Doanh nghiệp thì phải tính đến lợi ích, không có lợi ích thì sẽ ngồi chờ cơ hội. Do đó, điều cần làm là phải tập trung tìm kiếm những giải pháp mang tính thị trường để tạo ra một thị trường dịch vụ, ứng dụng cho IPv6.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu chỉ đạo tại

Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2 Kế hoạch Hành động Quốc gia về IPv6.


Quan điểm này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh khi đề cập đến các nhóm biện pháp để thúc đẩy việc chuyển đổi và triển khai IPv6 tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019, trong Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2 Kế hoạch Hành động Quốc gia về IPv6 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Ban Công tác Thúc đẩy IPv6 Quốc gia, chiều 26/4.

Ưu đãi chưa trúng!

Khi phân tích về những nguyên nhân chính khiến cho việc triển khai IPv6 còn "nhiều tồn tại, vướng nhiều chỗ", ông Tâm cho rằng, một trong số đó chính là chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích có nhưng chưa nhiều, cũng chưa thật "trúng và đúng". Các chính sách dường như chưa quan tâm nhiều đến việc tạo lập được một sự cộng sinh giữa các doanh nghiệp, tạo được nguồn lực tổng hợp để có sự đột phá. "Doanh nghiệp nọ vẫn còn ngồi chờ doanh nghiệp kia. Nên nhớ, doanh nghiệp có lợi thì mới làm, không có lợi thì không làm, ngồi chờ cơ hội".

Điều này được thể hiện rất rõ trong chia sẻ thẳng thắn của đại diện NetNam tại hội nghị, khi vị này thừa nhận, doanh nghiệp vẫn đang "ngồi chờ" vì chưa nhìn thấy lợi ích gì đáng kể khi triển khai IPv6 tại thời điểm này. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi hoàn toàn vào cuối năm nay, sau khi Việt Nam cấp phép 4G LTE chính thức. "Chúng tôi vẫn đang chờ 4G LTE vì kiểu gì thì 4G cũng phải cần IPv6. Một khi 4G triển khai chính thức thì tự khắc mức độ ứng dụng IPv6 sẽ vọt lên ngay". Bên cạnh đó, vị này cũng tin rằng, muốn thúc đẩy IPv6 thì đòi hỏi phải sự phối hợp của cả ISP lẫn nhà cung cấp nội dung. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của đại diện nhiều doanh nghiệp khác như Viettel, FPT...

Trong bối cảnh đó thì giải pháp cần làm, theo Thứ trưởng Phan Tâm, là tập trung tìm kiếm những giải pháp mang tính thị trường, nhằm tạo ra một thị trường, một cơ hội kinh doanh đúng nghĩa cho doanh nghiệp và vai trò của Bộ là kiến tạo ra thị trường dịch vụ, ứng dụng IPv6 thông qua các cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, ông đã giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), với tư cách thường trực của Ban công tác, rà soát lại chương trình công tác của các đơn vị thuộc Bộ, tổng hợp những văn bản đang xây dựng có liên quan đến việc khuyến khích tạo lập thị trường ứng dụng cho IPv6 để báo cáo lãnh đạo Bộ, theo hướng "cố gắng tích hợp nội dung IPv6 vào các văn bản mới một cách sâu nhất".

Đẩy mạnh thị trường ứng dụng

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) lại chỉ ra rằng, việc chưa có chính sách khuyến khích các ISP và nhà cung cấp nội dung ứng dụng IPv6 là một điểm yếu lớn của hệ thống cơ chế hiện tại. "Chúng ta mới chủ yếu ưu đãi nhà sản xuất thiết bị", trong khi ứng dụng, đầu ra của IPv6 chưa được chú ý đúng mức. Một đề xuất nữa cũng được ông Phúc đưa ra là đã bước sang giai đoạn 3 của Kế hoạch hành động thì các nhiệm vụ không thể "chung chung nữa", Nhà nước cần phải bắt buộc triển khai bằng nhưng chế tài, thời hạn rõ ràng.

"Thành phố thông minh, Internet của vạn vật chắc chắn sẽ phải sử dụng IPv6. Một khi những dự án này phổ cập thì sẽ tạo ra nhiều nhu cầu để doanh nghiệp tham gia thị trường, chúng ta chẳng cần phải ép buộc", ông Phúc nhận định.

Đồng tình với hướng đi này, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định Ban công tác và bản thân doanh nghiệp cần cố gắng tìm kiếm những dự án lớn, nhất là các dự án liên quan đến Chính phủ điện tử vì đây là những dự án bắt buộc đòi hỏi phải ứng dụng IPv6. "Nếu có thể đưa được việc ứng dụng IPv6 thành một tiêu chí, yêu cầu bắt buộc trong việc phát triển Chính phủ điện tử thì thị trường ứng dụng sẽ mở rộng ra toàn xã hội, doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư, phát triển mạng lưới".

Bên cạnh đó, các đoàn đi khảo sát quốc tế cũng cần phải tập trung tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của các nước, thay vì chỉ chú ý đến cơ chế, chính sách thúc đẩy IPv6 từ phía Nhà nước như hiện tại. Liên quan đến Kế hoạch hành động 2016, Thứ trưởng yêu cầu VNNIC cần sớm bổ sung nội dung "tạo lập thị trường ứng dụng" để tăng tính thực tế, khả thi và đẩy nhanh tiến độ triển khai IPv6 tại Việt Nam.

Trước đó, theo Báo cáo Tổng kết giai đoạn 2 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, kết thúc giai đoạn 2 (2013-2015), việc chuyển đổi sang IPv6 tại VN đã có nhiều thay đổi. 9 ISP đã kết nối tới Mạng IPv6 Quốc gia và Viettel đã có 10 hường kết nối IPv6 đi quốc tế, tổng dung lượng 432 Gbps trong khi VNPT có 7 hướng kết nối đi quốc tế, chạy song song IPv4-IPv6, tổng dung lượng 220 Gbps... Nếu như các năm trước, trên hệ thống thống kê của các tổ chức quốc tế như CISCO, APNIC, Google, tỉ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam chỉ có 0% thì ở thời điểm hiện tại, các hệ thống này đều ghi nhận con số người sử dụng IPv6 ở Việt Nam đạt gần 0,03%. Tất nhiên, đây vẫn là một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn nếu đặt cạnh tỷ lệ 10,41% của thế giới.

Tuy nhiên, đại diện Ban Công tác cũng thừa nhận lưu lượng và sự hiện diện thực tế của IPv6, người dùng IPv6 tại VN còn rất thấp. Mức độ triển khai IPv6 của các doanh nghiệp còn chưa đồng đều, kết quả chủ yếu vẫn từ các nhà mạng và ISP. Các đối tượng mới được bổ sung vào Kế hoạch hành động quốc gia từ giai đoạn 2 như doanh nghiệp cung cấp nội dung, các báo điện tử, các nhà đăng ký tên miền đều chưa có kết quả triển khai nào đáng ghi nhận....

Trọng Cầm