- Chiều 25/7, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra. Tới dự Hội nghị có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính Phủ); đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp thuộc Bộ và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thanh tra, pháp chế tại các Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; đại diện lãnh đạo 12 Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thực hiện Kế hoạch số 922/KH-TTCP ngày 20/4/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc tổng kết toàn quốc 6 năm thi hành Luật Thanh tra, Thanh tra Bộ TT&TT đã xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch số 1868/KH-BTTTT ngày 30/5/2017 của Bộ TT&TT về việc tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra trong lĩnh vực TT&TT nhằm đánh giá toàn diện thực tiễn 6 năm thi hành Luật Thanh tra.

Sau khi Luật Thanh tra được ban hành, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và cơ quan liên quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tổ chức nghiên cứu để áp dụng và hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện đúng quy định của Luật. 

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, trong thời gian qua, Lãnh đạo Bộ TT&TT luôn quan tâm tới công tác thanh tra, coi đây là công cụ, cách thức để giám sát, kiểm tra các chính sách, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác của Thanh tra Bộ, các Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Hàng năm, căn cứ vào chương trình định hướng thanh tra, Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch Kiểm toán của Kiếm toán Nhà nước Thanh tra Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch thanh tra của Bộ TT&TT đã tránh được tình trạng chồng chéo, trùng lặp về đối tượng nội dung thanh tra giữa các Thanh tra Bộ và 5 Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và giữa các Cục với nhau. Điều này làm giảm thiểu sự phiền hà, khó khăn cho đối tượng thanh tra.

Sau khi Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành, Bộ TT&TT đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định Chính phủ, trong đó có Nghị định 140/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành TT&TT; Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện; Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư 19/2012/TT-BTTTT ngày 22/11/2012 của Bộ TT&TT quy định bộ phận tham mưu và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ TT&TT. 

Các văn bản trên đã giúp thanh tra ngành TT&TT hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và đảm bảo hoạt động thanh tra đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TT&TT. Hiện nay, Thanh tra Bộ đang chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19/2012/TT-BTTTT phù hợp với các quy định hiện hành, dự kiến thàng 10/2017 trình Bộ trưởng ký ban hành.

{keywords}
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực TT&TT đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, thông tin trên mạng, xuất bản, in và phát hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu số vi phạm trong lĩnh vực TT&TT.

Thông qua các cuộc thanh tra, Bộ TT&TT đã phát hiện nhiều sai sót của các tổ chức, cá nhân liên quan và phát hiện bất cập, tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình, theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì Thanh tra Bộ TT&TT có quyền tiến hành thanh tra tài chính đối với Tập đoàn VNPT, tuy nhiên, theo Luật Thanh tra năm 2010 thì Thanh tra Bộ không có quyền tiến hành thanh tra tài chính đối với doanh nghiệp này. 

{keywords}

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hôi nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh ghi nhận và biểu dương những kết quả Thanh tra trong lĩnh vực TT&TT trong những năm qua. Thông qua các ý kiến tại Hội nghị là cơ sở thực tiễn quan trọng giúp cho Thanh tra Chính phủ tổng hợp báo cáo Chính phủ đăng ký với Quốc hội sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã biểu dương, đánh giá cao sự phát triển không ngừng của lực lượng làm công tác thanh tra ngành TT&TT nói chung, của Thanh tra Bộ và các Cục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nói riêng. Sau 06 năm được ban hành, Luật đã góp phần quan trọng kiện toàn tổ chức các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra ngày càng lớn mạnh, trưởng thành; hoạt động thanh tra được triển khai đồng bộ, hiệu quả, được pháp luật bảo vệ. Đóng góp trong thành công chung của ngành thanh tra, lực lượng thanh tra ngành TT&TT đã góp phần không nhỏ, quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về TT&TT, cho sự nghiệp của ngành thanh tra nhà nước nói chung. 

Thứ trưởng Hồng nhấn mạnh: "Tổng kết Luật là dịp để chúng ta đánh giá lại quá trình áp dụng Luật, rút kinh nghiệm trong thực thi pháp luật để phát huy những ưu điểm, thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, bất cập cả về chính sách, pháp luật về thanh tra và tồn tại, bất cập về tổ chức thực hiện pháp luật. Trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật và chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại."

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thanh tra trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị Thanh tra Bộ, các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và lực lượng thanh tra toàn ngành TT&TT tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 báo cáo Thanh tra Chính phủ, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra. Tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu và quán triệt sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ để xây dựng một báo cáo đầy đủ những nội dung, ý kiến đề xuất sát thực tế tại Hội nghị làm cơ sở để sửa đổi văn bản Luật hoàn thiện để đi vào cuộc sống. Đổi mới phương pháp, phương thức hoạt động thanh tra, phấn đấu để rút ngắn thời gian thanh tra nhưng đảm bảo đúng yêu cầu nhiệm vụ. 

Thứ trưởng Hồng cũng đề nghị tăng cường phối hợp giữa Thanh tra Bộ, các Cục chức năng thuộc Bộ, Sở TT&TT và các ngành liên quan để đảm bảo tránh trùng lặp, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo UBND và Lãnh đạo các Sở TT&TT những vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo tỉnh; kiến nghị, đề xuất giải pháp kịp thời để giải quyết vướng mắc, khó khăn. Thanh tra Sở TT&TT, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh tra Bộ, thanh tra chuyên ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Xuân Lộc