Nghị lực sống, sự yêu thương, che chở của người thân và xã hội đã tiếp thêm sức mạnh cho cháu Nguyễn Quốc Huy (cháu bé “bắn” ra khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn giao thông). Để giờ đây, Huy đã tự đứng trên chính đôi chân của mình, với những bước đi vững vàng vào tương lai.

Vụ TNGT thương tâm xảy ra vào sáng 25/10/2014 tại chân cầu Rạch Gòi, TP Long Xuyên (An Giang) dần đi vào quá khứ. Nhưng bé trai sơ sinh - con của nạn nhân đã “bắn” ra khỏi bụng mẹ như là một minh chứng về điều kỳ diệu từ cháu.

Nhiều người vẫn còn nhớ rõ, vào buổi sáng hôm ấy, vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra với gia đình nhỏ của anh Nguyễn Văn Nam (34 tuổi). Trong lúc chở vợ trên đường đến bệnh viện để sinh đứa con thứ hai thì xảy ra va chạm giao thông ngã xuống đường, bị một chiếc xe tải trộn bêtông cán ngang người. Vụ tai nạn nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của chị Ngọc và một chân của anh Nam.

{keywords}


Nhưng, một điều kỳ diệu đã xảy ra, cháu bé mà chị Ngọc đang mang thai “bắn” ra khỏi bụng mẹ và được một cán bộ Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Châu Thành, An Giang đưa đi cấp cứu kịp thời. 

Theo những nhân chứng có mặt tại khu vực xảy ra tai nạn, khi sơ cấp cứu cho thai nhi bị văng ra ngoài, thấy một bên chân bé bị đứt lìa, anh Hải cùng người dân địa phương đã quấn phần chân bé vào chiếc khăn và đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc gần đó cấp cứu. Sau đó, cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) để điều trị.

Sau 25 ngày chống chọi, giành giật mạng sống với tử thần, cháu bé đã hồi sinh một cách kỳ diệu và được gia đình đặt tên là Nguyễn Quốc Huy. Sau khi xuất viện, cháu Huy về An Giang sống cùng ông bà nội. Sự bình phục của cậu bé sau hơn 2 tuần được các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 coi như một phép màu.

Câu chuyện sống sót kỳ diệu của cháu Huy đã khiến nhiều người theo dõi không kìm được nước mắt. Với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây là trẻ sơ sinh nhỏ nhất, chưa đến 1 ngày tuổi đã phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật trong tình trạng sự sống mong manh...

Không thể nối liền chân, 2 bác sĩ phẫu thuật chính cố gắng phục hồi chiều dài của đùi càng nhiều càng tốt và quyết định sử dụng một phần da chân đứt lìa của bé để ghép vào mõm cụt. Rất may cho bé là mảnh da ghép đã sống hoàn toàn. Ca phẫu thuật thành công ngay mốc thời gian 1 giờ cho phép. Tuy nhiên, sự sống của bé sẽ được quyết định sau 48 giờ hậu phẫu tại Khoa Chuyên sâu sơ sinh.

Th.s, BS Hồ Tấn Thanh Bình, Phó trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của các BS, còn là sức sống mãnh liệt trong chính bản thân bé. Hầu hết trẻ khi chào đời, để thở hơi thở đầu tiên của cuộc đời, để cất tiếng khóc, đều cần có hỗ trợ.

Bé Huy trong hoàn cảnh ngặt nghèo, giữa lằn ranh sinh tử ấy đã tự thở được để sống. Cho tới các giai đoạn điều trị cho bé sau này, từ việc cai máy thở, tập ăn miếng sữa đầu tiên, tới khi lắp chân giả, tập vật lý trị liệu để đi bằng chân giả, bé đều tự làm rất tốt. Đó chỉ có thể nói là nhờ sự nhiệm màu của cuộc sống, nhờ bản năng sinh tồn của con người”.

Tạo được đoạn mỏm cụt để sau này lắp chân giả cho bé Huy cũng là việc rất khó khăn. Với trẻ sơ sinh, mỏm cụt còn phải đảm bảo thích nghi theo sự lớn lên của cơ thể bé. Nhưng khi bị tai nạn, bé bị mất da, không đủ da để che được kín vùng mỏm cụt, các BS đã phải tái tạo một miếng da bị đứt lìa của chân bị thương, ghép lại vào mỏm cụt. Chỉ có những đôi tay vàng, khối óc và con tim cùng tình thương với bé mà mỏm cụt chân bé đã được phủ đầy da.

