Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn, khi nhiều hoạt động bị đình trệ. Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, thách thức đi liền với cơ hội. Có những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra thì mới xuất hiện. Covid-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nó là một điểm gẫy trong sự phát triển. Nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi.

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta một số điều

Thế giới mỏng manh hơn chúng ta nghĩ. Mỗi khi nhân loại quá tự tin vào mình thì đó là lúc có vấn đề nhất.

Toàn cầu hoá, dòng chảy tự do, xuyên biên giới về người, vốn, hàng hoá và dữ liệu cũng kéo theo dòng chảy tự do về dịch bệnh, về tội phạm. Xuất hiện toàn cầu hoá dịch bệnh và tội phạm.

Chỉ khi khủng hoảng xảy ra chúng ta mới nhìn thấy những khiếm khuyết của các nhà nước, các thể chế. Bởi vậy bình yên không có nghĩa là bình yên. Khi mọi sự đang tốt vẫn phải tính đến tình huống xấu nhất.

Các khủng hoảng gần đây thường là các khủng hoảng kép, không chỉ kép 2 mà còn có thể là kép 3, kép 4. Khủng hoảng kép là bản chất của một thế giới mà ở đó mọi sự kết nối.

Thế giới có nhiều kinh nghiệm xử lý khủng hoảng kinh tế hơn là khủng hoảng sức khoẻ. Khủng hoảng phi truyền thống sẽ xảy ra nhiều hơn, và thường là phạm vi toàn cầu. Đó sẽ là thách thức lớn của nhân loại.

Cơ hội để tận dụng bứt phá vươn lên

Covid-19 mang lại cơ hội và cú huých trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn bộ quốc gia: cả kinh tế, cả xã hội; cả nhà nước, cả doanh nghiệp; cả cộng đồng, cả người dân. Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số. Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT mạnh, và đây là lúc phát huy để đất nước bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đất nước có thể nhân lúc này mà đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội phát triển thị trường trong nước. 100 triệu dân là thị trường, là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Lúc Covid-19 mới càng thấy rõ giá trị này. Các doanh nghiệp Việt Nam phải coi thị trường trong nước là cái nôi để từ đây mà lớn lên, trưởng thành và đi ra toàn cầu. Nhà nước cũng đã đến lúc quan tâm phát triển thị trường trong nước, đây là kế lâu bền.

Cơ hội xây dựng nền kinh tế tự chủ Make In Vietnam. Khi đất nước có tình huống khẩn cấp thì mới thấy ý nghĩa của nền kinh tế tự chủ. Mặc dù toàn cầu hoá, mở cửa thì vẫn phải tính đến tình huống bị cô lập. Cô lập mà không tự chủ thì nguy cơ càng cao.

Đây là cơ hội tốt để đầu tư cho y tế, tăng cường sử dụng công nghệ trong y tế, khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế trong nước, vừa chống dịch, vừa tạo năng lực lâu dài cho ngành y tế.

Đây là cơ hội để quyết định các vấn đề đã bàn bạc nhiều nhưng chưa quyết, bởi khi khó khăn thì dễ ra quyết định hơn. Nhà nước, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, quyết định áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian, sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ mới, dựa trên công nghệ mới.

Covid-19 còn mang đến cơ hội chuyển dịch đầu tư toàn cầu để phân tán rủi ro. Việt Nam có thể là điểm đón nhận sự chuyển dịch đó. Sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã có FDI thế hệ mới, đó là FDI có điều kiện, thu hút công nghệ cao, các tập đoàn công nghệ lớn, chú trọng nghiên cứu phát triển.

Bên cạnh đó, Covid-19 đã khơi dậy các giá trị văn hoá cốt lõi Việt Nam, các ưu việt của chế độ. Và đây chính là sức mạnh nội sinh để Việt Nam bứt phá. Các quốc gia phát triển đều dựa trên sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hoá. Và đây cũng chính là sự khác biệt bền vững để Việt Nam cạnh tranh phát triển.

