Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) vừa có công văn phúc đáp Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam về việc thu hồi tần số 2G.

Công văn số 1218 ký ngày 22/4 của cơ quan này nêu rõ, theo Thông tư số 04/2015 của Bộ TT&TT "Quy đinh triển khai hệ thống thông tin di động IMT trên các băng tần 824-835 MGz, 869-915 MHz, 925-960 MHz, 1710 - 1785 MHz và 1805-1880 MHz", doanh nghiệp viễn thông được phép triển khai đồng thời hệ thống thông tin di động GSM (2G) và IMT-2000 (3G) trên băng tần 900 MHz; triển khai đồng thời hệ thống thông tin di động 2G và IMT-Advanced (4G) trên băng tần 1800 MHz.

{keywords}
Mạng 2G vẫn được cấp phép hoạt động, duy trì song song với 3G/4G tại VN.

Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống thông tin di động 2G vẫn đang được cấp phép hoạt động song song với các hệ thống di động 3G/4G.

Khẳng định này trấn an nỗi lo ngại của Hiệp hội vận tải ô tô trước đó, vốn sợ rằng nếu cơ quan quản lý "tắt sóng 2G đột ngột" thì sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu thiết bị hộp đen đang được các phương tiện vận tải trang bị trên xe (đều đang kết nối thông qua mạng 2G hoặc 2.5G). Hiệp hội thậm chí còn gửi công văn đến Bộ TT&TT đề xuất việc tắt sóng 2G "cần có lộ trình".

Trên thực tế, mọi chuyện bắt đầu từ một kiến nghị của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tại Hội nghị Tổng kết 2015 của Bộ TT&TT vào cuối tháng 12. Khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Tập đoàn cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên tắt sóng 2G để "giải phóng tần số cho 4G", lý do là vì tài nguyên tần số ngày càng khan hiếm, xu thế chung của thế giới là 2G thoái trào và ngày càng bị thay thế bởi những công nghệ tiên tiến hơn như 3G, 4G, thậm chí 5G. "Việc xây dựng lộ trình tắt 2G, vì thế, là cần thiết", ông Hùng nêu quan điểm.

Sau khi nhận được văn bản từ Hiệp hội vận tải, Bộ TT&TT đã giao Cục Tần số vô tuyến điện rà soát, nghiên cứu vấn đề và phúc đáp chính thức. Tuy vậy, Thứ trưởng Phan Tâm, trong một lần trao đổi gần đây với VietNamNet khẳng định Bộ vẫn chưa nhận được bất cứ kiến nghị bằng văn bản nào từ các doanh nghiệp viễn thông về việc ngừng cung cấp dịch vụ di động 2G. Thông tin này cũng một lần nữa được xác nhận lại trong công văn phúc đáp của Cục Tần số.

Theo quan điểm của cơ quan quản lý, công nghệ và dịch vụ di động 2G vẫn đóng vai trò quan trọng tại thị trường viễn thông Việt Nam cũng như trên thế giới. Mặc dù số lượng thuê bao 2G có giảm nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong số lượng thuê bao di động (Theo ước tính, tỷ lệ phổ cập 3G tại Việt Nam mới đang ở mức 35-40% tổng số thuê bao di động mà thôi). Do đó, trong thời gian tới, mạng thông tin di động 2G sẽ "vẫn tiếp tục được duy trì", Cục Tần số nhấn mạnh. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xu hướng phát triển của các công nghệ di động "để có chính sách quản lý phù hợp".

Việc doanh nghiệp viễn thông muốn ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông (bao gòm dịch vụ 2G) đều phải thực hiện theo lộ trình, Cục Tần số nêu rõ, đồng thời phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông và Nghị định 25 của CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Nói cách khác, kể cả khi nhà mạng muốn tắt 2G thì cũng không thể đơn giản "nói tắt là tắt" mà cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho xã hội, người dùng về các phương án thay thế.

T.C