Vùng biên dọc đất nước mình, ở đâu cũng rưng rưng chuyện lạ. Như hôm lang thang ở cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), đang vội qua biên giới Campuchia bởi sắp đến giờ casino đóng cửa, nhưng hai tài xế xe ôm cứ đứng rít lấy rít để hai điếu thuốc lá, xong mới chịu cho chúng tôi lên xe. Ngạc nhiên vô cùng khi một trong hai anh gãi đầu: “Anh thông cảm, đội xe ôm chúng em có quy định không được hút thuốc lá trong khi chở khách”. Sau đó “cụng ly” mới biết là xe ôm, nhưng chuyện không đơn giản chỉ là xe ôm…

Đơn xin được … đánh nhau

Mỹ Quý Tây là địa danh, và đội xe ôm tự quản ở đây là nguồn cơn của một sự kiện xôn xao dư luận cách đây vài tháng trên Báo Lao Động: Một xe ôm viết đơn gửi chính quyền xin… đánh nhau! Số là một ngày tháng 3.2014, anh Hồ Văn Vệ- thành viên đội xe ôm tự quản thấy một ôtô lưu thông gần khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây trên xe đông người. Anh Vệ vẫy tay rồi dừng xe gắn máy trước đầu ôtô, hỏi có ai qua cửa khẩu chơi hay không? Bất ngờ, chủ xe là ông Trần Văn Hai và ông Bùi Văn An lao xuống đánh anh Vệ tới tấp. Cha dượng của ông Hai là ông Lê Văn Nguyên (68 tuổi) trong nhà cũng chạy ra đánh anh Vệ bằng cây sắt…

{keywords}
Anh Phạm Hồng Hà và 2 thành viên trong đội xe ôm đến thăm một gia đình nghèo ở xã Mỹ Quý Tây.

Theo hồ sơ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Vệ bị chấn thương đầu, tụ máu vùng chẩm, chảy máu tai trái, tụ dịch xoang hàm trái. Chi phí phục hồi chức năng điều trị là hơn 24 triệu đồng, chủ yếu là tiền vay mượn. Sau hơn 6 tháng, công an vẫn không giải quyết, khiến vụ việc có nguy cơ chìm xuồng, anh Vệ làm đơn gửi công an xã Mỹ Quý Tây để xin phép được… đánh nhau với những người trước đó đã đánh mình…

Tình cờ, Vệ là một trong hai xe ôm chở chúng tôi qua cửa khẩu hôm đó. Trên đường đi chúng tôi thắc mắc: Đánh nhau là chuyện của giang hồ, thích thì đánh chứ việc gì phải làm đơn xin ai? “Là các anh chưa biết đó thôi”- Vệ trả lời- “Phải làm đơn xin vì đội xe ôm của chúng em có các quy định: Khi chạy xe ôm không được uống rượu; xe này chạy không được vượt mặt xe kia; chạy xe phải đội mũ bảo hiểm và không được hút thuốc khi chở khách; không được đánh nhau, đá gà, cờ bạc…”. Vệ nói, ai chạy xe ôm cũng phải ký vào bản cam kết thực hiện các quy định nói trên, nếu vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh cáo, lần hai sẽ bị đình chỉ chạy xe. “Nói thiệt với anh là xe ôm tụi em mất trăm người, chỉ cần mỗi người phun một bãi nước miếng là tụi hắn đủ chết ngạt. Nhưng vì tuân thủ cam kết nên em cũng phải xin chủ trương của lãnh đạo đội, lãnh đạo đồng ý em mới viết đơn, rồi người ta cho đánh, em mới đánh…”

Về lại Việt Nam, anh Vệ và đồng nghiệp chở chúng tôi về thẳng trụ sở chỉ huy của đội xe ôm biên giới Mỹ Quý Tây. Đó là một cái chòi lá trống ba mặt nhìn rất tạm bợ ven quốc lộ gần cửa khẩu, bên trong lỉnh kỉnh vật dụng cùng một bộ bàn ghế đá để tiếp khách, hai cái chõng tre để các thành viên trong đội trực qua đêm. Một góc trên trần nhà, chúng tôi thấy lòi ra cái đầu phát wifi “để phục vụ khách vào mạng trong khi ngồi chờ xe” như lời của Vệ.

Anh Phạm Hồng Sơn- lãnh đạo đội xe ôm Mỹ Quý Tây- có gương mặt rất ngầu, nhưng trò chuyện lại nhát gừng, mới xong phần chào hỏi đã mời “lát nữa nhậu với anh em” rất đặc trưng đàn ông miền Tây. Anh kể đội xe ôm của anh thành lập từ năm 2007- thời đỉnh cao của các sòng bài dọc biên giới. “Lúc đó mỗi ngày có cả ngàn người Việt đến từ khắp nơi qua cửa khẩu Mỹ Quý Tây chơi bài và ở đây cũng hình thành lực lượng xe ôm ăn theo mà anh em chúng tôi là những người đầu tiên. Tuy nhiên, lúc đó tình hình phức tạp do mạnh ai nấy tranh giành khách, rồi đánh nhau, bài bạc… làm xấu đi hình ảnh những xe ôm chân chính cũng như ảnh hưởng nồi cơm chung của mọi người nên chúng tôi ngồi lại với nhau và quyết định thành lập một đội tự quản, bầu ra người quản lý cũng như soạn quy chế hoạt động và đội tồn tại đến bây giờ”.

