Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao môi trường đầu tư thuận lợi của Campuchia và mong muốn nước bạn tiếp tục hỗ trợ các Tập đoàn, doanh nghiệp CNTT, viễn thông Việt Nam hoạt động, kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn tới.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hội đàm song phương với Bộ trưởng Bưu chính và Viễn thông Campuchia.

Sáng nay, 8/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có cuộc Hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia Tram Iv Tek về cơ hội và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực TT&TT giữa hai nước.

Tại cuộc làm việc, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển lĩnh vực TT&TT của mỗi nước, những chủ trương chính sách lớn và những thành tựu nổi bật về TT&TT trong giai đoạn hiện nay. Hai Bộ trưởng cũng tập trung thảo luận về phương hướng tăng cường hợp tác Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực bưu chính viễn thông trong thời gian tới.

Thị trường mở cửa mạnh mẽ

Khẳng định việc ngài Bộ trưởng Tram Iv Tek nhận lời mời đến thăm Bộ TT&TT đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Campuchia dành cho lĩnh vực thông tin & truyền thông và khả năng hợp tác song phương, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giới thiệu nhanh với người đồng nhiệm những nét chính về Bộ TT&TT và 5 lĩnh vực quan trọng mà Bộ quản lý là bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí và xuất bản.

Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vai trò quan trọng của 5 lĩnh vực này đối với bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được thể hiện rõ nét qua những con số: Việt Nam hiện có 123,5 triệu thuê bao di động và số thuê bao 3G đạt khoảng 20 triệu. Bộ TT&TT đã tiến thành thử nghiệm công nghệ và mạng 4G và sẽ sớm cấp giấy phép chính thức cho các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ 4G. Mật độ sử dụng mang internet đạt trên 50% , trong đó số thuê bao Internet băng rộng đạt trên 22,4 triệu, tương đương tỉ lệ khoảng 25% thuê bao băng rộng/100 dân; Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2015 ước đạt 16 tỷ USD còn doanh thu Công nghiệp Công nghệ thông tin đạt gần 40 tỷ USD, đóng góp 25% GDP Việt Nam. Tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt hơn 90%.

"Với chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư tốt, Việt Nam đang là thị trường năng động, là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn viễn thông, CNTT lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel, Microsoft…", Bộ trưởng nhấn mạnh. Về phần mình, Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp, Tập đoàn viễn thông, CNTT đạt tầm khu vực và quốc tế có tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác như Tập đoàn Viettel , VNPT, Mobifone, FPT, VTC.

"Hầu hết các doanh nghiệp này đều đã thực hiện việc hợp tác đầu tư ra nước ngoài một cách tích cực, trong đó có thị trường Campuchia. Chúng tôi đánh giá môi trường đầu tư của Campuchia rất thuận lợi và rất mong ngài Bộ trưởng cùng đoàn công tác tiếp tục hỗ trợ các Tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, kinh doanh hiệu quả tại Campuchia", Bộ trưởng chia sẻ. Ngoài thị trường Đông Nam Á thì một số nước châu Âu, châu Mỹ cũng đang hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực TT&TT và một số Tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có hoạt động đầu tư sang những thị trường này.

"Thành quả ngày hôm nay của Việt Nam là kết quả của quá trình mở cửa thành công thị trường viễn thông và CNTT một cách rộng rãi, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở xây dựng khung pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia Tram Iv Tek.

 

Hợp tác viễn thông, An toàn thông tin

Dựa trên những kinh nghiệm thu được trong phát triển thị trường viễn thông, Internet, CNTT, Việt Nam đề xuất hai nước tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT; tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, hoạt động hiệu quả; đặc biệt là sự hợp tác trong lĩnh vực ATTT, một lĩnh vực mà ông nhấn mạnh đang là mối quan tâm của tất cả các quốc gia và rất cần có sự phối hợp giữa Việt Nam cùng Campuchia trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho rằng Việt Nam, Campuchia có thể tập trung vào các hoạt động trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách quản lý và đào tạo quản lý, nghiệp vụ TT&TT; tạo nền móng và tạo điều kiện cho các hợp tác đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT. Ông mong muốn Campuchia tiếp tục ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn đa phương của UPU và ITU, mà cụ thể là ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Điều hành CA nhiệm kỳ 2017-2020 tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới - UPU lần thứ 26 tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 20/9 -7/10/2016.

