- Bị cáo bị bắt tạm giam từ năm 2003, sau hơn 10 năm, sau hai lần cấp phúc thẩm tuyên hủy án, yêu cầu điều tra lại theo thủ tục chung. Đến ngày 21/1, TAND TP Hà Nội thêm một lần nữa trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Ngày 21/1, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đào Ngọc Tỉnh (SN 1949, ở Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 133 BLHS năm 1985.

Trong cáo buộc gần đây nhất, thời gian từ 21/10/1994 đến 6/7/1996, với chức trách là Kế toán trưởng, ông Tỉnh đã 5 lần nhận tiền từ ngân hàng về nhưng không nhập ngay vào quỹ công ty và nhiều lần vay tiền từ quỹ để tự ý chi tiêu vào việc gì thủ quỹ không được biết. Tổng số tiền nợ tính đến ngày 6/7/1996 là gần 700 triệu đồng.

Cáo trạng cho rằng, là kế toán trưởng của doanh nghiệp Nhà nước, ông Tỉnh phải chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động tài chính của cty theo đúng quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, ông Tỉnh đã thực hiện các hành vi nhận tiền nhiều lần từ ngân hàng, đơn vị và cá nhân nhưng không nhập quỹ, sau đó chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập khống chứng từ nhập quỹ để hợp thức hóa việc sử dụng tiền của công ty; tự ý lấy tiền từ quỹ chi tiêu không qua trình tự theo quy định rất nhiều lần và trong thời gian dài.

Ngoài ra, ông Tỉnh đã chỉ đạo lập chứng từ chi khống, sau đó thanh toán khống; lập khống chứng từ thu tiền để hợp thức hóa cho phiếu chi khống trên sổ sách để tất toán khoản tiền hơn 600 triệu đồng ra khỏi công ty mà Tỉnh đã sử dụng, không chứng minh được đã sử dụng vào việc gì của công ty...

Trước đó, vụ án trên đã được đưa ra xét xử nhiều lần. Tại các bản án sơ thẩm, ông Tỉnh đều bị kết án “tham ô tài sản”, bị tuyên phạt 17 năm (sơ thẩm lần 1) và 15 năm (sơ thẩm lần 2).

Sau mỗi lần bị kết án, ông Tỉnh lại làm đơn kháng án và tòa phúc thẩm đều ra quyết định “hủy bản án sơ thẩm về phần quyết định tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự của bị cáo Đào Ngọc Tỉnh”.

Hai lần TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đều bị tòa phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ, buộc cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại.

Nhưng 10 năm điều tra, chứng cứ buộc tội bị cáo Đào Ngọc Tỉnh hầu như không có thêm  gì mới, ngoài 4 trang photo sổ tay của thủ quỹ và các phiếu chi, tạm ứng cũng như lời khai về việc nâng khống khối lượng dây lưỡng kim thi công cho các thang mục của dự án.

Bản án phúc thẩm số 674/2007/HSPT ngày 3/8/2007 nêu: Trong các phiên tòa, ông Tỉnh một mực kêu oan và cho rằng cấp sơ thẩm căn cứ hai tờ photo 4 trang sổ tay của chị Hòa (quản lý quỹ công ty) để buộc bị cáo đã chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng do chị Hòa tự ghi là không có căn cứ.

Số liệu chị Hòa ghi nợ hơn 600 triệu đồng và phần ghi trả lời bằng các phiếu chi bị cáo không hề biết và không hề ký nhận, nhưng bản án sơ thẩm nhận định bị cáo đã ký xác nhận nợ đến ngày 6/7/1996 số tiền 696.914.000 đồng là không đúng.

Còn trong bản án phúc thẩm số 462/2011/SHPT ngày 5/8/2011 nêu: Kiểm sát viên tại tòa kết luận- chưa đủ cơ sở quy kết ông Tỉnh chiếm đoạt số tiền hơn 600 triệu đồng nên đề nghị hủy án sơ thẩm điều tra lại.

Các luật sư của bị cáo đồng tình với kết luận của kiểm sát viên và nêu một số vấn đề nhằm chứng minh rằng- không đủ căn cứ kết tội ông Tỉnh, đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội, hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án.

HĐXX cấp phúc thẩm hồi tháng 8/2011 cho rằng, không đủ cơ sở chắc chắn quy kết ông Tỉnh phạm tội Tham ô như tòa cấp sơ thẩm xác định.

Tại phiên tòa phúc thẩm không thể làm rõ các vấn đề còn mâu thuẫn, các chứng cứ chưa đầy đủ, do đó đã ra quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 2/7/2010 của TAND TP Hà Nội, chuyển vụ án cho VKSND TP Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung.

Sau khi bị điều tra lại, ngày 21/1/2015, thêm một lần nữa ông Tỉnh bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử tội Tham ô. Phiên tòa lần này đã bị hoãn, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề liên quan.

  • T.Nhung