Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, trong quá trình khai quật và phát lộ đền A10 để phục vụ cho công tác trùng tu nhóm tháp A thuộc Khu đền tháp Mỹ Sơn, các chuyên gia đã phát hiện rất nhiều hiện vật, nổi bật nhất là đài thờ và 4 trụ đá.

Đặc biệt, đài thờ A10 đã được các chuyên gia nghiên cứu sắp xếp từ hơn 20 mảnh vỡ để trở thành một đài thờ hoàn chỉnh nhất tại Di tích Mỹ Sơn. Với Linga-Yoni to lớn, liền khối vừa phát lộ và chân đài thờ được trang trí hoa văn, vòm cửa, các đạo sư thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ thứ IX, đài thờ này mang giá trị rất cao về văn hóa và điêu khắc nghệ thuật.

{keywords}
Khai quật được Linga - Yoni liền khối thế kỷ 9 lớn nhất Việt Nam tại Mỹ Sơn (Ảnh: BQL Mỹ Sơn).

Theo đánh giá của ông Jalihal Ranganath, Trưởng nhóm công tác bảo tồn Dự án trùng tu tháp A tại Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn thì đây là bộ Linga- Yoni liền khối lớn nhất được phát hiện cho đến thời điểm này tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong điêu khắc Chăm Pa.

"Với việc phát hiện này, chúng ta đã có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc đền A10. Việc phát hiện và phục hồi lại vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá thuộc ngôi đền này đã làm rõ chức năng của ngôi đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng Linga-Yoni và đã trả lại không gian thờ tự như xưa", ông Jalihal Ranganath nhấn mạnh.

Ngôi đền A10 được xây dựng vào thế kỷ thứ IX dưới triều vua Indravarman II - vị vua đã xây dựng Phật viện Đồng Dương nổi tiếng năm 875. Cùng với đền B4, đền A10 là một trong hai ngôi đền tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn.

Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, đài thờ đền A10 và A1 ảnh hưởng từ đài thờ Mỹ Sơn E1, nhưng trang trí đơn giản hơn do quá trình thay đổi về kiến trúc đền trong giai đoạn thế kỷ thứ VIII đến nửa sau thế kỷ IX, từ kiến trúc đền “mở” chuyển sang kiến trúc đền “đóng”.

Đền A10 được khai quật vào năm 1903 và 1904, thời điểm đó, tường phía Nam giáp với tháp A1 còn khá cao. Tuy nhiên, do chiến tranh và bị lãng quên suốt một thời gian dài, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

{keywords}
Trang trí chân đài thờ A10.

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết đang xúc tiến lập hồ sơ đề nghị các cấp thẩm quyền công nhận Linga-Yoni liền khối vừa phát hiện tại Mỹ Sơn là bảo vật quốc gia. Nếu được công nhận thì đây sẽ là Bảo vật quốc gia thứ 2 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận tượng Mukhalinga ở Mỹ Sơn là bảo vật quốc gia. 

 

Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần Siva (Ấn Độ). Linga, Yoni không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ, mà còn được tôn thờ khá phổ biến ở các nước có sự tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, trong đó có Chăm Pa lúc bấy giờ.

 

Linga và Yoni ở Chăm Pa có những đặc điểm riêng của nó và không ở đâu Linga -Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở Chăm Pa.

 

Loại hình Linga, Yoni ở Chăm Pa có thể được coi là một trong những biểu hiện về sự ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ mà Chămpa lại là biểu hiện mạnh mẽ nhất về Chămpa hóa những yếu tố văn hóa, tôn giáo tiếp thu được của Ấn Độ giáo.

{keywords}
Hình tượng Linga và Yoni tại thánh địa Mỹ Sơn.

 

Hình tượng Linga ở điêu khắc Chăm Pa có một đặc điểm gần như phổ biến là trên đầu Linga thường hơi bằng, trừ số rất ít có hình vòng cầu hoặc hình chóp. Linga có ba loại cơ bản: Loại chỉ là một khối bốn cạnh; loại Linga có hai phần, phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác hoặc khối vuông; loại gồm có ba phần, phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác, ở phần dưới cùng là khối vuông.

 

Loại thứ ba khá phổ biến ở điêu khắc Chăm Pa, là biểu thị ý niệm tôn thờ cả ba vị thần của Ấn Độ giáo (Brama, Visnu, Siva) còn được gọi là “Tam vị nhất linh”, trong chừng mực nào đó lại mang ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố vương quyền ở Chămpa.

 

Mặt khác, việc biểu thị Linga gồm ba phần như trên có thể còn mang ý nghĩa triết học của duy vật tự phát về sự giải thích quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của sự vật, cũng như việc quy tụ các vị thần thánh ba ngôi tối linh trong Ấn Độ giáo, là sự giải thích thế giới trong sự vận động với ba khuynh hướng tất yếu và căn bản là: sáng tạo (vật được sinh ra), bảo tồn (vật được tồn tại), hủy diệt (sự vật được biến đổi sang cái mới) của triết học Ấn Độ.

 

Ngoài ra Linga còn thể hiện loại hình có mặt người trên đỉnh, được gọi là Mukha-Linga. Hầu như trong điêu khắc Chăm Pa chỉ mới thấy một trường hợp, đó là Mukha-Linga ở trong lòng tháp chính Po klaun Garai và đó cũng có thể là hình tượng muốn biểu thị vua Po klaun Garai. Đối với trường hợp này, cho thấy sự biểu thị có hàm ý muốn nhấn mạnh sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền một cách chặt chẽ.

 

Hình tượng Yoni trong điêu khắc Chăm Pa cũng rất đa dạng, nhìn chung có các loại hình chính như loại khối hình chữ nhật hoặc gần khối vuông, loại hình khối tròn, được trang trí xung quanh hình cánh sen và đặc biệt Yoni loại khối tròn nhưng xung quanh lại trang trí hình ngực phụ nữ

 

 

Tình Lê