Theo đề xuất từ Bộ Tài chính, Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng cho các lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT thuộc lĩnh vực công nghệ cao sẽ được giảm 50% trong 4 năm.

{keywords}

Cụ thể, việc giảm trừ thuế TNCN sẽ áp dụng đối với tiền lương, tiền công của người lao động trong khoảng thời gian từ 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý nhất của dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp đang được Bộ Tài chínhxây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Ngoài lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chế biến nông sản cũng được đề xuất hưởng mức ưu đãi giảm thuế TNCN tương tự.

Đối với các doanh nghiệp làm việc trong các lĩnh vực nói trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 17% trong thời gian 4 năm. Cơ chế ưu đãi này chỉ áp dụng với những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Riêng doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới cung cấp dịch vụ phần mềm sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong thời hạn lên tới 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ưu đãi thuế là một nhóm giải pháp quan trọng trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 15/6 vừa qua. Mục tiêu của Nghị quyết này là hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh - đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trong đó đặc biệt lưu tâm đến những chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngày 3/8 vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35, nêu bật 3 nhóm giải pháp lớn để hỗ trợ doanh nghiệp TT&TT là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền tiếp cận bình đẳng nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN.

Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp TT&TT, tại Hội nghị giao ban QLNN của Bộ TT&TT hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã yêu cầu các đơn vị như Vụ CNTT, Vụ Pháp chế... tập trung nguồn lực, xây dựng các văn bản thực hiện Nghị quyết 41 của Chính phủ về ưu đãi, thúc đẩy phát triển CNTT tại Việt Nam. Chẳng hạn như xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm dịch vụ phần mềm và nội dung số để trình Bộ trong tháng 8/2016. Ngoài ra, Vụ CNTT cũng chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể đối với một số hoạt động dịch vụ phần mềm quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và trình Chính phủ phê duyệt; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tương tự như Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 41/NQ-CP cũng bổ sung hàng loạt chính sách ưu đãi thuế quan trọng nhưng tập trung dành riêng cho việc thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, trong đó cũng nêu rõ số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT được giảm 50%.

Trọng Cầm