Tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia” vừa được tổ chức, nhiều câu hỏi đã được các địa phương, đặc biệt là các Sở TT&TT đặt ra cho phía cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT. 

Theo đó, các Sở TT&TT - đơn vị được giao chủ trì triển khai ứng dụng đô thị thông minh - mong muốn nhận được sự hướng dẫn cụ thể trong việc xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là trong giai đoạn 2019 - 2020.

{keywords}
Nhiều địa phương trên cả nước rất muốn triển khai các mô hình đô thị thông minh nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Ảnh: Trọng Đạt

Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là các địa phương có thể bắt đầu xây dựng đô thị thông minh từ ứng dụng gì? Khi triển khai người dân thấy được lợi ích gì? Chính quyền thấy lợi ích gì?, Làm như thế nào khi đã chọn ứng dụng?

Trước những thắc mắc này, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn các địa phương, bắt đầu từ giai đoạn 2019 - 2020.

Lưu ý đầu tiên là việc các Sở TT&TT cần chọn những ứng dụng, dịch vụ có hiệu quả, lợi ích ngay lập tức để tạo sự tin tưởng cho người dân và các cấp chính quyền địa phương. Mục tiêu nhằm xây dựng kế hoạch dài hạn hơn cho phát triển đô thị thông minh.

Theo ông Phúc, dịch vụ mà người dân có thể thấy ngay lợi ích trước mắt là phản ánh hiện trường. Ông Phúc cho rằng, có nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống hàng ngày như trật tự, giao thông, môi trường… Nhờ dịch vụ phản ánh hiện trường, người dân có thể thông báo ngay lập tức cho chính quyền để đưa ra hướng xử lý, giải quyết. 

“Với cách làm này, người dân sẽ cảm thấy chính mình đang tham gia vào quản lý nhà nước. Chi phí cho dịch vụ/ứng dụng này không lớn nhưng hiệu quả”, ông Phúc nói.

{keywords}
Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) . Ảnh: Trọng Đạt

Về lợi ích của việc triển khai đô thị thông minh với chính quyền địa phương, ông Phúc cho biết hệ thống quản lý sẽ giúp người quản lý giám sát ngay chính đội ngũ cán bộ của mình, xem hộ có thực hiện đúng  chức năng nhiệm vụ, công việc, thời hạn được giao hay không. 

Do vậy, các địa phương cần xây dựng các ứng dụng giám sát tại nơi cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Những ứng dụng này rất dễ phát triển. 

Đối với việc huy động các sở, ban, ngành tham gia vào quản lý đô thị, điều này có thể thực hiện dễ dàng thông qua hệ thống camera giám sát, bằng công nghệ xử lý dữ liệu, AI có thể hỗ trợ chuyển dữ liệu để xử lý.

Chia sẻ thêm với các địa phương, vị Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng, việc sử dụng dữ liệu và AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong việc ra quyết định.

{keywords}
Camera giám sát là một trong những lợi ích có thể thấy ngay của việc triển khai đô thị thông minh đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương. Ảnh: Trọng Đạt

“Khi triển khai nhiều hệ thống camera, IoT giám sát, chúng ta có rất nhiều tai mắt gửi dữ liệu hàng ngày về trung tâm điều hành giám sát. Đây là nơi thu thập tất cả những dữ liệu đó và dùng những phần mềm AI xử lý để hỗ trợ chính quyền ra quyết định”, ông Phúc nói.

Tuy vậy, ông Phúc cũng lưu ý các địa phương về việc phải đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống camera giám sát, các thiết bị IoT,... Vậy nên, việc hình thành các trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng ở các địa phương khi triển khai đô thị thông minh là hết sức cần thiết. 

Các Sở TT&TT có thể tham khảo từ chính những mô hình thành công của các địa phương bạn. Quan điểm của Bộ TT&TT là các địa phương cần triển khai nền tảng trước, ứng dụng sau bởi nếu không sẽ chồng chéo dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Dữ liệu phải được dùng chung và điều hành tập trung, có như vậy việc chỉ đạo điều hành mới đem lại hiệu quả. 

Trọng Đạt