi người trí thức họ Võ lại được lịch sử trao cho một sự nghiệp cầm quân đánh giặc, một "võ công". Bi ẩn của lịch sử thì cũng khó mà phân bua, giãi bày cho rành rẽ. Nhưng có lẽ điều nói dưới đây, một hiện tượng lịch sử thanh thiên bạch nhật rõ ràng này thì lại pha chút huyền ảo : xin học đòi Nguyễn Du mà nói rằng, "Võ công nết đât, nhân Văn tính trời"!

Khi tác giả Truyện Kiều miêu tả nhân vật của mình "Văn chương nết đất, thông minh tính trời", thì ý mốn nói chuyện học hành thi đậu làm quan là do truyền thống gia đình, mồ mả ông cha, còn thông minh là do trời phú. Với vị lão tuóng của ta thì, tính nhân văn trong phong cách, lối sống và nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp "võ công" của mình thì "tính trời" ấy là một phẩm chất đặc trưng của một trong 59 danh tướng lừng danh của lịch sử thế giới. Nổi bật ở Ông là lòng thuơng dân, chắt chiu không để phung phí giọt máu của người lính trên chiến trường khi đấy không là chuyện chẳng đặng đừng để quyết chiến và quyết thắng. Đương nhiên ở đây tài thao lược gắn liền với bản lĩnh cầm quân. Đọc Tổng tập Hồi ký của Ông, điều ấy hiện lên rất rõ. Nhưng bàn chuyện "võ công", xin dành cho người am tường, trải nghiệm, ở đây chỉ xin đôi dòng mà người viết được chứng kiến và cảm nhận về "anh Văn".

Hình ảnh người dân công nhảy từ dưới chiến hào lên "xin bắt tay Đại tướng một cái" và nụ cười hiền hậu của vị Tư lệnh chiến trường Điện Biên phủ trên đường vào thị sát chiến trường sau khi dứt tiếng súng dừng lại vủi vẻ nói chuyện với con người bình thường đã góp phần làm nên chiến thắng đã là một hình ảnh Việt Nam tuyệt đẹp.

Bỗng nhiên, muốn gợi lại đây hình ảnh cũng của một vị danh tướng trong cuốn sách trên, Napoléon, mà Cao Huy Thuần có nói đến trong một bút ký rất hay anh vừa gửi tặng kịp lúc tôi nhập viện. Đây là hình ảnh Napoléon qua thơ Victor Hugo :

"Cùng với tuyết trời kia yên tĩnh

Dệt khăn tang hàng vạn tàn binh,

Trước tàn quân lưa thưa trên tuyết

Người vinh quang run rẩy nhìn trời

Nói gì đây một câu sám hối

"Phải chăng trừng phạt hỡi trời?"

Napoléon tên ông ai gọi

Nghe mơ hồ ai nói với ông :

Không.

Và Cao Huy Thuần bình: Trời không dung. Bởi vì thanh gươm của ông đâm vào tự do của các dân tộc. Bởi vì thanh gươm của ông đâm vào tự do. Nhưng thôi, xin trở lại với ngày vui của ta.

Người Tổng Tư lệnh thống lĩnh toàn quân ấy hiểu hơn ai hết, những người lính răm rắp theo lệnh của ông trên mọi chiến trường, tuyệt đại bộ phận là người nông dân.

