- Khoảng 60 điều tra viên từ cấp Bộ đến tỉnh, huyện đang bám trụ tại khu vực rừng núi giáp biên. Suốt gần nửa tháng, nhiều phương án đã được triển khai, nhưng kẻ thủ ác vẫn chưa sa lưới.

60 điều tra viên vào cuộc vụ thảm sát chấn động xứ Nghệ

Lãnh đạo Cục C45 cho biết, các điều tra viên vẫn đang nỗ lực phá án. Công an Nghệ An và lực lượng biên phòng cũng được tăng viện để phối hợp điều tra.

Máu đổ bên mâm cơm

2 tuần sau vụ thảm sát, bản làng người Tày Poọng ở xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Trước mỗi căn nhà lợp gỗ ven sườn đồi hay bên khe suối, vẫn luôn có những nhóm người tụm lại, xuýt xoa, ánh mắt hằn lên vẻ ám ảnh. Suốt nửa tháng qua, trong mỗi bữa ăn, lúc tắm giặt hay lên rẫy, bà con bản Phồng vẫn rùng mình nhắc lại câu chuyện.

{keywords}
Ông Lo Văn Bình, người duy nhất còn sống trong gia đình xấu số.

Anh Vi Văn Hoài (SN 1969), người đầu tiên phát hiện sự việc kinh hoàng bên bờ suối Cát Tả cho biết, những ngày qua, anh liên tục tiếp chuyện các lực lượng chức năng, phóng viên báo chí và người dân, kể lại chi tiết thời điểm nhìn thấy các thi thể trên rẫy.

“3 giờ chiều hôm đó, tôi cùng con trai đến thả lưới ở suối Cát Tả dưới chân đồi thì nhìn thấy một người phụ nữ không mặc áo, địu một đứa con nổi trên mặt nước. Cả hai đều đã chết. Bố con tôi hoảng quá chạy một đoạn lại thấy xác người phụ nữ khác ven bờ.

Lúc này chúng tôi như thất kinh, rụng rời hết chân tay. Thế là con chạy trước, cha chạy sau, chúng tôi cố gắng băng qua quả đồi để về bản. Giữa đường thì gặp bà An, nhờ bà gọi về nhưng không có sóng điện thoại. Bà An chạy lên đồi thì gặp anh Tư cùng bản đang phát rẫy, rồi kêu anh Tư chạy lên chỗ cao hứng sóng gọi về”, anh Hoài kể.

{keywords}
Một góc trung tâm bản Phồng, đây là bản khó khăn nhất của xã biên giới Tam Hợp.

Nhận hung tin, cả bản Phồng xôn xao, nơm nớp lo lắng. Ông Lo Văn Bình (người sống sót duy nhất trong gia đình xấu số) chồm ra khỏi nhà, lao theo con đường mòn để chạy vào rừng nhưng dân bản đã giữ lại.

Ông ngã khuỵu, quỳ gối xuống đất khóc than!

Anh Vi Tuấn Anh (họ hàng xa với gia đình nạn nhân) cho biết, lúc nhận tin, anh cùng ít người khác chạy ngay vào khe suối, đến khu vực lán rẫy.

Khi vào lán anh Thọ, anh còn thấy một mâm cơm đã dọn sẵn nhưng họ chưa kịp ăn. Thi thể anh Thọ nằm sát dưới chân lán.

“Xót xa quá! Trời đánh còn tránh bữa ăn nữa mà! Tôi đoán họ vừa đi rẫy về, anh Thọ đang chuẩn bị cơm cho cả nhà ăn nhưng chưa kịp thì đã bị giết cả”, Vi Tuấn Anh nghẹn ngào.

Bí ẩn động cơ gây án

Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 60 cán bộ điều tra thuộc Cục C45, Phòng PC45 CA Nghệ An và CA huyện Tương Dương tham gia truy tìm kẻ thủ ác.

Ngoài ra còn có thêm lực lượng biên phòng, công an xã Tam Hợp cũng được điều động hỗ trợ.

Các điều tra viên phá án trong điều kiện vô cùng khó khăn. Bản Phồng thuộc vùng giáp biên, giao thông cách trở, sóng điện thoại chập chờn.

Hiện trường vụ án mạng cách xa khu dân cư, các thi thể được xác định đã chết khá lâu từ trước khi được phát hiện nên không còn nhiều dấu vết của hung thủ.

{keywords}
Đường vào hiện trường rất khó khăn, các bộ điều tra phải lập lán dã chiến để bám trụ

Thượng tá Hoàng Trọng Năm, Phó trưởng CA huyện Tương Dương cho hay, nhóm điều tra công an huyện do trung tá Trần Phúc Tú, phó trưởng CA huyện chỉ đạo có mặt từ giây phút đầu tiên, đến nay anh em vẫn đang bám trụ trong rừng.

Điện thoại trung tá Tú luôn trong tình trạng không liên lạc được do mất sóng.

“Báo đài, người dân địa phương và dư luận đều sốt ruột muốn biết thông tin hàng giờ, nhưng các lực lượng vẫn đang trong quá trình điều tra”, thượng tá Năm chia sẻ.

Hiện các điều tra viên đã mượn tạm một nhà dân để lập ‘lán dã chiến’, làm nơi ở tạm thời gian này.

Theo thông tin từ một điều tra viên, vụ thảm sát này đang có nhiều tình tiết phức tạp. Động cơ gây án của hung thủ vẫn chưa xác định rõ. Gia đình nạn nhân vốn là người dân bản, nghèo nàn và chẳng có tài sản gì đáng giá, họ cũng hầu như không có mâu thuẫn với ai.

Theo một nguồn tin khác, dường như hung thủ đã hạ sát anh Lo Văn Thọ đầu tiên. Thi thể anh Thọ được phát hiện cạnh lán, với một mâm cơm dọn sẵn.

Có thể lúc xảy ra án mạng, anh Thọ vừa chuẩn bị xong bữa cơm trưa, đang đợi mẹ và vợ về dùng bữa. Chị Yến (vợ Thọ) và bà Viêng Thị Chương (mẹ ruột) trên đường làm rẫy về đến gần lán thì bị giết.

Nhiều người dân tại bản Phồng cung cấp một thông tin đáng lưu ý. Trước thời điểm phát hiện vụ việc, có một nhóm người lạ với giọng nói địa phương khác xuất hiện tại bản mua lương thực rồi đi vào rừng.

Trước đó, thông tin ban đầu cho rằng một thiếu nữ địa phương lúc ra suối lấy nước cũng nhìn thấy nhóm người lạ này.

Người dân cho biết thêm, chị Yến và anh Thọ sống chung và có với nhau một mặt con nhưng cả hai chưa có hôn thú. Đặc biệt, chị Yến từng có quan hệ tình cảm với 2 người đàn ông khác.

Trong đó, một người bị nghiện nặng và đang ngồi tù vì mua bán ma túy. Người khác vốn là dân bản địa nhưng đang làm ăn ở miền Nam.

Cao Thái