- Không ồn ào như lúc "vỡ trận” của các đại gia bất động sản, những “cái chết” của các đại gia ôm cây tiền tỷ lặng lẽ hơn. Và phần lớn, họ phải “câm nín”… chờ thời. 

Ôm cây triệu đô, sống qua ngày bằng “hàng chợ”

Giới chơi cây phân chia thành 2 dòng: cây đẳng cấp và cây “hàng chợ”. Đẳng cấp, ấy là những “siêu cây triệu đô”, đắt xắt thành miếng. Đến mức, nếu đã lọt vào “mắt xanh” cũng sẵn sàng trả thêm một vài tỷ để độc chiếm một cây quý mà không cần phải nghĩ ngợi.

{keywords}
Thời cây cảnh tiền tỷ ế ẩm, thợ cây "xoay" sang lần hồi kiếm sống bằng cây hàng chợ.

Cây hàng chợ là dòng cây bình dân, giá cả từ vài triệu đến vài chục triệu – mức giá mà nhiều người có tý máu mê cây có thể dám bỏ tiền ra mua.

Thời kỳ đỉnh cao của những "siêu cây tiền tỷ" đã qua, các đại gia trong làng cây đang “sống qua ngày” bằng các giao dịch nhỏ lẻ như thế. Và cây hàng chợ lên ngôi. Dù không nhiều, nhưng vẫn có khách ghé mắt và dám móc ví ở thời điểm kinh tế khó khăn để chi trả cho một thú chơi tao nhã giờ đây có khi đã thành “tiêu sản”.

Ông N.B.K, một thợ cây có tiếng của làng cây Thái Bình cho hay: để có một cây cảnh thực sự đạt hàng mỹ thuật, có thứ hạng trong giới chơi cây phải mất thời gian hàng trăm năm.

Vì thế, nếu có thể “so găng”, cả Việt Nam, những cây này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, những người sở hữu chúng, đương nhiên được xếp thứ hạng, vì mua được một cây phải mất cả... đống tiền.

{keywords}
Cây cảnh - một thú chơi tinh thần tao nhã của người Việt thời kinh tế suy thoái cũng được người chơi phải "cân - đo - đong - đếm".

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, đã từng lặn lội, ăn chực nằm chờ cả năm trời để quyết “săn” một cây ưng ý, ông K. không giấu giếm: “Những người ồn ào bỏ cả chục tỷ mua một cây cảnh, hay “thét” giá triệu đô cho một cây cảnh của mình, thực sự chỉ là tự đánh bóng mình. Hơn nữa, nếu đã có cây quý, họ không bao giờ muốn bán".

Theo ông K., việc chuyển từ người này sang cho người khác, thực ra cũng chỉ là chiêu trò tự nâng giá của cây lên. Vì một nhóm cùng chơi với nhau, cứ mua đi bán lại, mà mỗi lần bán, giá mỗi cây cũng được nâng lên vài tỷ đồng. Vô hình chung, người ta bị giá ảo đánh lạc hướng, và đương nhiên, giá trị của cây sẽ được chốt ở mức giá giao dịch cuối cùng.

{keywords}
Nhiều nhà vườn đã... tăng gia ngay trong những bồn cây cảnh.

Ông K. đưa ra minh chứng: cây sanh khủng của một đại gia ngoài Bắc trong giai đoạn khó khăn, suy thoái kinh tế này vẫn có người bỏ ra cả chục tỷ để mua về chơi. Nhưng, người ngoài cuộc làm sao biết được, 2 ông này là bạn của nhau. Họ phải làm chiêu trò để mua, thực chất là cho nhau... mượn.

Chiêu trò này ít nhiều cũng đã làm nhúc nhắc thị trường cây vốn dĩ đã đóng băng vài năm trở lại đây.

Rất nhiều thợ cây trước kia chỉ “ăn” hàng độc, cây thế tiền tỷ, giờ chuyển sang cây hàng chợ để lần hồi kiếm sống.

“Các làng nghề cây cảnh, giờ phải chuyển sang hàng “ăn xổi”, nghĩa là cây hàng loạt rồi đổ mối ra các chợ quê, hay đưa lên chợ cây ở các thành phố bán kiếm lời” – ông K. nói.

Làng chơi “méo mặt” vì ôm cây tiền tỷ

“Cơn bão” cây cảnh khoảng năm 2010 đã làm đổi đời nhiều “tiểu thương” nông dân, nhưng khi nó “càn quét” qua, không ít gia đình bị phá sản, trở thành những con nợ bạc tỷ.