{keywords}
Ứng dụng Bluezone giúp xác định người nghi nhiễm Covid-19

Một cơ hội nữa từ Covid-19 là việc chống dịch hiệu quả và thành công ở châu Á đánh dấu sự trỗi dậy của châu Á. Các giá trị châu Á, cả chế độ, thể chế và văn hoá, sẽ được khẳng định sau đại dịch, như là sự bắt đầu của kỷ nguyên phương Đông, sẽ tạo một chỗ đứng mới cho Việt Nam. Thế giới sẽ hướng về phương Đông nhiều hơn. Đây là cơ hội để chúng ta sánh vai với nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Mô hình 2 bàn tay, thị trường tự do và nhà nước mạnh, được khẳng định trong phòng chống Covid-19. Việt Nam tự tin hơn vào mô hình của mình, mô hình thị trường mạnh và nhà nước mạnh, để đi lên mạnh mẽ. Hướng vào thị trường, phát triển nhanh, đổi mới sáng tạo, nhưng phải đi với quản trị tốt, quản trị hiện đại. Phân tán phải đi với tập trung. Ứng vạn biến phải đi với cái bất biến. Chúng ta sẽ đi đều 2 chân này.

Covid cũng làm chúng ta tư duy lại chủ nghĩa tiêu dùng vật chất quá mức, tàn phá thiên nhiên, không coi trọng đời sống tinh thần. Chuyển đổi số cũng làm giảm tiêu xài vật chất, nhiều thời gian hơn cho đời sống tinh thần, và đây cũng là một thế mạnh châu Á, thế mạnh Việt Nam. Chuyển đổi số có một sứ mệnh mới.

Xu hướng “nền kinh tế tại nhà”

Một số nhà dự đoán, nhà kinh tế đã đưa ra khái niệm “nền kinh tế tại nhà”. Có thể đây không phải là một khái niệm thực sự mới. Nhưng dịch Covid-19 lại tạo cho “nền kinh tế tại nhà” một bệ phóng mới để thực sự đi vào đời sống, ngay cả khi dịch bệnh qua đi. Nhiều hoạt động kinh tế trước đây vẫn bị giới hạn bởi thói quen của người dùng nhưng Covid-19 đã và sẽ phá bỏ những thói quen đó.

Tuy nền kinh tế tại nhà sẽ không thay thế hoàn toàn nền kinh tế truyền thống được, nhưng nếu phát huy được hết tiềm năng của nền kinh tế tại gia thì sẽ giúp xã hội vận hành tối ưu hơn, giảm bớt những căng thẳng về giao thông, sự tốn kém năng lượng cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển.

{keywords}
Đoàn viên Thanh niên đến từng nhà hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để phòng dịch Covid-19

Ví dụ, nếu như giáo dục truyền thống vốn đề cao yếu tố cộng đồng, thì giai đoạn hiện nay là cơ hội cho giáo dục số thể hiển những ưu việt. Đó không đơn thuần chỉ là những bài giảng được thực hiện thông qua truyền hình trực tuyến, mà bằng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, giúp bài học trở nên sinh động hơn.

Lĩnh vực y tế cũng vậy, dịch Covid-19 đã và đang cho thấy rất nhiều những ưu điểm từ hình thức khám bệnh từ xa, giúp sàng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện và cũng làm giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.

Nhìn từ một góc độ khác, dịch Covid-19 gây ra cơn khủng hoảng không chỉ về mặt sức khoẻ, mà còn khủng hoảng kinh tế cho một số doanh nghiệp. Rồi như một hậu quả, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, sẽ có nhiều người nhàn rỗi, vì vậy, chúng ta cũng cần ngay lập tức nghĩ đến một nền tảng số giúp những người này nhanh chóng chuyển đổi kỹ năng, tái tham gia vào thị trường lao động.

Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy cùng nhau sáng tạo, cung cấp nhiều các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, từ giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí,...

Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Và đây chính là thời cơ hiếm có cho doanh nghiệp công nghệ số. Và đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số làm để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài.

VietNamNet

Lên mạng mua nông sản: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng

Lên mạng mua nông sản: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng

Những nông sản đầu tiên của Hải Dương như su hào, bắp cải, trứng gà… đã xuất hiện trên trang thương mại điện tử voso.vn. Một gian hàng giải cứu nông sản Hải Dương đã xuất hiện.