Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu vừa gửi kiến nghị lên tân Bí thư Đinh La Thăng liên quan đến vụ án xảy ra cách đây gần 3 năm.

Ngày 17/2, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, luật sư Hoàng Long Hà gửi kiến nghị lên Tân Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng liên quan đến vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ xảy ra vào năm 2013.

Liên quan đến vụ việc ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết bị cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM khởi tố, truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, đã có rất nhiều phân tích, đánh giá dưới góc độ khoa học pháp lý và thực tiễn của các cơ quan, các viện nghiên cứu, trường đại học luật, các tổ chức, cá nhân…

{keywords}

Một ca nô do Công ty Việt Séc sản xuất

Tất cả đều thống nhất quan điểm cho rằng: Đây là vụ án oan, vì không có bằng chứng cho thấy mối liên hệ nhân quản giữa hành vi của ông Đảo và ông Quyết với hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra trong vụ án.

Trước đó, TAND TP.HCM sau khi nghiên cứu hồ sơ cũng đã có văn bản (trả hồ sơ) gửi VKS Nhân dân TP.HCM khẳng định: Trong các nguyên nhân mà cáo trạng viện dẫn, không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không đảm bảo an toàn”.

Theo luật sư Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do xuất phát từ tư tưởng nóng vội và nhận thức pháp luật không đúng, cơ quan điều tra và VKS Nhân dân TP.HCM đã vội vàng khởi tố, tạm giam và truy tố oan cho hai giám đốc công ty.

Hậu quả của vụ án có dấu hiệu oan sai này rất lớn, đã làm cho công ty bị đình trệ sản xuất, đời sống của hàng trăm công nhân bị ảnh hưởng nặng nề…

Hậu quả sẽ còn đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa nếu như vụ án này không sớm được minh oan. Nếu các công ty này lâm vào tình trạng bị phá sản thì hàng trăm người lao động có thể dẫn đến mất việc làm…

“Điều quan trọng hơn, là lòng tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội, lòng tin vào các cơ quan pháp luật sẽ như thế nào?”, ông Hoàng Long Hà đặt vấn đề.

Thời gian tố tụng vụ án đã sang năm thứ 3, nhưng cơ quan điều tra vẫn không thể ra quyết định phục hồi điều tra, và VKS Nhân dân TP.HCM cũng không thể chuyển giao hồ sơ vụ án cho tòa án xét xử. Điều đó cho thấy thực sự không thể có căn cứ pháp lý nào để VKS truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết ra trước tòa.

Thế nhưng, các cơ quan tố tụng này cũng không chịu ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, làm cho hai đảng viên này đã gần 3 năm vẫn phải vướng vòng tố tụng, không biết khi nào họ mới được phục hồi danh dự và các quyền công dân.

“Vụ Dân nguyện Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản yêu cầu khẩn trương giải quyết và báo cáo kết quả, song tất cả đều chìm vào im lặng? Chẳng lẽ không có cơ quan nào, không có ai có thể chỉ đạo, yêu cầu cơ quan tố tụng TP.HCM giải quyết vụ án được nữa”, ông Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư đặt câu hỏi.

Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó, luật sư Vũ Văn Đảo là thành viên của đoàn luật sư này, ông Hà mong rằng, với trọng trách là tân Bí thư TP.HCM, ông Đinh La Thăng sẽ sớm có những chỉ đạo đúng đắn, cứng rắn trong giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật.

Như vậy, đây là lần thứ 2, Đoàn luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu gửi kiến nghị liên quan đến vụ án này.

Diễn biến vụ án:

- Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người bị tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.

Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

- Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai.

Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.

- Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

- Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

- Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.

- Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.

Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.

- Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định đình tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định.

- Ngày 9/10/2015, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra ý kiến, quan điểm của vụ án và đề nghị cơ quan tố tụng TP.HCM đình chỉ vụ án.

Theo VOV