Miếng da ghép ấy đã “sống”, phục hồi mạnh mẽ. Ngày thứ 4 sau mổ, bé đã tự thở được, thở đều, thở khoẻ và mạnh mẽ. Ngày thứ 6 bé bắt đầu ăn miếng sữa đầu đời. Các bác sĩ reo lên vì sung sướng “Con sống rồi”.

Ngày 28-11-2014, khi bé Huy được xuất viện về cùng anh Nam, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã trao tận tay hai cha con một sổ tiết kiệm hơn 1,6 tỷ đồng, là tiền hỗ trợ của bà con xa gần, trong và ngoài nước gửi tới cho bé. Khi cháu Huy vừa tròn 1 tuổi, anh Nam cho biết, số tiền gia đình nhận được đã là hơn 4 tỷ đồng.

Giờ đây, trong ngôi nhà khang trang ở ấp An Thới, xã Hội An, huyện Chợ Mới (An Giang), gia đình nhỏ của anh Nam tuy còn bộn bề lo toan nhưng đầy ắp tiếng cười. Bé Huy đã hơn 2 tuổi, tự đi được và biết gọi “Ba, ba” làm cho không khí ngôi nhà trở nên ấm áp hơn.

{keywords}
Bé Huy đã đứng vững trên đôi chân nhờ sự quan tâm, giúp đỡ vô bờ của người thân và xã hội

Anh Nam kể, khi mới lắp chân giả, cháu Huy thường quấy khóc, không chịu đi chân giả. Kiên trì trong suốt 2 tuần thì cháu bắt đầu làm quen và tập đi cho đến nay. “Cháu rất lanh lợi và hiếu động. Giờ đã một mình đứng lên tập đi tương đối thuần thục với một bên chân giả” - anh Nam cho biết.

Do thiếu vắng tình thương của mẹ, nên anh Nam luôn dành tất cả thời gian của mình để chơi đùa, chăm sóc hai con, bù đắp tình cảm thiếu thốn của mẹ. Giờ đây, anh không chỉ làm cha mà còn làm một người mẹ tảo tần sớm hôm lo cho hai con từng bữa ăn, giấc ngủ, chuyện học hành… Mỗi lần thấy cháu Huy bị ngã khi tập đi, tim anh như thắt lại.

Hằng ngày, anh Nam ở nhà chăm sóc cho con trai. Anh lo cho bé Huy mọi lúc mọi nơi. Thể trạng cháu Huy phát triển tốt, mỗi bữa ăn được hơn một chén cơm. Còn vết thương ở chân anh Nam cũng bình thường trở lại. Ngoài chăm sóc cho cháu Huy và cô con gái đang học lớp 2, anh Nam còn tự tay đóng một số đồ gỗ, như: bàn, tủ, ghế… để đón Tết đang đến.

Anh Nam chia sẻ: “Khi cháu Huyền biết chuyện mẹ mất, cháu đã hiểu phần nào nên không còn đòi mẹ về nữa và rất thương em. Ba cha con lại quây quần bên nhau mà nhớ về người vợ, người mẹ quá cố với biết bao nhiêu niềm thương nhớ. Tôi thường kể cho các con nghe về người mẹ đảm đang, hiền hậu của chúng”.

Mỗi năm anh Nam đưa cháu Huy lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ 3 - 4 lần để tái khám, cũng như để các bác sĩ kiểm tra sự phát triển của cháu. Đồng thời, việc tháo lắp chân giả định kỳ cho phù hợp với sự phát triển thể trạng của cháu Huy cũng rất được quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Khoảnh (ông ngoại bé Huy) bùi ngùi, cho biết: “Con gái tôi mất cũng đã hơn 2 năm rồi. Giờ nhìn các cháu lớn khôn từng ngày, tôi như được an ủi phần nào. Mong rằng, cháu Huy khi lớn lên sẽ không mặc cảm với chiếc chân giả của mình mà lấy đó làm động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội”…

(Theo Công an nhân dân)