Anh Nguyễn Văn H. (trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) thu gom một xe đào trồng ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La bị chính quyền xã Tà Xùa ngăn giữ, yêu cầu trích xuất nguồn gốc vào ngày 18/1.

Xã này cho biết, sẽ phải kiểm kê, lập danh sách các hộ trồng đào trong địa bàn, sau đó chuyển lên xin ý kiến của huyện, từ đó xe chở đào của anh H. mới được tiếp tục lưu thông hay không.

Anh H. cho rằng, thời gian để hoàn thành quy trình, thủ tục nói trên mất chừng vài ba ngày, như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc buôn bán. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Lợi (bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là người đầu tiên lên mạng xã hội chứng minh nguồn gốc đào do gia đình mình tự trồng

“Theo yêu cầu của chính quyền xã, đến khi có chứng thực của địa phương về nguồn gốc số đào tôi mua từ người dân, cũng phải mất vài ba ngày. Đến khi đưa được về xuôi, thì đào đã nở hết, không thể bán được” - anh H. phân trần.

Ngay trong sáng ngày 19/1, kiểm lâm huyện Bắc Yên nhanh chóng xác nhận nguồn gốc, xuất xứ của số lượng nói trên để xe chở đào được lưu thông.

PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La Trần Dũng Tiến xác nhận: xe đào nói trên được thu mua từ Háng Đồng (huyện Bắc Yên). Xã này có khu bảo tồn rừng nên việc kiểm soát lâm sản ra khỏi khu vực rất chặt chẽ.

Kiểm lâm huyện đã hướng dẫn các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục xác nhận nguồn gốc số lượng đào nói trên để người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển theo đúng quy định.

{keywords}
Nhiều tỉnh miền núi khẳng định không có cây đào mọc tự nhiên trong rừng, 100% đào do người dân trồng

Ông Tiến cho biết, sau khi có hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp đối với cây đào, cây mai… do người dân trồng, bà con được tự quyết khai thác, buôn bán, vận chuyển theo quy định. Do đó, chính quyền cơ sở nên linh động, tạo điều kiện cho người dân, bởi đó là nguồn thu kinh tế, mỗi năm chỉ có một vụ.

Đào vùng cao vẫn “án binh bất động”

Chủ tịch xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) Tếnh A Chìa cho hay, đến thời điểm hiện tại, người dân xã này vẫn “án binh bất động” 300ha đào trồng, chưa dám làm gì, chưa có người thu mua.

“Bình thường, bằng thời điểm này năm ngoái, việc khai thác, mua bán đã rất nhộn nhịp. Chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản hướng dẫn của huyện. Thời gian cuối năm đã cận kề, nếu không khai thác nhanh sẽ qua mùa vụ, 300ha đào trồng sẽ bị bỏ hoang, rất lãng phí, gây thiệt hại cho người trồng đào” - Chủ tịch xã Lóng Luông cho hay.

{keywords}
Đào do người dân trồng tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Trong lúc đó, ông Nguyễn Đức Lợi (bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là chủ của 1.500 gốc đào trồng đã mở một facebook để giới thiệu xuất xứ cây trồng.

Trên trang cá nhân của mình, ông Lợi khẳng định: đào của gia đình ông là “đào nhà” 100%, có xác nhận của chính quyền sở tại, người mua hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ. 

"Vườn đào tôi trồng hơn chục năm trên đất vườn được giao 50 năm, có xác nhận nguồn gốc đất. Như vậy, đào nhà tôi là đào trồng, người mua yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, được vận chuyển, lưu thông" - ông Lợi nói. 

Theo ông Lợi, với bà con miền núi, trước cửa nhà trồng 1 vài cây đào chơi. Tết đến xuân về, vừa ngắm hoa, vừa chặt tỉa vài cành mang ra ngoài bán cho người chơi Tết. 

{keywords}
Người dân được tự chủ buôn bán, vận chuyển đào không phải đào rừng

Qua cách thức quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội, ông Lợi đã chủ động tìm đầu ra cho số lượng 1.500 gốc đào của mình.

Ông Lợi chia sẻ thêm, tại các bản Hua Sa A, Hua Sa B (xã Tủa Tình, huyện Tuần Giáo), nhiều gia đình có vườn đào hàng chục năm tuổi. Năm nào hoa nở trúng vụ, họ bán cành cho dân chơi tết. Năm nào nở chệch thì họ thu hoạch quả, khoảng tháng 5, tháng 6, người dân bày bán dọc một quãng đường đèo.

Ở khu vực đèo Tằng Quái (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng), vườn đào trồng của gia đình anh Cộng, anh Hoàng Bình... cũng được nhiều người biết đến.

Trước đó, tỉnh Sơn La đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép trích xuất nguồn gốc cây đào trồng để người dân được khai thác đúng mùa vụ. Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai đã kiểm kê trên toàn tỉnh về diện tích đào trồng, kiểm kê thực trạng đào tự nhiên mọc trong rừng.

Các tỉnh này cho biết, không có cây đào tự nhiên mọc trong rừng. Toàn bộ diện tích đào đều là đào trồng, là cây ăn quả được trồng nhiều năm qua. 

Thông tin với VietNamNet, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cho biết, đang thông tin rộng rãi để bà con yên tâm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do mình trồng ra.

Nhiều tỉnh khẳng định mua bán đào trồng dịp Tết không có trở ngại gì

Nhiều tỉnh khẳng định mua bán đào trồng dịp Tết không có trở ngại gì

Lãnh đạo ngành nông nghiệp hai tỉnh Điện Biên, Sơn La khẳng định, đào trồng trên nương rẫy, không phải cây rừng, người dân hoàn toàn được chủ động buôn bán, vận chuyển, không bị ngăn cấm.

Thái Bình