Một mặt, Bộ trường mong muốn Bộ Bưu chính Viễn thông tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông - CNTT Việt Nam kinh doanh tại Campuchia như Viettel, VNPT, FPT, mặt khác, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp VT - CNTT Việt Nam tham gia đảm bảo An toàn thông tin cho phía Campuchia.

Đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực CNTT - viễn thông thời gian qua, Bộ trưởng Tram Iv Tek nhận định ngành CNTT - VT Việt Nam đã phát triển đạt đến tầm cỡ khu vực - quốc tế. Ông nhất trí cao với người đồng nhiệm về việc tăng cường, mở rộng hợp tác giữa hai Bộ tới đây, đặc biệt là trong lĩnh vực phối hợp tần số, chứng thực điện tử, các dịch vụ viễn thông, CNTT, đào tạo nguồn nhân lực... Phía Campuchia cũng muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quản lý TT&TT tại các địa phương theo mô hình các Sở TT&TT mà Việt Nam đang triển khai.

Đất nước Campuchia có dân số chỉ hơn 15 triệu, nhưng tổng số ĐTDĐ đang kích hoạt đã đạt trên 19 triệu, tương đương mật độ hơn 130 máy/100 dân. Tập đoàn Viettel của Việt Nam hiện có hơn 9 triệu thuê bao di động tại Campuchia, chiếm hơn 46% thị phần. Trên thị trường Internet, Viettel hiện xếp thứ hai với 30% thị phần.

Liên quan đến những đề xuất hợp tác từ Bộ trưởng Tram Iv Tek, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện Thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa hai Bộ Bưu chính & Viễn thông Campuchia cùng Bộ TT&TT được ký từ năm 2012 vẫn còn hiệu lực. "Đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia xem xét, nếu cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung các nội dung hợp tác trong MOU này", Bộ trưởng nói, đồng thời giao Vụ Hợp tác quốc tế là đầu mối trao đổi các nội dung hợp tác cụ thể giữa hai nước, hoàn thiện các thủ tục để có thể ký kết nhân chuyến thăm của ông tới Campuchia vào trung tuần tháng 9.

Ghi nhận đề nghị của phía Campuchia, Bộ trưởng cũng giao Cục Viễn thông làm đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin chi tiết về kinh nghiệm tổ chức, triển khai quản lý dịch vụ viễn thông công ích; Đề nghị cơ quan tần số hai nước tiếp tục phối hợp quản lý tần số vùng biên giới theo tinh thần MOU hai nước đã ký, trong đó Cục Tần số vô tuyến điện là đầu mối của phía Việt Nam.

Đối với nội dung hợp tác trong lĩnh vực chứng thực điện tử, Bộ trưởng chỉ định Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia Việt Nam (NEAC) xây dựng dự thảo văn kiện hợp tác để có thể kịp ký kết cũng trong chuyến thăm Campuchia tới đây; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam nghiên cứu nội dung để ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu CNTT - TT với Học viện Bưu chính, viễn thông & CNTT Campuchia.

Riêng về kinh nghiệm quản lý TT&TT tại các địa phương theo mô hình Sở TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam hiện có 63 Sở TT&TT tại 63 địa phương, do các UBND tỉnh, thành phố thành lập với chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin (gọi chung là bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin); quản lý các dịch vụ công về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Bưu chính, Viễn thông chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT).

Vụ Hợp tác quốc tế sẽ phối hợp cùng Vụ Tổ chức cán bộ cung cấp thêm thông tin chi tiết về mô hình tổ chức, quản lý hoạt động của các Sở cho phía nước bạn.

T.C