Cần phát triển thị trường lao động hiện đại tại nông thôn

Tại hội thảo Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 5/10, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, tư vấn giáo dục nghề nghiệp và An sinh xã hội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam đánh giá, giai đoạn 10 năm qua, chuyển dịch cơ cấu rất chậm chạp, khu vực nông nghiệp vẫn chiếm trên 50% tổng số việc làm nông thôn. Thị trường lao động nông thôn có xu hướng bị già hóa do lao động di chuyển từ khu vực nông thôn ra đô thị.

Do vậy, cần phát triển thị trường lao động hiện đại, tăng cường quản trị thị trường lao động, hệ thống thông tin để hỗ trợ lao động di chuyển lịch hoạt và có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường chính sách đào tạo nghề cho khu vực nông thôn, đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp - nhà trường - thanh niên nông thôn.

{keywords}
Thị trường lao động nông thôn có xu hướng bị già hóa do lao động di chuyển từ khu vực nông thôn ra đô thị.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương phân tích, trước hết khu vực này phải tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng của lao động, đặc biệt là kỹ năng quản lý và trình độ kỹ thuật bậc cao, các biện pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục và đào tạo cho lao động nông thôn.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống đào tạo dài hạn cho lao động nông thôn, tăng cường hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho khu vực nông thôn; tăng cường liên kết giữa người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng tốt hơn các ngành nghề mới và các ứng dụng công nghệ mới.

Lao động nông nghiệp đang giảm nhanh

Trong một hội thảo mới đây, TS Đào Quang Vinh - viện trưởng Viện Khoa học, lao động và xã hội cho hay, nhìn vào số liệu thống kê 5 năm qua, kể từ khi có bản tin cập nhật thị trường lao động (quý 1-2014) thì thấy lực lượng lao động tính đến hết quý 2/2019 đã tăng thêm hơn 2 triệu người, đạt trên 55,6 triệu lao động. Tức là mỗi năm chỉ tăng 400.000 người.

Nhưng đáng mừng là sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Nếu so sánh từng quý thì thấy sự dịch chuyển lao động quá chậm, nhưng nếu nhìn cả 5 năm (20 quý) thì thấy lực lượng lao động đã, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực. Lực lượng lao động nông nghiệp đã giảm 9%, và bên cạnh đó lực lượng làm công hưởng lương tăng 9%...

Theo ông Vinh, tốc độ giảm như vậy chưa phải là cao, vì mục tiêu của ta trong 5 năm 2015 - 2020 là mỗi năm giảm 3%, để đến 2020 lực lượng lao động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30% tổng số lực lượng lao động.

Ông dẫn chứng, tỉ lệ lao động làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên tổng số việc làm hiện chiếm 38%, so với đầu năm 2014 đã giảm được khoảng 9% (quý 1-2014, tỉ lệ này là gần 47%). Tức trong 5 năm qua, mỗi năm bình quân giảm chưa đến 2%.

Tuy nhiên, ông Vinh thấy mừng vì tốc độ giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp những năm sau càng nhanh, những năm đầu giảm chỉ 1-2% nhưng một hai năm trở lại đây, tốc độ giảm đã trên dưới 3%/năm. Với tốc độ này, có thể đến năm 2020 tỉ lệ lao động nông nghiệp sẽ giảm chỉ còn trên 30% một chút...

Với những khó khăn như vậy, chắc chắn đến năm 2020, mục tiêu giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 30% là khó đạt.

Nếu muốn mục tiêu này nhanh đạt cần phải thay đổi chiến lược đầu tư, phải tăng cơ cấu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Cần có chính sách thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển nhanh, mạnh các loại hình công nghiệp, dịch vụ.

Điều quan trọng nữa là phải phát triển mạnh công tác đào tạo nghề, giúp người dân chuyển đổi công việc từ việc nông nghiệp sang việc làm phi nông nghiệp. Phải hỗ trợ để người dân cũng có thể tự chuyển đổi, lập các doanh nghiệp, dịch vụ để tự tạo việc làm, tự chuyển đổi. Chỉ có bằng các cách đó mới có thể giảm nhanh tỉ lệ lao động trong nông nghiệp.

Bài: Nguyễn Kiên Trung - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV