- Trao đổi với báo giới bên hành lang QH sáng 5/11, ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho rằng, trường hợp oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là cá biệt.

Theo ông Nghĩa, khi người ta bị bức cung, ép cung thường dễ dẫn đến các trường hợp không có tội nhưng cứ nhận có tội để qua giai đoạn điều tra, thẩm vấn.

“Chừng nào còn ép cung, bức cung, chừng nào nguyên tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một các triệt để, chừng nào quyền có người bào chữa của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ không được bảo đảm đúng như luật định, chừng ấy vẫn còn những trường hợp như ông Chấn”, luật sư Nghĩa nhận định.

{keywords}

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Quyền có luật sư trong nhiều trường hợp không được bảo đảm, chưa kể có định kiến với bị can, bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho hay, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được thể hiện trong hệ thống luật pháp của Việt Nam, trong Hiến pháp và trong bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, lâu nay nguyên tắc này không được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh.

“Pháp luật quy định đầy đủ đến mức người bị tạm giữ đã có quyền có luật sư trong vòng 24 giờ đồng hồ, tạm giam trong vòng 3 ngày là có quyền có luật sư. Nhưng hiện nay, quyền này trong nhiều trường hợp không được bảo đảm, chưa kể là có định kiến, thành kiến đối với bị can, bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội”, ông Nghĩa nói.

Chính vì nguyên nhân trên, ông Nghĩa cho rằng, thời gian qua đã xảy ra tình trạng bức cung, ép cung dẫn đến sai lầm.

“Chỉ cần làm đúng luật pháp hiện nay thôi, tạo điều kiện đảm bảo đúng quyền có luật sư bào chữa của bị can, bị cáo và người bị tạm giam, tạm giữ và xử lý đúng theo nguyên tắc họ phải được coi là người không có tội cho đến khi bản án có hiệu lực của tòa án, sẽ hạn chế được rất nhiều oan sai”, luật sư Nghĩa khẳng định.

Về việc truy cứu trách nhiệm trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Nghĩa thừa nhận phải xem lại, bởi hiện nay chưa có căn cứ để quy trách nhiệm, nguyên nhân do yếu kém về nghiệp vụ hay do điều kiện khách quan lúc xét xử vụ án 10 năm trước.

“Ví dụ, điều kiện giám định chưa có hay nguyên nhân thiên vị, tiêu cực… Cần tìm ra nguyên nhân ấy, lúc đó mới có biện pháp xét xử một cách hợp lý được”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, nếu là lỗi của cơ quan điều tra thì bên Công an sẽ kiểm điểm. Nếu lỗi ở công tố thì Viện kiểm sát sẽ kiểm điểm. Cuối cùng, nếu lỗi do Tòa án thì Tòa án sẽ kiểm điểm.

“Lần này, vụ án làm chấn động dư luận như thế, tôi nghĩ các cơ quan sẽ xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng quan trọng nhất, bao giờ cũng có tỷ lệ sai sót về nghiệp vụ trong tố tụng, trong điều tra và trong khởi tố, thậm chí ở mọi quốc gia. Vì thế, có sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đi chăng nữa, quan trọng nhất là sai phạm, oan sai phải ở một tỷ lệ thấp và chấp nhận được. Oan sai đó phải vì nguyên nhân nghiệp vụ chứ không phải vì những nguyên nhân tiêu cực, tham nhũng, coi thường các quyền của công dân”, ông Nghĩa nói.

Tá Lâm (ghi)