Nghĩa tình xe ôm

Không phải trực thuộc liên đoàn lao động như các nghiệp đoàn xe ôm trong cả nước, cũng không chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, đội xe ôm Mỹ Quý Tây chỉ là một tổ chức nghề nghiệp tự nguyện, nhưng lại hoạt động và phân chia quyền lợi rất khoa học, công bằng và tình nghĩa. Anh Sơn cho biết: Đội xe ôm Mỹ Quý Tây có hai cấp quản lý, gồm cấp trên (đội trưởng, đội phó) và cấp trung gian (10 tổ trưởng, mỗi tổ khoảng 10 người) với các nhiệm vụ: Sắp xếp lịch xe chạy, hiểm soát việc thực hiện cam kết và giải quyết mâu thuẫn…

Tiền chạy xe ôm cuối ngày được thu về sau đó chia đều và các quản lý, tổ trưởng thường nhiều hơn một chút (ví dụ xe ôm 100 ngàn thì quản lý được 150 ngàn). Phạm Hồng Hà- “Phó tướng” của anh Sơn bảo- mấy năm cao điểm, xe ôm ngày nào cũng có việc. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, khách đi chơi bài ngày càng ít do các sòng bài bên kia biên giới đang ngắc ngoải nên xe ôm phải chia ca luân phiên, một người 2 ngày chạy 2 ngày nghỉ.

{keywords}
Trụ sở đội xe ôm Mỹ Quý Tây.

Từ chưa đến 20 người ngày đầu thành lập, đội xe ôm Mỹ Quý Tây có lúc lên đến 300 người và đến thời điểm này được thu gọn lại còn gần 200 người, hầu hết là người nghèo không có ruộng vườn. Trong đó có hơn 100 người từng là “chuyên gia” vận chuyển hàng lậu qua biên giới, những thành phần dính tiền án, tiền sự, từng nếm mùi tù tội… được tạo điều kiện để kiếm sống, làm lại cuộc đời. Khá thú vị trong danh sách những “tiền án”, chúng tôi thấy có tên Hồ Văn Vệ! Anh gãi đầu cười cười: “Có thời gian em vận chuyển hàng lậu giúp người ta, rồi bị bắt. Sau được các anh Sơn, Hà… động viên, em bỏ nghề và tham gia vào đội xe ôm, nhờ vậy mà được như bây giờ”. Đặc biệt, trong đội có ông Năng Chiên, người già nhất, năm nay 75 tuổi và 20 người trên 60 tuổi. Ông Chiên móm mém khoe: “Tôi và những người già được ưu tiên cho nghỉ sớm hơn người khác, nhưng tiền không giảm vì các anh nói trời tối, người già chạy xe máy rất nguy hiểm”.

Những tưởng chuyện lạ ở đội xe ôm tự quản Mỹ Quý Tây đến đây đã hết, nhưng “cụng ly” một hồi, đến khi “tây tây” anh Sơn mới khoe “tụi tui còn thêm tổ thứ 11, nhưng không chạy xe ôm mà chuyên… nuôi heo và cá để tăng thêm thu nhập cho anh em”. Tổ “chăn nuôi”, tạm gọi thế, có 7 người, hằng ngày được giao trách nhiệm qua các sòng bài bên kia biên giới xin thức ăn thừa về nấu cho heo ăn và chăm sóc cá.

Hóa ra, không chỉ tình nghĩa với đồng nghiệp, đội xe ôm Mỹ Quý Tây còn sống tình nghĩa với cả những mảnh đời nghèo khó tưởng như không liên quan đến mình. Thậm chí, họ còn không nhớ cả tên như trường hợp “có gia đình chồng (quên mất tên) ngã gãy cột sống nằm liệt giường. Thấy vợ (tên gì đó không nhớ) đi xe đạp bán vé số vất vả quá, anh em chúng tôi gom tiền mua cho chị vợ cái xe máy để đi bán được xa và nhanh hơn”. Rồi “có trường hợp anh chồng (nhíu mày mãi vẫn không nhớ được tên) cũng bị ngã gãy xương sống nằm một chỗ, gia đình rất khó khăn, nên chúng tôi hằng tháng góp tiền mua gao, mắm muối… để hỗ trợ”. Anh Mười Sơn- trưởng ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, người cùng “cụng ly” với chúng tôi hôm đó- còn kể: “Lâu nay trong ấp 4, thấy ai hoàn cảnh khó khăn, thậm chí cả đám tang, cất nhà… nhưng thiếu tiền, tui cũng gọi cho đội xe ôm và luôn được hồi âm, khi thì tiền mặt, khi thì nhân công…”.

Lạ vô cùng, nhưng anh Sơn lại quan niệm rất đơn giản: “Chúng tôi đúng là đang rất khó khăn, nhưng nhìn xuống thấy quá nhiều người còn khổ hơn mình nhiều. Chúng tôi tâm niệm, mỗi người chỉ cần nhịn hút một điếu thuốc, 200 người nhịn 200 điếu thuốc mỗi ngày thôi cũng để dư được một số tiền kha khá để giúp đỡ người khác những lúc ngặt nghèo…”.

(Theo Lao động - số Xuân Ất Mùi)