- Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền, đồng thời bồi thường thiệt hại sau khi 3 tàu hải giám nước này cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam.

>> Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam

Hôm nay (27/5), trả lời Thông tấn xã Việt Nam về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5h58’ sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 đã bị 3 tàu Hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12 o 48’25” Bắc và 111 o 26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Thiết bị của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại. Ảnh: TTXVN
Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: Sáng nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Trước đó, trả lời báo chí tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cũng thông báo việc các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong vùng biển của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động "hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN", ông Hậu nói.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN; đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.

PVN khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Hiền Anh

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Trung Quốc định đưa giàn khoan 'khủng' ra Biển Đông
Chiến lược an ninh mới của TQ: Quả quyết không đối đầu
Báo Philippines: TQ xây dựng nhiều tiền đồn ở Trường Sa
Toan tính của Trung Quốc và Đài Loan về dầu khí Biển Đông
Xem Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự
Trung Quốc lại làm phức tạp tình hình Biển Đông
Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam
Tàu ngư chính Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
Phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông
Philippines: Đụng độ Biển Đông dẫn tới chạy đua vũ trang
'Cần đưa Trung Quốc vào hội đàm khu vực về Biển Đông'
Tranh cãi Biển Đông: Bài học từ sai lầm của Philipines
Chiến thuật mập mờ của Trung Quốc ở Biển Đông
Kiên trì đàm phán, giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông