Các mô hình liên kết xuất hiện

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Trị, tính đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh Quảng Trị có 52/117 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 52 xã so với năm 2010. Trong đó, huyện Hải Lăng có 9/10 xã, Triệu Phong có 6/18 xã, Gio Linh có 8/18 xã, Vĩnh Linh có 15/19 xã, Cam Lộ có 8/8 xã, Hướng Hóa 5/20 xã. Bình quân tiêu chí/xã đạt 15,07 tiêu chí, tăng 11,47 tiêu chí so với năm 2010.

Dự kiến, đến hết năm 2019 sẽ có thêm 6-8 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 58-60 xã, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trước 1 năm.

Lãnh đạo Tỉnh Quảng Trị đánh giá, sau gần 10 thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở tỉnh này đã được đổi mới, khang trang, sạch đẹp. Các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang được hỗ trợ tốt, phục vụ sản xuất  sinh hoạt của người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nang cao, ,ôi trường nông thôn được bảo vệ. Đồng thời, hệ thống tổ chức chính trị xã hội nông thôn ngày càng vững mạnh, an ninh trật tự ngày càng đảm bảo với số xã đạt tiêu chí này là 105/117 xã.

Đáng chú ý, trong gần 10 năm qua, kinh tế nông thôn Quảng Trị có bước chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó nông nghiệp phát triển ổn định và toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

{keywords}
Bức tranh nông nghiệp Quảng Trị có nhiều đổi thay, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị xuất hiện ngày càng nhiều (ảnh: Lê Anh Dũng)

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nông lâm ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,7%, giai đoạn 2016-2019 là 3,83%.

Nông nghiệp của tỉnh tập trung chuyển đổi sang sản xuất theo hướng chú trọng chất lượng và giá trị, từng nước xây dựng thương hiệu địa phương và tiến đến xây dựng nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn. Ví như mô hình liên kết trồng chanh leo với công ty Nafood, mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ với công ty Ong Biển - Đại Nam, mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao tại Cam Lộ và Triệu Phong, trồng dưa lưới và nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Gio Linh.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2018, mức thu nhập ở khu vực nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2010. Hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn cuối năm giảm còn 12,03%.

Chung sức xây dựng miền quê đáng sống

Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM, ông Hà Sỹ Đồng Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị  cho biết, xuất phát điểm thấp và muôn vàn khó khăn, thế nhưng chỉ sau 10 năm triển khai xây dựng Chương trình NTM, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đổi thay đáng kể và gặt hái khá nhiều thành công.

Đạt được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng lòng, đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, qua đó tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực ủng hộ xây dựng NTM thể hiện bằng việc hiến đất, tài sản, đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động..., tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng miền quê để toàn xã hội cùng tham gia xây dựng quê hương.

Song, ông cũng phải thừa nhận rằng, để phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn tỉnh Quảng Trị thành những miền quê đáng sống, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; các cơ chế, chính sách được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình như: chính sách hỗ trợ cây trồng con nuôi tạo sản phẩm chủ lực, chính sách phát triển kinh tế tập thể, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề dịch vụ nông thôn, chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay, chính sách khen thưởng trong nông thôn mới,...

Định hướng của tỉnh đến năm 2020 tỉnh Quảng Trị có 50-55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện huyện Đắk Rông chưa có xã đạt chuẩn), không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 08 tiêu chí.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo mỗi năm phấn đấu có ít nhất 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đến cuối năm 2020 có 50% số thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình “mỗi xã mỗi sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Theo đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn mới dựa trên quan điểm “Chuyển từ lượng sang chất, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”.

Theo ông Chính, bên cạnh sự nỗ lực đoàn kết, đồng sức đồng lòng, phát huy nội lực của chính quyền, nhân dân thì tỉnh Quảng Trị còn mong nhận thêm nhiều sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… để quá trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn mới, xây dựng nông thông thành miền quê đáng sống, đưa nông dân quay trở lại ruộng đồng.

Bài: Đỗ Thị Thanh Bình - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV