Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng. Theo Hiệp hội ngân hàng, việc giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt gặp một số trở ngại do chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông đối với giao dịch của các ngân hàng còn quá cao.

Các ngân hàng cho rằng, các giao dịch ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ…

Cụ thể, MobiFone và VinaPhone áp 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel áp 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn). Từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Vietnammobile áp dụng 280 - 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.

Các ngân hàng cho rằng, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng khi dịch bệnh Covid, nên ngân hàng đều phải bù lỗ khi chi trả phí dịch vụ tin nhắn viễn thông.

Do vậy, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị mức giảm giá cước ít nhất bằng 50% so với mức đang áp dụng, hoặc tương đương giá cước tin nhắn thông thường là 250-300 đồng/tin.

Chia sẻ với ICTnews về vấn đề này, ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, Viettel cũng đang xem xét về vấn đề này. Hiện nay xu hướng các ngân hàng gửi thông báo cho khách hàng nhiều qua App, Viettel cũng sẽ xem xét để đưa ra mức giá cước tin nhắn cho phù hợp để đảm bảo lợi ích tất cả các bên. Viettel sẽ phải làm việc với các ngân hàng để xem xét thực tế giá cước tin nhắn hiện nay so với mức cước mà các ngân hàng đang thu của khách hàng cũng như số lượng tin nhắn được gửi đi thực tế ra sao. Khi khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, họ vẫn đang phải trả phí hàng tháng và mức phí này cũng chưa được giảm. "Vì vậy, cần phải xem xét mức phí mà khách hàng phải trả cho ngân hàng và số tiền mà ngân hàng trả tiền cước tin nhắn cho các nhà mạng ra sao. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi điều chỉnh mức cước sắp tới", ông Cao Anh Sơn nói.

Tương tự như Viettel, ông Tô Dũng Thái, Phó tổng giám đốc VNPT cho hay, VNPT sẽ phải làm việc với các ngân hàng về vấn đề này sau khi nhận được ý kiến từ các ngân hàng. "Chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị giảm cước tin nhắn của các ngân hàng. Tuy tiên, theo thông tin mà chúng tôi được biết, mức phí mà các ngân hàng thu của khách hàng hàng tháng không hề giảm. Vì vậy, các bên muốn điều chỉnh cước phải xem xét rất cụ thể để làm cơ sở điều chỉnh cho phù hợp. VNPT trên cơ sở các thực tế và số liệu rõ ràng của tất cả các bên sẽ xem xét để điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo lợi ích của VNPT, khách hàng và ngân hàng", ông Tô Dũng Thái nói.

Chia sẻ với ICTnews về vấn đề này, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cũng xác nhận đã nhận được đề nghị của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc cước tin nhắn của các ngân hàng có điều chỉnh hay không cần phải xem xét cụ thể.

Thái Khang

Tích hợp danh mục chi nhánh ngân hàng lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Tích hợp danh mục chi nhánh ngân hàng lên Cổng dịch vụ công quốc gia

- Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước VN tích hợp, chia sẻ danh mục chi nhánh ngân hàng thương mại với Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 9/5/2020, phục vụ việc thanh toán phí, lệ phí dịch vụ hành chính công.