Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng.

Điển hình, mô hình trồng rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận). Với diện tích 3.000m2, ông Thanh trồng trên 6 loại rau xà lách các loại theo tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng rau được thu hoạch đóng gói tại nhà lưới xuất bán khoảng 180-250kg/ngày và giải quyết việc làm thường xuyên từ 10-15 lao động.

{keywords}
Xây dựng NTM: Châu Thành tập trung vào các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh

Sau khi trồng thử nghiệm 4 công mang lại hiệu quả, ông La Tráng Kiện (ngụ ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành)đã nhân rộng mô hình trồng đậu nành rau lên 5,2ha và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco). Nếu được công ty thu mua từ 10.500-10.750 đồng (tại nhà máy), sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 40 triệu đồng/ha.

Ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, nấm trồng còn được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Có những hộ gia đình thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng và giải quyết việc làm trên 100 lao động.

Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, huyện Châu Thành tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện…

Bài: Đàm Xuân An - nhóm PV
Ảnh: Lê Văn Lệ - nhóm PV