Báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực,hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bức tranh quê đã có nhiều thay đổi, đặc biệt, nông thôn mới đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn. 

Theo bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau 10 năm xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng đã có những đột phá lớn.

Cùng với đường giao thông thôn nông thôn, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được các địa phương đặc biệt chú trọng, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng trường mới đồng bộ, bổ sung các phòng học và phòng chức năng, tăng cường trang thiết bị dạy học, thư viện, khu rèn luyện thể lực/kỹ năng, nhà vệ sinh, cải thiện cảnh quan sự phạm xanh- sạch – đẹp, các phòng bộ môn từng bước được trang thiết bị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, đảm bảo mỗi xã có đủ 03 trường: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; nâng cao chất lượng… 

Trong đó, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để đầu tư mới hệ thống trường học theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ đáp ứng các yêu cầu mới của giáo dục.

{keywords}
Xây dựng các điểm trường mầm non, tiểu học... ở những vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa được đặc biệt chú trọng trong NTM (ảnh: LAD)

Đặc biệt, những địa phương ở vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa được ưu tiên xây dựng các điểm trường mầm non, điểm trường tiểu học tạo thuận lợi cho trẻ được đi học, giảm tình trạng học sinh bỏ học. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cho rằng, nhờ huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là sự đóng góp của người dân (ngày công, hiến đất, tiền, trang thiết bị…) mà tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng nhanh trong 10 năm vừa qua.

Đến nay, cả nước đã có trên 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã, trong đó, 71% đạt chuẩn. 

Đối với hoạt động thể thao, hiện có trên 70% số xã đã dành quỹ đất cho thể dục thể thao, trong đó có 7.380 sân bóng đá 11 người, 14.866 sân bóng đa mini, 10.101 phòng tập, 766 hồ bơi hoặc bể bơi đơn giản, 997 bể bơi dưới 25m, 1.510 bể bơi lắp ghép.  

Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ xã có nhà văn hóa xã đạt cao là: Sóc Trăng, Hải Phòng; Thái Bình; Vĩnh Phúc; Tây Ninh; Tuyên Quang; khoảng 64% số xã có sân thể thao xã. 

Không chỉ phát triển ở cấp xã, các điểm văn hóa, thể thao còn được xây dựng ở cấp thôn. Cả nước có trên 72,952 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao thôn (chiếm khoảng 79,2%), trong đó, có 65% đạt chuẩn. 

Tỷ lệ thiết chế văn hóa thể thao ở các vùng miền như sau: Vùng đồng bằng sông Hồng (cấp xã 87,7%, cấp thôn 66%); Bắc Trung Bộ (cấp xã 90,7%, cấp thôn 88,7%); Miền núi phía Bắc (cấp xã 62,5%, cấp thôn bản 72,1%); Duyên Hải Miền trung (cấp xã 71,7%, cấp thôn 87,3%); Tây Nguyên (cấp xã 55,9%, cấp thôn 68,4%); Đông Nam Bộ (cấp xã 91,9%, cấp thôn 98,4%); Đồng Bằng sông cửu Long (cấp xã 84,9%, cấp thôn 93%). 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ các thiết chế văn hóa thể thao trên, nhiều địa phương đã phát huy khai thác hiệu quả, đa dạng hóa các hoạt động để phục vụ và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện thân thể của các tầng lớp nhân dân, như: Họp Chi bộ, các đoàn thể quán triệt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, phổ biến khoa học kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục về đạo đức lối sống; triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ an ninh, trật tự, cũng là nơi tổ chức các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hoá, câu lạc bộ cùng sở thích… 

Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 6.026 xã (67,7%) đạt tiêu chí Trường học; 5.846 xã (65,6%) đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; 6.883 xã (77,3%) đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư,…, ông Cường thông tin.

Thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở các xã dưới 10 tiêu chí theo nội dung của Đề án 1385/QĐ-TTg, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Bài: Đỗ Thị Thanh Bình - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV