Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định Việt Nam luôn tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp Thụy Điển hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông trong nước, nhưng đồng thời cũng mong muốn Thụy Điển tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường châu Âu, trong đó có Thụy Điển.

Chiều nay, 15/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có cuộc làm việc với bà Camilla Mellander, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Thụy Điển tại Việt Nam, một ngày trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ và trở về Thụy Điển.

Chúc mừng bà Mellander đã kết thúc nhiệm kỳ thành công, góp phần vào sự tăng cường quan hệ giữa hai nước trong 4 năm qua, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam và Thụy Điển luôn là đối tác truyền thống, nhất là trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, lĩnh vực mà Bộ TT&TT trực tiếp quản lý.

{keywords}

Một lần nữa, cảm ơn những đóng góp của Ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy và vun đắp mối quan hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Thụy Điển.

Có thể nói, Thụy Điển là một trong những nước đã hỗ trợ Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu phát triển ngành viễn thông (1999-2000), giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn nước ngoài, kinh nghiệm quản lý, công nghệ để hiện đại hóa, tăng tốc độ phát triển ngành viễn thông trong nước. Trong đó, không thể không nhắc tới công ty Comvik của Thụy Điễn đã có đóng góp rất lớn trong việc liên doanh xây dựng và phát triển mạng di động MobiFone (từ 1990 -2005). Cũng nhờ mô hình hợp tác này, Việt Nam đã thu hút được sự đầu tư của nhiều công ty nước ngoài như Telstra của Australia, NTT DoCoMo của Nhật Bản hay France Telecom của Pháp. Comvik cũng là doanh nghiệp đang rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa của MobiFone.

Ngoài Comvik thì một doanh nghiệp Thụy Điển khác là Tập đoàn Ericsson cũng đang đầu tư rất thành công tại Việt Nam. Đây là đối tác chiến lược và hiện đang cung cấp các thiết bị GSM và 3G chính cho các nhà mạng tại Việt Nam như Tập đoàn VNTP, Viettel, G-Tel, Hanoi Telecom. Việc Việt Nam sẽ cấp phép 4G tới đây thực sự là một cơ hội cho những đối tác như Ericsson.

"Bộ TT&TT luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp truyền thống của Thụy Điển. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT và truyền thông có quy mô đa quốc gia với tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, nhân lực như VNPT, Mobifone,Viettel, FPT, VTC … Rất mong bà Đại sứ - dù ở cương vị nào - cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vươn ra thị trường châu Âu, trong đó có Thụy Điển", Bộ trưởng gửi gắm.

"Đạo đức báo chí là lằn ranh mong manh"

Bên cạnh lĩnh vực viễn thông thì một lĩnh vực khác ghi nhận sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước thời gian qua chính là báo chí. Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hàng nghìn phóng viên, cơ quan báo chí tại Việt Nam, và Bộ trưởng hy vọng sự hỗ trợ này sẽ vẫn được duy trì, tăng cường trong thời gian tới.

Ông cũng đã có những chia sẻ, trao đổi rất thẳng thắn với bà Đại sứ về hoạt động báo chí tại Việt Nam hiện nay. "Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam đã thực hiện sai tôn chỉ, mục đích của mình, là nỗi phiền hà của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Ngày hôm qua, chúng tôi đã tổ chức một Hội nghị báo chí lớn, nơi không chỉ nhắc nhở các cơ quan báo chí hành xử đúng quy định của pháp luật, mà còn đề cao trách nhiệm công dân của mình".

Việt Nam hiện có tới 49 triệu người dùng Internet, tương đương một nửa dân số. Sự phát triển của mạng xã hội đang rất mạnh mẽ, và bản thân Bộ trưởng, như ông tự nhận, cũng là một người dùng mạng xã hội rất tích cực. "Chúng tôi hiểu rõ mạng xã hội là một bước tiến vượt bậc, giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn, gần gũi nhau hơn. Nhưng mạng xã hội phát triển bùng nổ như hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức. Thông tin trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có nhiều thông tin xuyên tạc, thất thiệt và đây là một thách thức rất lớn. Đang có hiện tượng một số nhà báo "bàn phím - Salon": Chỉ ngồi một chỗ, lướt web xem thông tin trên mạng xã hội rồi viết như thể mình đi điều tra tận hiện trường. Chính điều đó làm méo mó tác phẩm báo chí, vì thông tin đã bị mạng xã hội lái đưa tin theo một góc nhìn khác", Bộ trưởng chia sẻ.

Nói đến đạo đức báo chí, Bộ trưởng khẳng định văn hóa Việt Nam rất đề cao vấn đề đạo đức. Một bản tin về vụ án hiếp dâm nếu đưa đầy đủ danh tính nạn nhân sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ về sau. "Với nhà báo nên hay không nên là lằn ranh rất mong manh. Nhiều tin bài không sai về luật nhưng đạo đức người làm báo, lương tâm của họ có nên đăng hay không?"

Ông cũng nhắc đến vụ khủng hoảng môi trường tại Formosa, Hà Tĩnh vừa qua, khi vai trò phát hiện của báo chí được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. "Báo chí đã phát hiện vụ việc và phản ánh về hiện tượng rất tốt, rất đáng hoan nghênh. Nhưng điều tra, khẳng định lại là một việc khác. Việc báo chí buộc tội một cách vội vàng là không nên. Tuy nhiên sau đó, một tờ báo là Người đưa tin đã phát hiện ra vụ việc Formosa chôn rác thải rắn ở trang trại một cá nhân trong Hà Tĩnh với đầy đủ bằng chứng. Chúng tôi đã lập tức yêu cầu Cục Báo chí khen thưởng kịp thời nhóm phóng viên điều tra này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Chúng tôi động viên, khích lệ đội ngũ báo chí phát hiện ra các sai phạm ở bất cứ tổ chức nào, trong bất cứ lĩnh vực nào".

Bà Đại sứ Mellander khẳng định hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về đạo đức báo chí cũng như về sự ghi nhận kịp thời của Chính phủ dành cho báo chí khi phát hiện sự cố. Bà mong muốn hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cũng như cùng nhau tổ chức những cuộc hội thảo trao đổi về thách thức của báo chí trong kỷ nguyên số - khi người dân ngày càng có xu hướng lên mạng đọc báo miễn phí.

Đối với sự hợp tác giữa Việt Nam - Thụy Điển trong lĩnh vực viễn thông, bà đại sứ khẳng định cương vị mới của bà vẫn liên quan nhiều đến lĩnh vực thương mại của hai nước và sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam theo lời đề nghị từ Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

T.C