Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh quan điểm doanh nghiệp Việt muốn hội nhập thành công thì phải chuẩn bị sẵn sàng, hiểu biết kỹ lưỡng về các định chế quốc tế.

Với việc các định chế, cam kết quốc tế ngày càng phức tạp, doanh nghiệp càng nắm kỹ thì càng dễ thích ứng với môi trường quốc tế. "Điều này là rất quan trọng", Thứ trưởng khẳng định tại Hội nghị Tập huấn Hội nhập quốc tế về kinh tế trong lĩnh vực TT&TT do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 16/9.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nêu bật tầm quan trọng của việc hiểu kỹ các định chế quốc tế thời hội nhập. 

Một trong những tâm điểm của chương trình tập huấn chính là các nội dung quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong Hiệp định này có nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực TT&TT mà các tổ chức, doanh nghiệp ngành "nhất thiết phải biết" về sở hữu trí tuệ, về thương mại điện tử...

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, sở hữu trí tuệ chính là một trong những nội dung đàm phán khó khăn nhất của TPP. So với cam kết với WTO thì quy định về sở hữu trí tuệ ở TPP vừa có phạm vi rộng hơn, lại vừa đòi hỏi mức độ cam kết sâu hơn khi yêu cầu các nước tham gia phải nâng cao mức độ và kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; Siết chặt thực thi (bảo vệ) quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số (trách nhiệm của ISP)...

Để phù hợp với TPP, Việt Nam đã phải sửa đổi một số văn bản pháp luật hiện hành như Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Hình sự theo hướng cho phép xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Khanh nói thêm.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các cam kết của Hiệp định TPP cũng rất nhiều. Việt Nam đã chấp nhận một số yêu cầu chính song trong các trường hợp liên quan đến an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục thì vẫn được áp dụng các biện pháp cần thiết. Ngoài ra, trong thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các nước cam kết không khiếu kiện các quy định của pháp luật Việt Nam được ban hành trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Một mặt, TPP có thể giúp Việt Nam thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho những tập đoàn lớn như Microsoft, Samsung, LG, Intel... nhưng mặt khác, Hiệp định này cũng đặt ra thách thức cho bộ máy quản lý nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật. Sự cạnh tranh gia tăng cũng sẽ khiến những doanh nghiệp không thích ứng, hội nhập được gặp khó khăn, thậm chí phá sản.

Vì thế, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, 2 đối tượng cần đặc biệt quan tâm tham dự các hội nghị tập huấn về hội nhập quốc tế chính là các cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng chính sách và các doanh nghiệp.

Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thêm 8 Hội nghị tập huấn tương tự tại Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Huế, Bến Tre, Cần Thơ, TP.HCM...

T.C