Chuyển đổi số là câu chuyện của người đứng đầu

Chia sẻ tại buổi làm việc giữa Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) khẳng định, chuyển đổi số phải là câu chuyện của người đứng đầu. “Nếu không phải người đứng đầu thì không ai dám làm và cũng không ai có thể làm được.”, ông Dũng nói. 

Tuy vậy, theo Cục trưởng Cục Tin học hóa, người lãnh đạo quá trình chuyển đổi số không nhất thiết phải là nhà công nghệ. Họ chỉ cần là người có thể đặt ra bài toán và mục tiêu giải quyết. Các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ sẽ phụ trách việc hiện thực hóa các mục tiêu đó. 

Bên cạnh đó, do đây là một quá trình thay đổi toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số cũng là công việc của mọi thành viên trong cùng một tổ chức. 

{keywords}
Buổi làm việc giữa Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trọng Đạt

Giải đáp cho câu hỏi chuyển đổi số cần thực hiện ra sao, ông Dũng cho rằng, các tỉnh cần thay đổi tư duy, nhận thức, phát triển chính quyền số, dẫn dắt chuyển đổi số theo từng ngành, từng lĩnh vực và phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo tại địa phương. 

Để thay đổi tư duy và nhận thức, cần lấy người dân là trung tâm. Lãnh đạo địa phương nên lựa chọn những lĩnh vực liên quan đến người dân để tiến hành chuyển đổi số trước.

Do đó, cần phải làm sao để mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường truyền Internet. Đây chính là phương tiện cơ bản giúp người dân tiến hành chuyển đổi số. 

{keywords}
Tỉnh Đồng Tháp đang muốn học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số từ Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Tư vấn cho Đồng Tháp, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng, các tỉnh có thể chuyển đổi số nhanh hơn bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ Make in Vietnam. 

“Tư tưởng, tinh thần của đề án chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi số dựa trên các nền tảng Make in Vietnam. Đây là công cụ cho phép các cơ quan tổ chức thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn mà không cần biết gì về công nghệ số”, ông Dũng nói.

Để thay đổi nhận thức, các tỉnh cũng nên đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và việc phân tích dữ liệu. Nguyên tắc này thậm chí đã được cụ thể hóa thành luật tại các quốc gia mạnh về chuyển đổi số. 

Đồng Tháp phải làm gì để chuyển đổi số?

Chia sẻ về phương pháp chuyển đổi số cho Đồng Tháp, Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, giáo dục, y tế, nông nghiệp và du lịch là những lĩnh vực cần phải được ưu tiên.

Về nông nghiệp, khoảng 2 tháng gần đây có câu chuyện xoài Vĩnh Xương - một đặc sản của Đồng Tháp bị gắn nhãn mác nhái và phải xuất ngược trở lại. Trong khi đó, đây là thương hiệu tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Trước khi xảy ra sự việc này, xoài Vĩnh Xương thậm chí còn là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc sử dụng Blockchain để truy xuất dữ liệu nguồn gốc. 

{keywords}
Quả xoài là một trong những sản vật đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp. 

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, vấn đề ở đây là công nghệ số đứng một mình sẽ không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, nó phải được gắn với quy trình và phương thức quản lý theo một cách tổng thể và toàn diện. Điều này giống với việc dùng Blockchain để giải quyết vấn đề nhưng vẫn đứng trên góc độ của những người làm công nghệ thay vì góc độ của một người quản lý.

Về du lịch thông minh, Cục Tin học hóa đang tìm cách giải quyết các bài toán cụ thể của địa phương như có bao nhiêu khách du lịch tại Đồng Tháp trong một thời điểm cụ thể. Đây là thông tin quan trọng để phục vụ công tác quản lý, dự báo và hoạch định cho tương lai.

Với câu chuyện y tế, theo thống kê, tại tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.300 bác sĩ trên 2,5 triệu dân, tương đương khoảng 5 bác sĩ trên 10.000 dân. Với tỷ lệ này, lực lượng y tế địa phương sẽ rất khó chăm sóc tốt cho người bệnh. Công nghệ số có thể giải quyết được bài toán đó bằng cách cá thể hóa để mỗi người dân có một ứng dụng giúp kết nối tới các y bác sĩ trên toàn quốc.

{keywords}
Xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử tại Đồng Tháp.  

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, một trong những ví dụ mang lại hiệu quả bước đầu là việc triển khai chương trình cá thể hóa dịch vụ y tế tại xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, Ninh Bình). Cùng với 11 địa phương khác, đây là 1 trong những nơi Bộ TT&TT thực hiện thí điểm mô hình xã thông minh

Những ứng dụng này sẽ không thay thế cho việc đến bệnh viện khám. Tuy nhiên khi có vấn đề về sức khỏe, một người dân ở Ninh Bình có thể được tư vấn bởi các bác sĩ ở Hà Nội. Điều này sẽ giúp hạn chế việc đi lại của người dân, đồng thời giảm tải áp lực cho các bệnh viện. Người dân cũng sẽ nhận được sự tư vấn của các chuyên gia một cách nhanh chóng nhất.

Về giáo dục, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 300 trường tiểu học, gần 150 trường trung học và khoảng 43 trường THPT. Tỷ lệ sử dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa tại Đồng Tháp hiện đạt khoảng 50%. Nếu nâng cao được tỷ lệ này sẽ tạo ra một thế hệ tương lai sử dụng thành thạo kỹ năng số ngay từ rất sớm. Đó là một vài ví dụ về cách chuyển đổi số cho các lĩnh vực tại địa phương.

{keywords}
Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số cho Đồng Tháp. Ảnh: Trọng Đạt

Cục Tin học hóa cũng đang xây dựng Bộ chỉ số Chuyển đổi số cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó sẽ có các tiêu chí và chỉ số để đánh giá mức độ và hiệu quả chuyển đổi số cho từng bộ, từng tỉnh. Các bộ ngành, địa phương có thể căn cứ vào đây để đánh giá mức độ và hiệu quả chuyển đổi số của mình.

Cục Tin học hóa cũng sẽ phát hành bản điện tử của cuốn cẩm nang chuyển đổi số để các địa phương có thể tham khảo và sử dụng, tuyên truyền về chuyển đổi số.

Nhìn chung, chuyển đổi số chỉ có ý nghĩa khi được thực hiện một cách tổng thể và toàn diện. Đến lúc đó, chúng ta sẽ thực sự thấy ý nghĩa thực sự của chuyển đổi số.

Trọng Đạt

Giải “nỗi đau” tụt hậu cho Đồng Tháp bằng chuyển đổi số

Giải “nỗi đau” tụt hậu cho Đồng Tháp bằng chuyển đổi số

Dám xung phong thí điểm những việc mới để bứt phá trong chuyển đổi số sẽ là cách thức nhanh nhất để tỉnh Đồng Tháp giải được “nỗi đau” tụt hậu.