Có lần đang nghỉ ở Cửa Lò, biết chúng tôi cũng đang có cuộc hội thảo tại đó, ông cho mời anh Việt Phương và tôi đến nói chuyện. Với tôi, ông muốn nghe vắn tắt những khảo sát xã hội học về nông thôn "Anh Tô có nói với tôi là đã nghe anh trình bày về Thái Bình, công việc ấy hiện đang tiếp tục ra sao", ông hỏi.. Trong câu chuyện, tôi vô tình nhắc lại "vấn đề dân cày" mà Qua Ninh và Vân Đình đặt ra từ những năm 40 dường như vẫn còn mang tính thời sự, đặc biệt là "nạn cướp đất làm đồn điền" của thời mồ ma thực dân, phong kiến nay lại đang có những biến thái mới, tinh vi hơn cũng có và trắng trợn hơn cũng có. Ông ra hiệu dừng lại :"Anh cũng có đọc quyển đó à. Tôi thì không còn kiếm đâu ra cả" [Sau đó tôi đã phôto mang đến đặt vào giá sách của ông] Và rồi ông trầm ngâm "Chúng ta đang làm quá ít cho nông dân, anh phải tiếp tục công trình nghiên cứu của anh". Nhân ông có nhắc đến, tôi thưa lại với ông lời uốn nắn của Bác Phạm Văn Đồng khi tôi phân tích về những xung đột dẫn đến bạo động tại Quỳnh Phụ dạo ấy chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chứ không có chuyện kẻ địch nào ở đây "Cũng không mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào đây cả. Phải vạch rõ đây là mâu thuẫn giữa một bên là bộ phận cầm quyền thoái hóa, biến chất tham nhũng ức hiếp dân, với một bên là người dân không thể cam chịu mãi. Có phân tích đúng như thế mới có giải pháp đúng được". Bác Tô dằn tay xuông bàn, khẳng định.

Ông nói "Có lần tôi đã đọc ý này trên một bài viết của anh, nhưng rồi sao nữa, chúng ta đã làm gì. Tôi nhận được không biết bao nhiêu thư của cựu chiến binh về đời sống của họ, về thực trạng đời sống nông thôn".

Mà đâu chỉ là mối quan tâm đến người nông dân, còn nhớ dao ông đang còn đảm nhận chức trách Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học và Giáo dục ông cho gọi tôi đến yêu cầu có một công trình nghiên cứu về chiến lươc con người. Biết sức mình không kham nổi một công việc quá lớn, tôi từ chối và giới thiệu cách làm khác, ông không vui.  "Tôi gọi anh vì biết anh đã trực tiếp tiếp thu và tích lũy được nhiều chỉ dẫn của anh Ba Duẩn trước đây về chủ đề rất quan trọng này." Tôi trả lời "Điều đó có nhưng sức tôi chưa theo kịp ý tưởng của anh Ba, chỉ mới ở dạng ghi chép thô để làm tư liệu. Muốn thành hình hài một công trình nghiên cứu còn đòi hỏi nhiều cái khác nữa mà hiện tôi chưa có được". Ông không ép và chỉ thị cho anh Huân (?) tiếp nhận những tư liệu tôi đã chuẩn bị, còn dăn nhớ trả lại cẩn thận. "Đây là vấn đề của vấn đề. Anh, cũng như những nhà khoa học xã hội khác phải dồn sức cho vấn đề lớn này, không có một chiến lược con người đúng đắn , đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, chúng ta sẽ còn tụt hậu kéo dài, không chỉ với thê giới mà ngay cả với khu vực. Phải tập hợp cho được người giỏi mà làm, nhât quyết làm".  Nhưng thưa anh, tôi chen vào, "ở đây còn chuyện "làm được và được làm" nữa ạ." Biết ông đã hiểu tôi định nói gì, tôi mạnh dạn bộc lộ "không tháo gỡ những trói buộc, o ép về tư tưởng như hiện nay trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội thì khó mà người giỏi có thể làm việc được.

Ông trầm ngâm. Tôi biết ông đang nghĩ gì nhưng chưa tiện nói ra. Thì cũng giống như dạo tháng 8 năm 2009, khi bắt tay tiễn tôi ra về, ông còn khẽ khàng "Sáu Dân mất thế mà đã một năm rồi đấy nhỉ!".Tôi hiểu có câu này vì cách đó hai năm, năm 2007 tôi được ông gọi ra để hỏi tình hình sức khỏe anh Sáu Dân, khi tôi xin phép về, ông năm tay tôi nói khẽ: "Nói Sáu Dân về nhà mà nằm".

Chao ôi, anh Văn kính yêu của tôi, trái tim tôi như bóp chặt lại, nghẹn ngào xúc động trước nỗi ưu tư và tấm lòng nhân hậu của vị lão tướng đang là biểu tượng của niềm tin và sức mạnh Việt Nam vào lúc này. Trong một bài báo gần đây, tôi viết "lời ông là lời non nước".

Khi sơn hà nguy biến, sóng biển Đông đang giận dữ dập dồn, lời non nước ấy đang được đáp ứng thế nào đây?

Tương Lai