3 nhà mạng Viettel, MobiFine, VinaPhone đều được cấp phép thử nghiệm 5G

Theo số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng 134,5 triệu thuê bao di động, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G, 4G là 128,6 triệu. 

Số thuê bao điện thoại cố định ở Việt Nam hiện khoảng 4 triệu thuê bao. Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 832.760 km cáp quang trên toàn mạng lưới, tăng thêm 4% so với cùng kỳ năm trước. 

{keywords}
Nhiều thông tin quan trọng được chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT.

Trong nửa đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT và Mobifone). Tháng 5/2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện cuộc goi đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam đi cùng những nước dẫn đầu trên thế giới trong việc thử nghiệm và triển khai 5G. 

Hiện Viettel đã công bố thử nghiệm 5G tại Hà Nội trong tháng 5/2019 và tiếp tục mở rộng mạng di động 5G tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. VNPT đang đang khẩn trương thiết lập mạng 5G thử nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và Mobifone dự kiến tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công đã ở mức trên 70%

Trong nửa đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã tiến hành sơ kết 6 tháng việc triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số. Đánh giá của Cục Viễn thông cho thấy, việc triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng ban đầu gặp nhiều khó khăn cộng với đó là những phản ứng chưa tích cực từ phía xã hội. 

{keywords}
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi thời gian chuyển mạng kéo dài, nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng vẫn không được, điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, quy trình nghiệp vụ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện... đặc biệt là việc doanh nghiệp từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng. 

Trước tình hình này, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa công đoạn nhằm tăng tỷ lệ chuyển mạng thành công của dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

Sau những chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng hiện đã đạt trên mức 70%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có trên 550.000 thuê bao yêu cầu chuyển mạng trong tổng số 4 nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ này.

Xử lý triệt để tình trạng SIM rác tái diễn

Về tình hình tin nhắn rác, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã ghi nhận 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phản ánh với Vinaphone là 5.055 lượt (chiếm 23,1%), MobiFone là 2.921 lượt (chiếm 13,3%), Viettel là 2.819 lượt (chiếm 12,9%) và Vietnamobile là 935 lượt (chiếm 4,3%).

Đánh giá của Bộ TT&TT cho thấy, tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Bộ đã xử phạt 4 doanh nghiệp là Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone, Vietnamobile về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành văn bản nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông nếu vẫn còn để xảy ra tình trạng SIM rác.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. 

Để thúc đẩy viêc phòng, chống tin nhắn rác và thư rác, Bộ TT&TT đã vận hành 24/7 hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456, hệ thống phần mềm thu thập thư rác chuyên dụng và Cổng thông tin chống thư rác. Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện việc kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp, yêu cầu nộp báo cáo xử lý tin rác hàng tuần. 

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã cắt giảm 1,85 triệu tài khoản viễn thông do không đủ thông tin thuê bao hoặc bị phát hiện là thuê bao kích hoạt sẵn. 

Trước những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2019, phải xử lý triệt để các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác. Về chuyển mạng giữ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng tỷ lệ chuyển mạng thành công đạt ít nhất 90% vào cuối năm. 

Chia sẻ về định hướng phát triển của lĩnh vực viễn thông 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, nhiệm vụ của ngành là phải chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua việc giảm cước kết nối thoại, phổ cập smartphone, đấu thầu băng tần 2.6 GHz và 700 MHz, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình cắt sóng 2G, 3G và đưa dịch vụ mobile money vào thử nghiệm.

Trọng Đạt