Đỉnh cao của “cơn bão” ấy, có thời điểm, một ngày, thợ cây vác cả bao tải tiền đi lùng cây, giá cả không bao giờ hỏi!

{keywords}
Kinh tế khó khăn, cây cảnh trở thành món hàng xa xỉ!

Anh Nguyễn Văn Cai (một người dân tỉnh Thái Bình) làm nghề buôn gạo, không biết gì về cây cảnh. Nhưng anh cũng dám “xuống” gần 20 triệu đồng để mua về ba gốc sanh khá nhiều năm tuổi.

Vận may đến với anh ngay sau đó. Khoảng tháng 10/2010, một nhóm thợ cây đi xe tải to vào làng tìm đến tận nhà hỏi mua cây. Anh Cai chưa khỏi ngỡ ngàng, nhóm người lạ hỏi giá và “chồng” luôn cho anh cả cọc tiền 80 triệu ba gốc cây mà anh mua chưa đầy hai chục triệu vài ngày trước.

Không tin vào mắt mình, nhưng đám thợ cây đã ào ào đếm tiền, rồi đưa xe kéo chở cây ra xe tải to đang đỗ ngay đầu làng.

{keywords}
Những siêu cây đình đám một thời, giờ ngày càng trở nên "kín tiếng".

Sau này anh được biết, đám thợ buôn kia người Nam Định, họ mua cây về xuất cho tiểu thương Trung Quốc, số lượng không hạn chế, và giá cả “cứ mua một lãi mười”.

Nhiều người làng anh Cai cũng vớ bẫm. Một vài người chơi cây cùng làng với anh khá khôn ngoan đã tìm cách “đẩy” hết đám cây trồng ở bờ rào, ngóc ngách trong nhà… cũng kiếm cả bạc tỷ.

Tuy nhiên, nhiều người cười nhưng cũng chẳng ít kẻ khóc. T. – một thợ cây có tiếng trong làng cây cảnh Thái Bình, Nam Định. Giới chơi cây, phàm những người mê cây, rất khó “cưỡng” lại với những cây cảnh đẹp, tiềm năng. Và T. cũng không ngoại lệ.

Giắt lưng vài trăm triệu làm vốn. Gặp dịp cây xuất đi Trung Quốc lên cơn sốt, chỉ trong vòng chục ngày, T. đã cầm trong tay chục tỷ tiền lãi. Có vốn, T. “bành trướng” đi “thôn tính” những cây cảnh có số má trong làng cây.

Thời điểm đó, T. đã vác cả… bao tải tiền đi mua cây, gặp cây đẹp, chủ nhà ra giá bao nhiêu nhận luôn mà không bao giờ mặc cả. Đến nỗi, bán cây xong, dù đã ôm cả cục tiền lãi, chủ cây vẫn ấm ức làm như là mình bị… bán hớ.

Giá cây cảnh thời điểm đó mỗi ngày mỗi lên. T đi gom cây và quyết “ôm” một cục, chờ giá cây lên ngất ngưởng rồi mới xuất. Tính sơ sơ, nhà T. thời điểm đó, tiền vốn đi mua cây về găm đã lên đến vài chục tỷ. Trong số đó, gần một nửa T. đi vay mượn lấy vốn làm ăn…

Nhưng rồi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng dãy container bị “ách” lại cửa khẩu không thông quan được. Lý do: bên Trung Quốc ngừng mua.

Đau đớn, T. ôm vài chục tỷ tiền cây mà không hẹn ngày nào mới lấy lại vốn.

Không có chỗ để cây, khi xã chủ trương “dồn điền đổi thửa” và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, T. dồn toàn bộ ruộng đất chia theo khẩu của anh chị, con cái trong nhà được gần ba mẫu, chuyển đổi sang đất trang trại, V.A.C để có chỗ… để cây.

Để có tiền trả nợ, vợ chồng T. bán hết nhà cửa, tài sản, máy móc… sắm được thời kỳ “ăn nên làm ra”, đồng thời chuyển qua mô hình nuôi vịt đẻ, ấp trứng lộn bán cho các nhà hàng… lần hồi kiếm sống qua ngày…

Thái Bình

Bài tiếp: Khi siêu cây… chết cùng bất động sản